• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870/22-4-2024) TẦM ẢNH HƯỞNG TO LỚN CỦA V.I.LÊNIN VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI TRONG KHOA HỌC KINH TẾ CHÍNH TRỊ
Ngày xuất bản: 17/04/2024 10:09:00 SA
Lượt đọc: 229

 

V.I.Lênin sinh ngày 22/4/1870, mất ngày 21/4/1924 là nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại, nhà tư tưởng lỗi lạc, người đã có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Tầm ảnh hưởng của V.I.Lênin không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Nga mà còn lan rộng ra toàn thế giới, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nhân loại. Di sản của Người để lại rất phong phú, có giá trị và trở thành tài sản chung của cả nhân loại trong tiến trình xây dựng một thế giới đại đồng, vì tự do, bình đẳng và hạnh phúc của con người. Di sản đó đang tiếp tục soi sáng sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, cho nhân loại tiến bộ trong thời đại hiện nay. Có thể kể đến tầm ảnh hưởng của V.I.Lênin trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, Người là lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

V.I.Lênin là người lãnh đạo Đảng Bolshevik (Đảng Cộng sản Nga) tiến hành thành công Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại - kỷ nguyên mà chủ nghĩa xã hội đã từ lý thuyết trở thành hiện thực. Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử thế giới, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở các nước khác.

Thứ hai, Người sáng lập Nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới

Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin lãnh đạo nhân dân Nga xây dựng nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới, là ngọn cờ tiên phong cho phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Dưới ngọn cờ của V.I.Lênin, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã... Có thể thấy, tên tuổi vĩ đại của V.I.Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Nhà nước Xô viết là mô hình nhà nước mới, do giai cấp vô sản lãnh đạo, vì lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động, là minh chứng cho sự khả thi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, Người sáng lập Quốc tế Cộng sản

Quốc tế Cộng sản ra đời trải qua bảy kỳ đại hội, với 24 năm tồn tại là khoảng thời gian không dài, tuy có những hạn chế nhất định nhưng với vai trò của V.I. Lênin đã để lại những dấu ấn thể hiện công lao và thành tựu to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong đó, xác định những nguyên tắc Mác-xít, các vấn đề chiến lược, sách lược, tập hợp lực lượng tạo ra cao trào với sự lớn mạnh của ba dòng thác cách mạng là phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội; phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, là những xung lực làm cho chủ nghĩa xã hội từ một nước phát triển thành hệ thống thế giới.

Ngay từ khi Quốc tế Cộng sản mới ra đời, V.I. Lênin đã nêu bật ý nghĩa và địa vị lịch sử quan trọng của nó: “là ở chỗ nó đã bắt đầu thực hiện khẩu hiệu vĩ đại nhất của Mác, khẩu hiệu tổng kết bước tiến trong một thế kỷ của chủ nghĩa xã hội và của phong trào công nhân, khẩu hiệu biểu hiện bằng khái niệm: chuyên chính của giai cấp vô sản”[1]. Quốc tế III đóng vai trò nổi bật trong cuộc đấu tranh vì lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; khôi phục và tăng cường mối liên hệ giữa những người lao động tất cả các nước đã bị chia rẽ vì sự phản bội của những người xã hội - dân chủ trong Quốc tế II cũng như trong chiến tranh thế giới thứ Nhất. 

Cho đến nay, dù hơn một thế kỷ đã trôi qua, vẫn khắc sâu vai trò của V.I. Lênin trong sự kiện thành lập và hoạt động của Quốc tế Cộng sản như là sự kiện lớn nhất và ý nghĩa nhất trong dòng chảy lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX. Với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Quốc tế Cộng sản xứng đáng là “Bộ Tham mưu” giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Với nhân loại, Quốc tế Cộng sản xứng đáng là một bức tường thành ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, gìn giữ hòa bình.

Thứ tư, V.I.Lê nin là nhà tư tưởng vĩ đại

V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại của mọi thời đại, chính trị gia kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. V.I.Lênin là người có công sáng lập học thuyết về đảng kiểu mới, đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, chống căn bệnh quan liêu, căn bệnh ấu trĩ, nghiêm khắc lên án chủ nghĩa quan liêu, bệnh hình thức, bệnh chạy theo thành tích ảo, lên án bệnh nói dối, chủ nghĩa cơ hội và thói mị dân. Đồng thời, ông cũng là người có công truyền bá, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế, từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thế kỷ 20. 

V.I.Lênin là nhà lý luận xuất sắc, đã phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Ăngghen, vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước Nga và thế giới, đặc biệt là về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Những đóng góp lý luận của V.I.Lênin có ý nghĩa to lớn, góp phần hoàn thiện học thuyết Mác - Ăngghen, cung cấp những vũ khí tư tưởng sắc bén cho giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[2].

Về khoa học kinh tế chính trị, V.I.Lênin có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt là trong việc phát triển lý luận kinh tế chính trị Mác thành lý luận kinh tế chính trị Mác – Lê nin. Người đã phân tích bản chất của chủ nghĩa đế quốc, mâu thuẫn gay gắt của nó và vai trò của nó trong quá trình phát triển lịch sử. Những quan điểm của V.I.Lênin về chủ nghĩa đế quốc có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần quan trọng vào việc phát triển lý luận kinh tế chính trị Mác-Lênin và phong trào cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Những đóng góp của Người có thể được tóm tắt như sau:

Một là, V.I.Lênin phân tích chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc

V.I.Lênin đã phân tích sâu sắc những đặc điểm mới của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc, bao gồm sự tập trung cao độ sản xuất và tư bản, sự hình thành các tập đoàn và chủ nghĩa độc quyền; Sự xuất hiện của tư bản tài chính và đầu sỏ tài chính chi phối hoạt động của nhà nước tư bản; xuất khẩu tư bản nhằm mở rộng sự bóc lột ra nước ngoài; Sự phân chia thị trường giữa các tổ chức độc quyền; sự xuất hiện của chủ nghĩa đế quốc và sự phân chia thế giới không đồng đều giữa các cường quốc. Những đặc điểm trên của CNTB giai đoạn độc quyền mà V.I.Lênin đã chỉ ra cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Người cho rằng chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản, là giai đoạn tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hai là, phát triển lý thuyết về cách mạng xã hội chủ nghĩa

V.I.Lênin đã phát triển lý thuyết về cách mạng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới của giai đoạn đế quốc.

Người cho rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể xảy ra ở một nước hoặc một nhóm nước, chứ không nhất thiết phải xảy ra đồng thời trên toàn thế giới. Đặc biệt Người đưa ra luận điểm về khả năng quá độ lên CNXH từ một nước có trình độ phát triển còn lạc hậu. Người cũng nhấn mạnh vai trò của vô sản giai cấp trong việc lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, Xây dựng mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa

Sau Cách mạng tháng Mười Nga, V.I.Lênin đã lãnh đạo xây dựng mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Người đã thực hiện nhiều chính sách kinh tế quan trọng, bao gồm quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất chính, thực hiện kế hoạch hóa tập trung, và phát triển kinh tế tập thể. Chính sách kinh tế mới (NEP) mà V.I.Lênin ban hành đã thổi một luồng sinh khí vào nền kinh tế Nga. Cuộc cải cách kinh tế dựa trên cơ sở phân quyền kinh tế và trao đổi quyền tự quản rộng rãi cho các xí nghiệp đã làm mọc lên nhiều liên hiệp xí nghiệp khổng lồ. Từ đó, Lênin đã thay đổi cách tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ “trực tiếp” sang “gián tiếp”, có nghĩa là nước Nga phải trải qua thời kỳ quá độ, trong thời kỳ này các hình thức kinh tế tư bản tư nhân được phép phát triển trong sự kiểm soát của chính quyền vô sản.

“Chính sách kinh tế mới” là một cống hiến lớn lao của V.I. Lênin vào lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học. Một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Nhà nước Xôviết áp dụng NEP nhưng giá trị, ý nghĩa của chính sách, của tư tưởng và thiên tài lãnh đạo của lãnh tụ Lênin vẫn vẹn nguyên và ngày càng được phát triển. Đó là chính sách đúng đắn của Nhà nước vô sản trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời bảo đảm liên minh vững chắc về kinh tế và chính trị của giai cấp vô sản với giai cấp nông dân, bảo đảm việc xây dựng nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội.

Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh của lãnh tụ V.I.Lênin, chúng ta tiếp tục khẳng định, cho dù hiện nay các thế lực thù địch đang ra sức chống phá điên cuồng Chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH, song, với bản chất cách mạng, khoa học và thực tiễn lịch sử không thể phủ nhận, những di sản tư tưởng, lý luận cách mạng của Lênin vẫn đang hiện hữu và có sức sống mãnh liệt trong trái tim, khối óc của hàng triệu, hàng triệu người trên thế giới. Hình ảnh và vai trò của Lênin vẫn luôn đồng hành trong tiến trình phát triển của lịch sử thế giới đương đại mà không một thế lực nào có thể bác bỏ được./.

 

                                                                                                                                                                                                                                                                 Đỗ Thu Hằng

Phó trưởng khoa LLCS

 



[1] V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 38, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 364.