• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Ngày xuất bản: 20/04/2022 1:39:00 CH
Lượt đọc: 9719

 

            Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền là nét độc đáo, sáng tạo của Người. Từ rất sớm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” tháng 10-1947, Người không chỉ 13 lần đề cập đến thuật ngữ “cách lãnh đạo” mà tập trung “bút lực” cho 1 mục riêng “V. CÁCH LÃNH ĐẠO” trong điều kiện Đảng ta là cầm quyền sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong mục này của tác phẩm, Người đặt vấn đề và giải thích rất rõ ràng: “Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào? Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh. Lãnh đạo đúng nghĩa là: “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”[1]. Ngày nay, Đảng ta dùng khái niệm phương thức lãnh đạo của Đảng chính là sự kế thừa và phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh về cách lãnh đạo của Đảng. Như vậy, phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền là tổng thể các phương pháp, hình thức, biện pháp mà Đảng sử dụng để triển khai thực hiện Cương lĩnh chính trị đối với nhà nước và toàn xã hội.

            Thứ nhất, Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo toàn xã hội bằng việc đề ra cương lĩnh, đường lối đúng đắn, sáng tạo và làm cho cương lĩnh, đường lối thấm sâu trong toàn Đảng, toàn dân.

            Đảng cầm quyền phải xây dựng đường lối chính trị đúng đắn. Đường lối chính trị đúng đắn là một vấn đề cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Có đường lối chính trị đúng đắn mới làm cho Nhân dân giác ngộ về mục tiêu đấu tranh, mới hiểu rõ tình hình cách mạng và mới ý thức rõ được những việc nên làm. Vì thế, việc xây dựng đường lối chính trị trở thành một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng của Đảng ta. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người đã phân tích rõ: “Đảng cương là một văn kiện nó quy định: Tính chất của Đảng, mục đích đấu tranh và đường lối cách mạng của Đảng, phương pháp lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đảng cương là lý luận nền tảng của Đảng, Đảng dùng để lãnh đạo cách mạng. Nó đảm bảo cho chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất trong Đảng”[2]. Để thực hiện được Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cần phải xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng thời kỳ: “Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Đảng quy định ở giai đoạn nào thì dựa vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân”[3]. Người cũng nhấn mạnh đến công tác tư tưởng phải làm cho Cương lĩnh, đường lối thấm sâu vào quần chúng nhân dân: “Có khẩu hiệu chung cũng chưa đủ, Đảng còn phải căn cứ theo lợi ích của nhân dân trong giai đoạn đó để động viên quần chúng, để làm mục đích và vạch đường lối cho quần chúng đấu tranh; đồng thời để huấn luyện giáo dục quần chúng”[4].

            Thứ hai, Đảng lãnh đạo xã hội thông qua công tác tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng và hành động gương mẫu của các cán bộ, đảng viên.

             Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi có Cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi, song từ nguồn gốc đến thắng lợi thực sự còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Do đó, lãnh đạo còn phải “tổ chức thi hành cho đúng”.Có cương lĩnh, đường lối, có kế hoạch, lãnh đạo cần phải truyền đạt tới mọi đảng viên và biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của quần chúng. Sau khi có nghị quyết, chúng ta cần phải tổ chức việc phổ biến nghị quyết trong Đảng, rồi phổ biến những điểm cần thiết trong nhân dân. Người khẳng định: “Kinh qua đảng viên và các tổ chức của Đảng, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, lãnh đạo các đoàn thể cách mạng của quần chúng”[5]. Để phương thức lãnh đạo của Đảng có hiệu quả, Đảng phải làm tốt công tác cán bộ, thực hiện tốt chính sách trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, từ quan điểm “một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”nên Người yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên phải gương mẫu, đảng viên phải đi trước để “làng nước theo sau”, đảng viên nói thì phải làm. Đề ra chính sách, vạch ra kế hoạch, đảng viên phải thi hành trước, phải thi hành đúng. Việc tuyên truyền giải thích phải làm nhiều lần, đơn giản, thiết thực, nghe rồi làm được. Tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho người khác bắt chước.

            Thứ ba, Đảng lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra và phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

            Công tác kiểm tra được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong ba nhân tố quyết định đến sự thành công của mọi công việc, bên cạnh cách thức tổ chức thực hiện và công tác cán bộ. Theo Người: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Kiểm tra vừa là chức năng, vừa là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”[6]. Đảng cần phải vận động quần chúng nhân dân tham gia vào công tác kiểm tra, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy, sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại”[7].

            Thứ tư, đổi mới lề lối và phong cách làm việc của Đảng và cán bộ, đảng viên.

            Để thực hiện tốt phương thức lãnh đạo của Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ vai trò của việc đổi mới lề lối, phong cách làm việc của Đảng và cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người viết: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng, Đảng ta hy sinh, đấu tranh, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”[8]. Đổi mới lề lối và phong cách làm việc thể hiện ở chỗ mỗi đảng viên cần kết hợp giữa tính nguyên tắc cứng rắn với biện pháp thực hiện linh hoạt với tinh thần “Ứng bất biến, dĩ vạn biến”; kết hợp tính nhiệt tình cách mạng với tính khoa học; kết hợp cách làm việc dân chủ tập thể với tính quyết đoán, trách nhiệm cá nhân cao. Đặc biệt, Người cũng nhắc nhở cán bộ, đảng viên không được “làm quan cách mạng” mà phải có phong cách làm việc có tính quần chúng, bám sát cơ sở, liên hệ mật thiết, lắng nghe, tin tưởng, học hỏinhân dân và phấn đấu không ngừng vì lợi ích của nhân dân.

            Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là một việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Để phương thức lãnh đạo của Đảng ngày càng hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Ths. Phạm Thị Ngọc Ánh

Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.325

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.230.

[3] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.232.

[4] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.232.

[5] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.232 - 233.

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr. 362.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 325-326.