• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN- NGỌN CỜ DẪN DẮT GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG TOÀN THẾ GIỚI TRÊN CON ĐƯỜNG TIẾN TỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Ngày xuất bản: 12/02/2025 7:52:00 SA
Lượt đọc: 2112

 

Năm 1848, một tác phẩm mang tính lịch sử đã ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhân loại. Đó chính là "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo. Tuyên ngôn không chỉ là một bản phân tích sâu sắc về xã hội tư bản chủ nghĩa đương thời mà còn là ngọn cờ hiệu triệu, dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trên con đường đấu tranh cho một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.

1. Bối cảnh lịch sử ra đời

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy biến động vào giữa thế kỷ XIX. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng được củng cố vững chắc ở những nước châu Âu. Sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản đã làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Mâu thuẫn mang tính chất đối kháng giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản đã phát triển mạnh mẽ thành những cuộc đấu tranh giai cấp. Điển hình là cuộc khởi nghĩa của thợ dệt Lyong năm 1831 ở Pháp; phong trào Hiến chương ở Anh vào cuối những năm 30 thế kỷ XIX; cuộc đấu tranh của thợ dệt Xilêdi ở Đức. Đây cũng là thời kỳ các tư tưởng chủ nghĩa xã hội đang trong quá trình chuyển biến từ không tưởng trở thành khoa học; là thời kỳ chủ nghĩa xã hội khoa học đấu tranh với các trào lưu tư tưởng lỗi thời, phản động đang tìm cách thâm nhập, cản trở phong trào công nhân.

Phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự ra đời của Tổ chức công nhân quốc tế mang tên Liên đoàn những người chính nghĩa vào năm 1836. Các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi một hệ tư tưởng mới, một cương lĩnh chính trị rõ ràng để dẫn dắt phong trào cách mạng. Đến năm 1847, Đại hội lần thứ nhất của Liên đoàn đã đổi tên Liên đoàn những người chính nghĩa thành Liên đoàn những người cộng sản. Đại hội lần thứ hai của Liên đoàn (12/1847) đã ủy thác cho C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo Cương lĩnh dưới hình thức một bản tuyên ngôn. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được hoàn thành trong thời gian rất ngắn và công bố vào ngày 24/02/1848. Tác phẩm lần đầu tiên được xuất bản tại Luân Đôn, rồi sau đó được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau ở nhiều nước trên thế giới. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa Mác, với sự trình bày một cách hoàn chỉnh và hệ thống những bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác.

2. Nội dung cốt lõi và ý nghĩa lịch sử

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tập trung vào những vấn đề cốt yếu sau:

Thứ nhất, lịch sử đấu tranh giai cấp: Tuyên ngôn khẳng định rằng lịch sử của tất cả các xã hội cho đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp. Trong xã hội tư bản, mâu thuẫn cơ bản là giữa giai cấp tư sản (những người sở hữu tư liệu sản xuất) và giai cấp vô sản (những người lao động làm thuê).

Thứ hai, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản: Tuyên ngôn phân tích một cách khoa học quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, từ đó dự đoán được những xu hướng vận động tất yếu của nó, đó là sự tập trung tư bản và xã hội hóa sản xuất.

Thứ ba, vai trò của giai cấp vô sản: Tuyên ngôn nhấn mạnh vai trò lịch sử của giai cấp vô sản là lực lượng cách mạng tiên phong, có sứ mệnh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tuyên ngôn chỉ rõ, giai cấp vô sản chỉ có thể tự giải phóng khỏi tình trạng bị áp bức, bóc lột, nếu đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn bộ xã hội khỏi tình trạng bị áp bức, bóc lột, phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đồng thời Tuyên ngôn cũng nhấn mạnh việc tiến hành cách mạng vô sản là tất yếu nhưng tùy thuộc vào tình hình, điều kiện cụ thể ở mỗi nước để lựa chọn các biện pháp sử dụng khác nhau, thời điểm tiến hành khác nhau; cách mạng vô sản phải trải qua hai bước; phương pháp cách mạng là tiến hành không ngừng; con đường, biện pháp cách mạng phải bằng bạo lực. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, bên cạnh mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa giai cấp vô sản và đảng cộng sản thì cần giải quyết một cách khách quan, hài hòa các mối quan hệ giữa giai cấp - dân tộc - quốc tế. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vạch trần bản chất phản động, bảo thủ, lỗi thời của các trào lưu tư tưởng phi khoa học, trá hình dưới chiêu bài khác nhau về chủ nghĩa xã hội để chống chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ.

Thứ tư, mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản: Tuyên ngôn nêu rõ mục tiêu cao cả của chủ nghĩa cộng sản là giải phóng giai cấp vô sản và toàn thể nhân loại khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Sự ra đời của Tuyên ngôn đã có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng đến phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nó đã trở thành vũ khí lý luận sắc bén, kim chỉ nam cho các đảng cộng sản và giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giành độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc.

Tác phẩm là sản phẩm kết tinh những giá trị tinh hoa trí tuệ của C.Mác và Ph.Ăngghenđánh dấu phong trào công nhân quốc tế có bước phát triển từ tự phát sang tự giác, được dẫn dắt bởi lý luận khoa học và cách mạng, được tổ chức thành chính đảng, có cương lĩnh chính trị soi đường, dẫn lối. Đồng thời, tác phẩm này đã đánh dấu sự thống nhất, biện chứng giữa ba bộ phận lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác là Triết học, Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa Cộng sản khoa học. Đặc biệt, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là bản Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từng bước dẫn dắt con đường cách mạng vô sản thế giới.

3. Giá trị bền vững trong thời đại ngày nay

Thực tiễn lịch sử và những tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã cho thấy, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu ở những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX không làm lay chuyển mục tiêu của phong trào đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội. Mặc dù đã gần 180 năm kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời cho đến nay, thế giới đã có nhiều biến đổinhưng những giá trị, sức sống và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn vẫn tiếp tục được khẳng định ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại với nhiều thành tựu to lớn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại và ngày càng sâu sắc. Tác phẩm vẫn là cơ sở khoa học, là phương pháp luận cho việc luận giải các vấn đề cơ bản của thời đại; là kim chỉ nam, ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trên con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa./.

Đỗ Thu Hằng

Phó trưởng khoa LLCS