• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
XUYÊN TẠC QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA – MỘT ÂM MƯU THÂM ĐỘC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Ngày xuất bản: 14/12/2023 10:33:00 SA
Lượt đọc: 2543

                

Công cuộc đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội đã góp phần quan trọng vào việc nhận thức rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau 37 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. “Về nhận thức lý luận: Mục tiêu, đặc trưng, những phương hướng cơ bản và những quan hệ lớn mang tính quy luật trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được bổ sung, cụ thể hoá, phát triển với những nhận thức quan trọng[1]. Nhìn lại 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 32 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), “lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá”[2]. Những bước tiến lớn trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng có một phần đóng góp quan trọng từ cuộc đấu tranh bảo vệ những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội  luôn tìm cách chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là một trong những trọng điểm chống phá của chúng, trong đó xuyên tạc quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xuyên tạc động lực phát triển đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội như một nội dung không thể thiếu của chúng.

Họ xuyên tạc động lực xây dựng phát triển đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chỉ dựa vào thực tế sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu  và Liên Xô mà không hề tính đến yếu tố  lịch sử cụ thể của quan điểm, từ đó kết luận: “Dự đoán Mác xít có tính chiến lược bao trùm nhất…là tuyên bố của 81 Đảng cộng sản về nội dung thời đại: .. là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới mở đầu bằng Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại... Đối chiếu với thực tế ngày nay liệu còn gì để bình luận?”[3]

Họ cho rằng, quyền tự do, dân chủ trong xã hội Việt Nam không được thực hiện, đảng sẽ can thiệp bất cứ lúc nào cần thiết, nên các giai tầng nên thủ thế cho riêng mình, đừng góp sức vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, họ lý sự: “tự do ngôn luận, biểu hiện rõ nhất trong báo chí, xuất bản vẫn bị khống chế khắc nghiệt bởi những cơ quan chức năng với những thủ đoạn trừng trị trấn áp vừa công khai vừa nội bộ”[4].

Xuyên tạc quá trình xây dựng nhà nước và thiết lập dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta bằng lý do: “Nhà nước mệnh danh vô sản…thực chất chỉ là nhà nước chuyên chế của Đảng... không còn xã hội công dân cũng không còn nhà nước hiểu theo nghĩa thông thường”[5]. Có quan niệm cho rằng: tương ứng với nền kinh tế nhiều thành phần phải là nền chính trị đa nguyên, và đa đảng lãnh đạo thì mới có dân chủ, nếu không thì viễn cảnh dân chủ rất mờ mịt. Rằng dân chủ tư sản là nền dân chủ tối cao vì ở đó có cơ chế đa đảng và tam quyền phân lập?

Vấn đề này cần nhận thức rõ như sau: Dân chủ tư sản là tiến bộ so với chế độ phong kiến, là bước tiến, mang tính lịch sử, nhưng từ đó mà đồng nhất, xem những yêu cầu, chuẩn mực dân chủ  đạt được trong chủ nghĩa tư bản là mẫu mực, là cái thích ứng với mọi xã hội, mọi quốc gia thì sẽ bị mắc lừa một cách tai hại. Trên thực tế, quyền lực chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa bị chi phối bởi những tập đoàn tư sản, bởi các nhóm lợi ích. Nhà nước tư sản chỉ là công cụ quyền lực của giai cấp tư sản đối với đa số nhân dân, nó chỉ là công cụ bảo vệ lợi ích cho các nhà tư bản. Các phương tiện truyền thông hầu hết nằm trong tay những tập đoàn tư sản giàu có để cổ vũ cho chế độ tư bản chủ nghĩa. Hoạt động chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa là  lĩnh vực riêng của những người giàu có.

Vì nhu cầu cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích, các tập đoàn tư sản nên dân chủ tư sản cần đến cơ chế đa nguyên, đa đảng, nhưng các chính sách của quốc gia không phải được quy định bởi quần chúng nhân dân mà là bởi lực lượng lãnh đạo trong bộ máy, trong các nhóm lợi ích. Tam quyền phân lập cũng chỉ là sự phân chia quyền lực giữa các tập đoàn tư sản, là sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích có thế lực. Đầu phiếu phổ thông chỉ là sự hợp pháp hóa quyền lực của những người có thế lực trong giai cấp tư sản, và như Mác đã chỉ  ra rằng: “kỳ thực thì chính quyền nhà nước ấy chỉ là một cái u ăn bám trên thân thể dân tộc mà thôi”[6]

Sau nhiều thế kỷ ở một số nước tư bản phát triển, chế độ dân chủ tư sản đạt được những tiến bộ to lớn, nhưng bản chất của chế độ vẫn không hề thay đổi và không thể tự thay đổi, chế độ dân chủ tư sản trước sau như một là dân chủ cho những kẻ giàu có, dân chủ cho giai cấp tư sản mà thôi. Cho nên, quan niệm: tương ứng với nền kinh tế nhiều thành phần phải là nền chính trị đa nguyên như trên là phi thực tế. Về quan niệm “đa nguyên mới có dân chủ”. Cần thấy rõ rằng, không có nước nào, kể cả những nước tự cho mình là dân chủ nhất, lại để yên cho những hành động phạm pháp, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc họ. Những người phê phán chế độ một đảng ở nước ta thực chất là muốn hợp pháp hóa vai trò của các lực lượng chính trị phản động đã bị  đánh đổ mà thôi. Đảng ta khẳng định: “Chế độ một đảng hay nhiều đảng là sự phản ánh và kết quả của so sánh lực lượng trong đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp, vì vậy nó là sản phẩm của điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước. Trong điều kiện nước ta hiện nay không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu đậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động, phục thù trong nước và từ nước ngoài trở về hoạt động chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ. Đó là điều mà nhân dân ta dứt khoát không chấp nhận”[7].

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận trước yêu cầu mới là: “Triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”[8]

Dĩ nhiên, trong cơ chế nhất nguyên về chính trị, phải cảnh giác và đề phòng với xu hướng độc đoán, chuyên quyền vi phạm dân chủ.

Theo đó, cần xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân - do dân - vì dân. Thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới, của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Chúng ta đã làm được nhiều việc lớn, có tác dụng tích cực, song phải thấy rằng, trong lĩnh vực rất hệ trọng này, còn nhiều việc cần phải làm để hiện thực hóa với phương châm mà Đại hội XIII Đảng ta chỉ ra rằng: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng[9].

Thời gian tới, cần kiên quyết chỉ đạo việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng về vấn đề dân chủ, quyền làm chủ, quyền giám sát phản biện của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng; làm rõ hơn nữa, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nghiên cứu, kiện toàn hệ thống chính trị, đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng toàn diện của hệ thống đó, bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc cao nhất là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân trên cơ sở Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý.

Cần thấy rằng việc thiết lập chế độ dân chủ cho đa số, được tiến hành rất khó khăn. Một mặt, do các thế lực thù địch chống phá. Mặt khác, xây dựng nền dân chủ cho số đông là việc làm chưa có tiền lệ thành công, nên trong bước đi, cách làm vẫn còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết và có cả sai lầm. Dĩ nhiên chế độ dân chủ mới đó sẽ  bị đem ra đối chiếu so sánh, buộc phải đấu tranh trực tiếp với những quan điểm tư sản về dân chủ và cả sự tuyệt đối hóa giá trị dân chủ tư sản.

Nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa sau khi giành được chính quyền, phải biết sử dụng có hiệu quả quyền lực nhà nước đó để xây dựng những thể chế kinh tế, chính trị, xã  hội mới, trong đó nhân dân lao động từng bước trở thành người làm chủ xã hội, là chủ thể tối cao của quyền lực, đó chính là bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Để có môi trường thực thi dân chủ, bảo vệ lợi ích của nhân dân phải kết hợp được tập trung và dân chủ. Dân chủ và kỷ cương nằm trong sự thống nhất, tác động qua lại lẫn nhau, là điều kiện, tiền đề tồn tại và phát triển của nhau, Đảng ta khẳng định: “cả vô chính phủ lẫn độc đoán chuyên quyền đều trái với bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, xét về thực chất, dân chủ gắn liền với kỷ cương, có khuôn khổ, trong vòng trật tự. Không thể có dân chủ mà lại thiếu pháp luật, kỷ luật, kỷ cương”[10].

            Do vậy, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục bổ sung thêm mối quan hệ thứ mười, đó là "mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội[11]. Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội có mối quan hệ tác động qua lại: có khi thống nhất, hài hòa, thúc đẩy lẫn nhau, có khi xung đột, cản trở, loại trừ nhau; có khi việc thực hiện pháp chế, duy trì kỷ cương lại cản trở, trói buộc và phá hoại dân chủ; có khi dân chủ hình thức, dân chủ vô chính phủ lại làm tổn thương pháp chế và phá hoại trật tự, kỷ cương xã hội Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm kỷ cương xã hội có mối quan hệ biện chứng, tác động tương hỗ nhau và làm tiền đề tồn tại cho nhau. Nếu thực hiện pháp chế nghiêm minh là yếu tố bảo đảm, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân  thì thực hành dân chủ sẽ đảm bảo tính thực chất trong thực tiễn; đồng thời, thực hành dân chủ của nhân dân được mở rộng và phát huy sẽ càng làm cho pháp chế được tăng cường và kỷ cương trong xã hội được tôn trọng. Kỷ cương xã hội là kết quả và biểu hiện ra bên ngoài của pháp chế.

            Với hệ thống thể chế, nhất là thể chế pháp luật ngày càng đầy đủ, hoàn thiện, người dân có điều kiện thực hành dân chủ tốt hơn trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế được mở rộng, các chủ thể kinh tế được tự do sản xuất, kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là thành tựu lớn nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Dân chủ trong lĩnh vực chính trị được thực hiện tốt hơn và có những bước tiến nổi bật. Các tổ chức trong hệ thống chính trị đã và đang tiếp tục được đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động. Các hình thức thực hiện dân chủ (dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp) ngày càng được coi trọng.

Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa và xã hội có những kết quả quan trọng; đặc biệt, dân chủ trong hoạt động lý luận khoa học đã có bước tiến, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tranh luận, thảo luận và phát huy năng lực sáng tạo của mình, đóng góp tích cực vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình xây dựng chế độ dân chủ, xây dựng nhà nước thực sự mang lại quyền lợi cho đa số nhân dân lao động, thì mọi hoạt động của các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội đều được đặt dưới sự kiểm tra giám sát của nhân dân, do vậy trong quá trình đó, không thể không phát huy tính chủ động sáng tạo của nhân dân lao động, và, cũng rất rõ ràng rằng, nhiệm vụ chính trị trong đấu tranh phê phán các quan điểm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã trở thành nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, việc phát huy được tính chủ động sáng tạo, sự tham gia tự giác, tích cực của nhân dân là vấn đề mang ý nghĩa sống còn.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Trải qua 93 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là mục tiêu và động lực của cách mạng. Đó cũng chính là bài học quý báu để Đảng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những kết quả đó chính là minh chứng để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam của các thế lực thù địch hiện nay.

 

          Ths. Đỗ Mai Thúy – Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H. 2021, tr 99

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H. 2021, tr 13

[6] C.Mác-Ph Ăngghen toàn tập,Nxb CTQG Hà Nội, 1995, tập 17 tr.451

[7] Đảng Cộng sản  Việt Nam (2007) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51. Nxb CTQG, Hà Nội tr.32

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCHTW khóa X, Nxb CTQG Hà Nội tr. 45

 

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H. 2021, tr 27

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (1997) Văn kiện hội nghị lần thứ ba BCHTW khóa VIII, Nxb CTQG Hà Nội tr.12-13