• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÌM HIỂU CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 02/08/2021 1:13:00 CH
Lượt đọc: 13207

 

Quyền con người luôn là mục tiêu hướng tới của nhân loại, nhưng quyền con người chỉ thực sự được đặt ra trên quy mô toàn cầu và được quốc tế hóa sau khi Liên hợp quốc ra đời. Thông qua nỗ lực của Liên hợp quốc, Luật quốc tế về quyền con người đã ra đời và trở thành một ngành luật độc lập của công pháp quốc tế. Quyền con người ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống quốc tế, được xem là trụ cột chủ yếu của Liên hợp quốc. Các văn kiện quyền con người luôn nhấn mạnh: “quyền con người phải được bảo vệ bằng luật pháp”, theo các nguyên tắc pháp quyền, chế độ pháp quyền.

Trong phạm vi quốc gia, pháp luật bảo vệ quyền con người thể hiện ở việc ghi nhận các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, pháp luật, hoàn thiện các thiết chế, bộ máy nhằm bảo vệ ngàu càng tốt hơn quyền con người. Mặc dù quyền con người luôn được nhấn mạnh là “quyền bẩm sinh, thuộc sở hữu vốn có của mọi người” nhưng ngày nay, ở mọi quốc gia quyền con người đều được ghi nhận và bảo vệ bằng các hình thức pháp luật khác nhau. Đó cũng là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta nhấn mạnh vai trò của pháp luật trong việc bảo đảm quyền con người. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền con người”. Hiến pháp năm 1992 cũng ghi nhận “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật”. Đến Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn về trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm các quyền con người, cụ thể là: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Hiến pháp năm 2013 đã có những thay đổi hết sức quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên Hiến pháp đã làm rõ hai khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân”. Sự tách bạch này đã góp phần củng cố lý luận về quyền con người, quyền công dân, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này cũng như áp dụng vào thực tiễn.

Về phương diện lý luận, quyền con người thường được chia thành hai nhóm chính: nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và nhóm quyền dân sự, chính trị. Việc Liên hiệp quốc thông qua hai công ước nhân quyền chủ chốt vào năm 1966 là Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) và Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) cũng là kết quả của quá trình vận động và thúc đẩy sự hình thành hai nhóm quyền này. Như vậy, các quyền dân sự, chính trị là một bộ phận cơ bản, thiết yếu, có vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể quyền con người. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin trình bày một số quy định pháp lý có liên quan đến các quyền dân sự, chính trị và đảm bảo các quyền dân sự, chính trị trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật Việt Nam, các quyền dân sự, chính trị được ghi nhận và bảo đảm bao gồm:

Một là: quyền sống, bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm

Quyền sống là quyền trước tiên và quan trọng nhất của con người. Nhà nước Việt Nam đặc biệt ưu tiên và có nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người dân, kể cả những người phạm tội. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Đối với quyền sống, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19) và “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”. (khoản 2, Điều 38). Đây là lần đầu tiên trong Hiến pháp nước ta quy định về quyền sống, mặc dù trước đây quyền này luôn được bảo đảm trong bất kỳ hoàn cảng nào nếu người đó không phạm tội nị bản án của tòa án tuyên hình phạt tử hình đã có hiệu lực pháp luật và không được Chủ tịch nước ân giảm. Để cụ thể hóa hơn quy định của Hiến pháp, quyền sống còn được quy định cụ thể trong một số văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước… Tính riêng Bộ luật Hình sự Việt Nam đã dành 18 điều luật quy định những mức án nghiêm khắc đối với các tội trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người.

Đối với quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, Hiến pháp Việt Nam quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20). Bên cạnh Hiến pháp, nhiều văn bản pháp luật khác Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ cũng quy định: nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào khác xâm phạm đến thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.

Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 còn bổ sung thêm một quyền mới là quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác. Theo đó mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm. Ở nước ta hiện nay, pháp luật quy định: việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, thử nghiệm y học, dược học,khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và tổ chức có thẩm quyền thực hiện (Điều 33 Bộ luật Dân sự). Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng có các quy định cụ thể về hành vi bị cấm trong viêc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác, ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến (Điều 11). Người nào mua, bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự năm 2015.      

Hai là: quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện

Khoản 2, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.

Bộ luật Hình sự có một loạt các điều khoản quy định về trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội liên quan đến việc xâm phạm quyền tự do thân thể của con người như tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; tội ra bản án trái pháp luật; tội ra quyết định trái pháp luật. Đặc biệt trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự còn nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành những hoạt động giữ người, bắt người bao gồm giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ.

Ba là: quyền được xét xử công bằng

Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định và bảo đảm một loạt cá quyền con người có liên quan trong hoạt động tố tụng hình sự như quyền được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; quyền được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai; Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm; quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

Bốn là: quyền được bảo vệ bí mật đời tư

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc, mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” (Điều 21) và “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý” (Điều 22).

Hàng loạt các văn bản pháp luật khác cũng đưa ra các quy định đảm bảo quyền được bảo vệ bí mật đời tư , chẳng hạn như: Bộ luật Dân sự quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32) và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38), theo đó việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó đồng ý, các thành viên gia đình đồng ý, việc sử dụng hình ảnh của người dưới 15 tuổi phải được cha, mẹ hoặc người đại diện người đó đồng ý; việc sử dụng hình ảnh để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có ảnh, bị nghiêm cấm. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện tử, điện tín của người khác (Điều 159). Luật Bưu chính năm 2010 quy định nguyên tắc hoạt động bưu chính phải bảo đảm bí mật thư theo quy định của pháp luật. Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 cũng quy định việc quản lý lý lịch tư pháp phải “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”; nghiêm cấm việc sử dụng phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái luật, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân (Điều 8)…

Năm là: quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử

Quyền bình đẳng trước pháp luật được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Quyền bình đẳng trước pháp luật cũng được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự như quy định hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo,… (Điều 9), đảm bảo quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra tranh luận dân chủ trước tòa (Điều 26). Trong quá trình xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân làm việc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản do pháp luật quy định như đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo; quyền bình đẳng của mọi công dân trước tòa án; không ai bị coi là có tội cho đến khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật,… Ngoài ra, các đạo luật quy định quyền của luật sư được cụ thể hóa theo hướng thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp về tranh tụng, về nguyên tắc phải có người bào chữa của người bị buộc tội,… để bảo đảm tốt hơn quyền được xét xử công bằng, quyền được tiếp cận và hỗ trợ tư pháp.

Sáu là: quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của những người bị bắt, giam, giữ

Quyền của người bị bắt, tạm giam, tạm giữ được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó hình phạt đối với người phạm tội không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Theo quy định hiện hành thì người bị tạm giữ, tạm giam có các quyền như quyền được phổ biến về các quyền và nghĩa vụ của mình; được thực hiện quyền bầu cử, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật; được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam; được gặp gỡ đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; quyền được gặp thân nhân; được quyền được khám chữa bệnh; được quyền khiếu nại, tố cáo…

Bảy là: quyền tham gia quản lý nhà nước

Quyền tham gia quản lý nhà nước được quy định từ điều 27 đến điều 30 Hiến pháp năm 2013, bao gồm các quyền như: quyền bầu cử, ứng cử; quyền tham gia thảo luận, kiến nghị với các cơ quan nhà nước và biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền khiếu nại, quyền tố cáo và trách nhiệm tiếp công dân của cơ quan.

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, để bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý, Quốc hội đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015.

Tám là: quyền tự do đi lại và tự do cư trú

Nhà nước tạo mọi điều kiện và bảo đảm quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân. Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định: công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Để tiếp tục khẳng định quyền tự do cư trú của công dân, Điều 3 Luật Cư trú quy định “Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan… Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.

Chín là: các quyền tự do, dân chủ khác về dân sự, chính trị

Hiến pháp năm 2013 quy định một loạt các quyền tự do dân chủ về dân sự, chính trị, gắn liền với mỗi cá nhân, công dân bao gồm: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền tiếp cận thông tin; quyền hội họp, lập hội, biểu tình. Hiến pháp cũng quy định việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân, Quốc hội đã thông qua Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.   

Có thể khẳng định rằng, việc ghi nhận các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật khác đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992, đồng thời bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Bên cạnh đó các quy định hiện hành trong Hiến pháp đã bổ sung một số quyền dân sự, chính trị mới thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 – với cách tiếp cận mới về quyền – đã đóng một dấu mốc ý nghĩa trong lịch sử lập hiến Việt Nam về việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền dân sự, chính trị của công dân, thể hiện đầy đủ tư tưởng về chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ.

 

Âu Phương Thảo

Khoa Nhà nước và pháp luật