• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo vào giảng dạy chương trình trung cấp LLCT-HC tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái hiện nay
Ngày xuất bản: 03/01/2020 8:53:00 SA
Lượt đọc: 20770

         Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu không thể thiếu được đối với nhân dân, là cái thiêng liêng không ai được xâm phạm hay làm tổn hại, đồng thời, đó cũng là một trong những mục tiêu phấn đấu của cách mạng.

Vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Hồ Chí Minh quan tâm và tôn trọng. Những lời di huấn, các bài viết, những cử chỉ, hành động cũng như phong cách ứng xử của Người đối với các tôn giáo nói chung và vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng là những bài học quí báu. Người không chỉ nêu lên những quan điểm của mình mà còn yêu cầu và giáo dục cán bộ, đảng viên cũng như đồng bào Lương và Giáo tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói và việc làm cụ thể. Theo Người quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng là một trong những quyền chính đáng của con người; nếu ai đó hạn chế, vi phạm đến quyền ấy là đi ngược lại với xu thế tiến bộ của xã hội.

Ngay khi mới giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3/9/1945) Người đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Về nhiệm vụ thứ 6, Người nói: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết”[1]. Người cũng chỉ ra rằng: mặc dù thế giới quan của người cộng sản khác với tôn giáo, song không vì vậy mà đối đầu, nghi kỵ nhau; ngược lại phải tôn trọng đức tin của mỗi người.

Trong các bài viết, bài nói và nhất là ở các văn bản quan trọng của Đảng và Chính phủ mà Người trực tiếp soạn thảo và công bố - Hồ Chí Minh luôn khẳng định tư tưởng nhất quán là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Đầu năm 1946, Hiến pháp đầu tiên do Người chỉ đạo và biên soạn đã ghi nhận: “Nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Chính cương của Mặt trận Liên Việt ở điểm 1, điều 7 khẳng định: “Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng cho mọi người”.

Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam (nǎm 1951), Người khẳng định lại: “Chúng tôi xin nói thêm hai điểm, nói rõ để tránh mọi sự có thể hiểu lầm: Một là vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Hai là đối với các đảng phái, các đoàn thể bạn trong Mặt trận dân tộc, thì Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: Đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, cùng nhau tiến bộ” [2].

Khi tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người kêu gọi mọi người: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, xây dựng tổ quốc, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả các tôn giáo”.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, các thế lực thù địch đã không ngừng tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc, đả kích cách mạng; bằng mọi thủ đoạn, kẻ địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào Công giáo di cư vào Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Đảng cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo, Đảng cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người”. Đồng thời Người kêu gọi: Đồng bào các tôn giáo có quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng, chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền, lừa bịp... Chính quyền, quân đội và các đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng phong tục, tập quán của đồng bào... bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng cương quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước.

Cùng với sự quan tâm và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Hồ Chí Minh cũng kiên quyết phê phán đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo, lợi dụng tự do tín ngưỡng để kích động, hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân, xâm phạm đến lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. Đối với bọn lợi dụng, mượn danh tôn giáo để chống phá cách mạng, chống phá sự nghiệp của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm mọi cách để đồng bào ta, nhất là đồng bào có đạo nhận rõ ý đồ, âm mưu của chúng. Tại Điều 7, Sắc lệnh 234/SL của Chính phủ (Sắc lệnh về tôn giáo, ngày 14-6-1955) do Người ký đã khẳng định: “Pháp luật sẽ trừng trị kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hoà bình, thống nhất độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngǎn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác hoặc những việc làm trái pháp luật”.

Như vậy, vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo là một bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, một bộ phận có vị trí đặc biệt vì nó tác động trực tiếp đến tư tưởng, nhận thức và định hướng hành động đúng cho các tín đồ tôn giáo. Bởi theo Người quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là một trong những quyền dân chủ của nhân dân. Đảm bảo quyền này là một nhân tố để góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo cho sự phát triển của xã hội và thành công của cách mạng. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo - cơ sở của đoàn kết lương giáo. Thực thi quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong các thời kỳ cách mạng.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”[3].

Theo Điều 24 Hiến pháp 2013, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng với các chế định toàn diện và sâu sắc theo hướng ngày càng hoàn thiện dân chủ, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho tín đồ các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo hoạt động một cách lành mạnh: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”[4].

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, tạo điều kiện tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân trong các giai đoạn cách mạng. Chính tư tưởng, quan điểm đó là một trong những nhân tố quan trọng kết nối, củng cố sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

Là người soạn và giảng dạy chuyên đề Tôn giáo trong chương trình trung cấp LLCT-HC, để vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo tôi người giảng viên ở các Trường Chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng phải hiểu và nắm vững tư tưởng của Hồ Chí Minh về tôn giáo, tự do tín ngưỡng tôn giáo, đoàn kết lương-giáo cũng như những quan điểm cơ bản của Đảng ta về tôn giáo. Trên cơ sở đó truyền đạt, giảng giải cho học viên nhận thức và hiểu đầy đủ về vấn đề tôn giáo theo đúng tinh thần của Đảng và tư tưởng của Hồ Chí Minh, bởi đối tượng học viên đa phần là cán bộ ở cơ sở - những người trực tiếp triển khai quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước tới với người dân. Ở đâu cán bộ nắm vững và triển khai tốt đường lối của Đảng thì ở đó xã hội phát triển về mọi mặt, ở đâu cán bộ thực hiện đúng chính sách về tự do tín ngưỡng tôn giáo, đoàn kết các tôn giáo thì ở đó xây dựng thành công khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh góp phần xây dựng đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang hội nhập cùng bạn bè quốc tế với những vận hội mới, đang đứng trước những khó khăn và thử thách lớn, vì vậy để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì hơn bao giờ hết, tự do tôn giáo, đoàn kết Lương - Giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên có ý nghĩa và cần thiết. Vấn đề đặt ra là, mỗi cấp uỷ đảng, chính quyền, tổ chức Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức xã hội phải cùng phối hợp thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân, thực hiện đoàn kết Lương - Giáo nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó cũng phải đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi đội lốt tôn giáo, lợi dụng chiêu bài nhân quyền, tự do tín ngưỡng hòng phá hoại sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước.

                                                                                                                                                                                                                                                           Ths. Tạ Thị Hảo

Khoa Xây dựng Đảng