• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NGƯỜI DAO VĂN YÊN LÀM GIÀU CÙNG CÂY QUẾ
Ngày xuất bản: 05/02/2025 8:28:00 SA
Lượt đọc: 8

                                                              

Quế là một loại lâm sản có giá trị kinh tế cao được ưa chuộng và sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Hiện nay cây quế được trồng ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh Yên Bái, nhưng tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên. Từ lâu, cây quế đã gắn liền với truyền thống, tập quán, văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên, nhất là đồng bào dân tộc Dao đỏ. Đồng bào người Dao có rất nhiều kinh nghiệm trong nhân giống, chăm sóc khai thác quế nên các khu vực người Dao sinh sống quế thường được trồng tập trung, sinh trưởng, phát triển tốt.

Từ xưa, quế là một trong bốn vị thuốc quý được gọi là “tứ bảo đông y” gồm: sâm, nhung, quế, phụ. Ngày nay, quế, bột quế, tinh dầu quế và các sản phẩm từ quế càng được sử dụng nhiều hơn và không chỉ trong dược liệu mà còn là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị. Cây quế không chỉ giúp người dân Văn Yên xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, là “biểu tượng” kinh tế, văn hóa, là sinh kế rất quan trọng của cộng đồng người Dao; đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường. Do đó, cây quế được ví là “vàng xanh”, trở thành cây chủ lực để xóa đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Người Dao xã Viễn Sơn thu hoạch vỏ quế

(Nguồn: yenbai.gov.vn)

Trước kia, người dân Văn Yên chủ yếu trồng ngô, sắn hoặc các loại cây lâm nghiệp lấy gỗ như keo, bồ đề cho hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương phát triển cây quế, nhiều hộ đã chuyển sang trồng loại cây này. Nhờ có cây quế, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã giảm mạnh theo từng năm, số hộ khá và giàu tăng nhanh, đời sống của người dân được nâng lên.

Đến nay, huyện Văn Yên đã hình thành được vùng nguyên liệu trồng quế rộng lớn ở khắp 25/25 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 61.000 ha[1], gần 9.109 ha quế hữu cơ[2]. Được xem là “thủ phủ” của cây quế tại Yên Bái, trung bình mỗi năm huyện trồng mới và trồng thay thế vào diện tích quế đã khai thác khoảng 2.000-2.5000 ha/năm, trong đó chủ yếu là trồng lại sau khai thác. Đặc biệt, đã xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tại 8 xã của huyện nằm ở khu vực hữu ngạn sông Hồng (Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn và Mỏ Vàng). Với diện tích đó, Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước.

Mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000m3/năm; trên 150 triệu cây quế giống[3]. Quế vỏ và tinh dầu được sản xuất, tiêu thụ theo đơn đặt của khách hàng. Các sản phẩm từ cây quế trên thị trường trong và ngoài nước ngày càng đa dạng, tận dụng được toàn bộ các bộ phận của cây, giá trị ngày càng được nâng cao, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm quế Văn Yên. Hiện nay, các sản phẩm từ cây quế của Văn Yên đã được xuất khẩu rộng rãi sang các thị trường: Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, các nước Trung Đông.

Hiện nay cùng với việc vận động nhân dân tích cực đầu tư mở rộng diện tích, khai thác phù hợp, huyện Văn Yên đã vận động người dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huyện đặc biệt chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế bền vững đúng quy trình kỹ thuật, phát triển diện tích quế hữu cơ. Ngoài ra, huyện Văn Yên cũng đã thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh quế Văn Yên, Hiệp hội Chế biến, Kinh doanh tinh dầu quế để thuận lợi liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ, cành, lá. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện có hàng trăm cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm từ quế với các sản phẩm chính như: Quế kẹp, quế khâu, quế chẻ, quế bào ống điếu, quế khúc, quế thuốc lá, quế bột, các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ… Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư 12 nhà máy với dây chuyền hiện đại chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm quế với chất lượng cao để xuất khẩu, điển hình như: Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, Công ty Olam Việt Nam, Công tyProsy Thăng Long…

Huyện Văn Yên có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy với dây chuyền hiện đại thu để thu mua, chế biến sản phẩm quế xuất khẩu.

(Nguồn: yenbai.gov.vn)

Doanh thu từ các sản phẩm quế của huyện đạt khoảng 600 - 800 tỷ đồng/năm. Cây quế đã giúp hàng nghìn hộ nông dân của huyện vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, nhất là lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện cải thiện thu nhập, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều hộ người Dao có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ cây quế. Kinh tế khởi sắc, đời sống vật và chất tinh thần của người dân không ngừng tăng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay giảm còn 6,93%[4]. Đến nay, huyện Văn Yên có 25/25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa huyện Văn Yên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024.

Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự chủ động của người dân toàn huyện nói chung, người Dao nói riêng, cây quế đã và đang thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Cây quế nơi đây đã và đang đem đến những mùa xuân ấm áp, trọn vẹn trên núi rừng Tây Bắc.

                                                               Ths.Tạ Hảo - GV Khoa Xây dựng Đảng

 

 



[1]   Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên, Đề án phát triển du lịch huyện Văn Yên giai đoạn 2024-2025, định hướng đến 2030, Văn Yên 1/2024, tr.26.

[2] Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên, Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 (Tính đến hết ngày 31/12/2023), Văn Yên 2/1/2024, tr.6.

[3] Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên, Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 (Tính đến hết ngày 31/12/2023), Văn Yên 2/1/2024, tr.7.