• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Xây dựng Đảng vào giảng dạy môn Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái.
Ngày xuất bản: 18/10/2017 8:41:00 SA
Lượt đọc: 25573

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Vì thế, Người luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đến công tác Xây dựng đảng. Theo Người, xây dựng Đảng là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Khi cách mạng gặp khó khăn, xây dựng Đảng để cán bộ, đảng viên củng cố lập trường, quan điểm, bình tĩnh, sáng suốt, không bi quan, nao núng, bị động. Khi cách mạng trên đà thắng lợi cũng cần đến xây dựng Đảng để xây dựng những quan điểm, tư tưởng cách mạng, khoa học, ngăn ngừa bệnh chủ quan, tự mãn, lạc quan tếu và bệnh “kiêu ngạo cộng sản”. Với Người, xây dựng Đảng trước hết là nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu, năng lực và trí tuệ Đảng, là làm cho Đảng ta luôn xứng đáng với vai trò "một Đảng cầm quyền", luôn "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", "một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc". Quan điểm của Người về công tác Xây dựng đảng bao gồm trên các lĩnh vực về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Bộ môn Nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở nhằm mục đích cung cấp cho người học những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và những kỹ năng cần thiết của người cán bộ cấp cơ sở về công tác đảng. Chính vì vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Xây dựng Đảng vào giảng dạy là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc dạy và học của bộ môn. Thời gian vừa qua, các giảng viên khoa Xây dựng Đảng, khi đảm nhận các chuyên đề trong phần Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở đều chú trọng tới việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Xây dựng đảng vào các bài giảng. Việc vận dụng tư tưởng đó của Người phù hợp với từng nội dung giảng dạy của các chuyên với “liều lượng” khác nhau nhằm làm rõ hơn về lý luận và nâng cao giá trị thực tiễn của bài giảng, giúp học viên dễ nhớ, nhớ lâu, biết cách vận dụng và “làm theo” trong những hoàn cảnh cụ thể, sáng tạo trong việc xử lý và giải quyết các tình huống đặt ra trong thực tiễn hoạt động.

Ví dụ, với chuyên đề Công tác đảng viên cua tổ chức cơ sở đảng và nghiệp vụ công tác đảng viên là một nội dung được vận dụng tư tưởng Hồ Chí minh một cách rõ rang và hiệu quả nhất. Khi nói đến vai trò của người đảng viên trong việc tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, giảng viên có thể trích dẫn lời dạy của Người “Mọi chủ trương chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng” để học viên có thể hiểu rõ hơn về vai trò của người đảng viên.

Về công tác kết nạp đảng viên, cần liên hệ để học viên thấy rõ quan điểm của Người về vấn đề này như : kết nạp đảng phải nắm vững phương châm coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Chất lượng đảng viên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “đức” và “tài”, hai mặt phẩm chất và năng lực của đảng viên có quan hệ chặt chẽ với nhau, không được coi nhẹ mặt nào. Người khẳng định: có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô, hủ hóa có hại cho nước; có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp gì được ai. Hồ Chí Minh chỉ rõ, đức và tài phải coi đức là gốc cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đức, không có đức thì tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Trong kết nạp đảng, theo Người phải xem xét động cơ của người vào Đảng. Khi trả lời câu hỏi “Vào Đảng để làm gì”, Người nói “vào Đảng để làm đầy tớ của nhân dân” chứ không phải làm “quan cách mạng”. kết nạp Đảng phải đề phòng những phần tử cơ hội chui vào Đảng. Do vậy, trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã viết tác phẩm “Đường Cách mệnh”.

Đi đôi với chất lượng, Hồ Chí Minh còn chú ý đến số lượng, cơ cấu đảng viên, bởi số lượng đảng viên góp phẩn tăng cường và đảm bảo sự lãnh đạo vững chắc của Đảng với toàn xã hội. Theo Người, số lượng phải đi đôi với chất lượng, kiên quyết chống khuynh hướng chạy theo số lượng đơn thuần, phát triển cho nhiều để đủ chỉ tiêu và báo cáo thành tích và coi nhẹ chất lượng. Đối với cơ cấu đội ngũ đảng viên, Người cho rằng, Đảng phải kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc thật hăng hái, giác ngộ vào đảng.

Về công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên: Chăm lo, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ đảng viên là một yêu cầu thường xuyên, khách quan của Đảng. Theo Người, giáo dục trước hết là giáo dục lý tưởng cách mạng, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và của dân tộc, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đã là đảng viên phải giác ngộ lý tưởng cách mạng, đây là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu của mỗi đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, lý tưởng cách mạng là “Trung với nước” “Hiếu với dân” đó là cái gốc của người cán bộ, đảng viên. Từ đó, người cán bộ đảng viên mới đủ sức gánh vác được nhiệm vụ nặng nề, dám hi sinh quyền lợi bản thân, đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết.

Giáo dục lý tưởng cách mạng, theo Người còn phải giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đó là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Và để rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, ngay khi Đảng giành được chính quyền, Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Nhằm xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên, Người viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quyết sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người nói:

- Đạo đức cách mạng là tyệt đối trung thành với nhân dân.

- Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.

- Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng, tin quần chúng, hiểu quần chúng và lắng nghe ý kiến quần chúng”.

Do đó, muốn gữ vững đạo đức cách mạng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng là quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài vì “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do dấu tranh, rèn luyện, bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Tuy nhiên, trong qua trình vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các bài giảng cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể: để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bài giảng được thuyết phục thì giảng viên cần phân tích làm rõ, nhưng như vậy sẽ gây mất cân đối nội dung, thời gian giữa các mục trong bài giảng; Có lúc phân tích còn dài dòng, chưa lôgic; Học viên cũng chưa chủ động tham gia khi giảng viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bài giảng, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, giảng viên cần nắm vững, thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh. Mỗi giảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu tư tưởng của Người, bằng hình thức tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia các lớp bồi dưỡng về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, giảng viên biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào các bài giảng một cách hợp lý. Mỗi giảng viên trong quá trình soạn bài cần xác định nội dung trọng tâm bài giảng, phần nào vận dụng và chỉ nên vận dụng những nội dung cốt lõi trong tư tưởng của Người, tránh tình trạng giảng lan man. Qua đó, giúp cho học viên hiểu và biết vận dụng vào công tác ở địa phương.

Ba là, tăng cường và đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực sử dụng các phương tiện hiện đại vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác giảng dạy.

Bốn là, thường xuyên tổ chức tọa đàm, rút kinh nghiệm về việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giảng dạy. Nội dung của việc tọa đàm, rút kinh nghiệm phải tập trung vào đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế yếu kém của các giảng viên trong việc vận dụng. Từ đó, đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Tóm lại, trong bộ môn Nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở có rất nhiều nội dung có thể vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh, trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đảng vào giảng dạy là rất cần thiết và có ý nghĩa giúp học viên hiểu sâu hơn về các mặt của công tác xây dựng đảng và vận dụng những giá trị đó vào các mặt công tác. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng và hiệu quả của việc dạy và học bộ môn.

 

Phùng Thị Tuyết Ngân

Khoa Xây dựng Đảng