• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG HỌC VIÊN - NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Ngày xuất bản: 25/10/2023 2:01:00 CH
Lượt đọc: 3545

 

Giảng dạy lý luận chính trị cũng như giảng dạy nhiều môn học khác, đó vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Tuy nhiên trong giảng dạy lý luận chính trị có những đặc thù riêng biệt.

Trong những năm gần đây, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập lý luận chính trị, rất nhiều phương pháp mới đã được đưa ra và thực hiện tại các Trường Chính trị. Nhưng dù áp dụng phương pháp nào, công cụ hỗ trợ ra sao thì mục đích cuối cùng vẫn là mong muốn học viên tiếp thu được nội dung bài học một cách tốt nhất. Như vậy, để có một bài giảng hay, chất lượng tốt người giảng viên cần có nhiều yếu tố, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ khâu chuẩn bị tài liệu, soạn giáo án, đến sử dụng các phương pháp, phương tiện… nhưng một trong những yếu tố quan trọng để bài giảng thành công, đó là việc xác định đúng đối tượng người học.

Ở các trường trung học phổ thông đối tượng chính là học sinh, ở các em có sự đồng đều về độ tuổi, ít có sự chênh lệch về trình độ, không có phân chia chuyên môn. Do đó, người giáo viên chỉ cần sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp với một đối tượng cụ thể là đủ. Còn ở Trường Chính trị đối tượng học viên rất đa dạng, phong phú. Nếu không nắm rõ đối tượng người học về độ tuổi, trình độ học vấn, nhận thức, dân tộc, tôn giáo, quê quán… thì mọi nỗ lực của người giảng viên cũng khó đem lại kết quả như mong muốn.

Hiện nay, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái bao gồm: Cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở (xã, phường, thị trấn); Trưởng, phó phòng ban ở huyện, thị; Trưởng phó phòng, chuyên viên của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh… Để nắm vững được từng đối tượng, nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình dạy học cần nhiều thời gian, đặc biệt là với một tỉnh miền núi như Yên Bái phần lớn đối tượng học viên là ở các xã vùng cao.

Một trong những việc làm quan trọng nhất của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trước khi lên lớp là phải tìm hiểu đối tượng học viên. Có nhiều cách, nhiều kênh thông tin để người giảng viên có thể làm được điều đó thông qua việc tìm hiểu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như: tiếp xúc và trao đổi với học viên trước giờ lên lớp, trong quá trình lên lớp, xem lý lịch trích ngang của học viên, thông qua đó người giảng viên nắm bắt được số lượng, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, kinh nghiệm làm việc, địa vị xã hội, đơn vị công tác… Nắm được những thông tin này sẽ giúp người giảng viên tìm ra nhu cầu của người học, xác định được mục tiêu, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp đối tượng học viên.

Yên Bái là tỉnh có trên 30 dân tộc anh em, trong đó Người Kinh chiếm 42,71%, còn lại là các dân tộc khác (Tày, Thái, Dao, Mông, Mường…) chiếm 57,29%. Có thể thấy rằng, một số đối tượng học viên ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa có trình độ học vấn không cao, tư duy còn hạn chế, chưa mạnh dạn… Vì vậy, sẽ ảnh hưởng trong việc tiếp thu kiến thức lý luận chính trị. Trong khi đó các môn học nhiều từ ngữ chuyên ngành trừu tượng, khó hiểu, đòi hỏi một trình độ tư duy cao. Do đó, trách nhiệm của người giảng viên lý luận chính trị là phải xác định đúng đối tượng để áp dụng được những phương pháp giảng dạy đem lại hiệu quả cao nhất.

Để làm được điều này, trước tiên trong quá trình giảng dạy, người giảng viên cần phải nói ngắn ngọn, sử dụng những thuật ngữ chuyên môn cho phù hợp, tránh những thuật ngữ khó hiểu, trừu tượng. Khi diễn đạt nên dùng hình tượng, ví dụ cụ thể để học viên dễ hiểu, dễ nhớ.

Về phương pháp, do đối tượng có trình độ nhận thức không cao, nên phải sử dụng các phương pháp có tính cụ thể, trực quan, mô hình, hình ảnh thì mới có hiệu quả. Do đó, nên đảm bảo thời gian thuyết trình, tăng cường trao đổi, làm bài tập tình huống, giải quyết các vấn đề nảy sinh tại cơ sở. Giúp cho học viên tham gia đóng vai trong những tình huống đó. Như vậy, sẽ giúp cho học viên nắm được nội dung bài học một cách nhanh chóng, hiệu quả. Khi về cơ quan, đơn vị sẽ thực hành, ứng dụng vào thực tiễn công tác.

Khi nói về công tác giảng dạy lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “giảng dạy lý luận cần phải liên hệ với thực tiễn”. Vậy để liên hệ được với thực tiễn thì mỗi giảng viên chúng ta phải hiểu về cơ sở, đặc biệt là hiểu về đối tượng học viên. Khi đã hiểu những điều đó, đảm bảo chúng ta sẽ có một bài giảng lý luận chính trị chất lượng, học viên sẽ có buổi học hứng thú, hiệu quả.

Có thể thấy, đối tượng học viên rất da dạng, bởi mỗi địa phương sẽ có những điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, văn hóa khác nhau. Do đó, không có một công thức chung trong việc nắm bắt đối tượng người học, không thể áp dụng phương pháp giảng của một bài giảng ở nhiều lớp, nhiều nơi. Để nắm bắt đối tượng học viên nếu chỉ xem qua trích ngang danh sách lớp, tiếp xúc trao đổi với học viên trước khi lên lớp thì chưa đủ cũng như nhận tầm quan trọng của việc xác định rõ đối tượng người học, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã đưa giảng viên đi học tập, thâm nhập thực tiễn tại cơ sở với thời gian 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Đây là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Sau một thời gian công tác ở cơ sở các giảng viên đã trưởng thành nhanh chóng trong nhận thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Các giảng viên được làm việc trực tiếp, nắm được hoạt động của Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; thấy được những thuận lợi, khó khăn cũng như điểm mạnh, điểm yếu của cán bộ, mà đây chính là đối tượng học viên của Nhà trường. Khi đã nắm bắt được đối tượng, hiểu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội ở cơ sở thì khi lên lớp giảng viên sẽ tự tin, trình bày và giới thiệu đúng và trúng những gì mà học viên cần. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

    Ths. Hà Minh Hoàn

Trưởng khoa Xây dựng Đảng