• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN TRONG TÁC PHẨM “THÀ ÍT MÀ TỐT” VÀO CẢI CÁCH BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 29/11/2023 3:58:00 CH
Lượt đọc: 3644

 

Trong di sản đồ sộ mà V.I.Lênin để lại, có rất nhiều tác phẩm, bài viết thể hiện tính cách mạng, sáng tạo trong việc phát triển chủ nghĩa Mác trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Tác phẩm “Thà ít mà tốt” ra đời là kết quả của những trăn trở, sự thôi thúc nội tâm của V.I.Lênin trước vấn đề cải tiến hệ thống chính trị nước Nga Xô viết, mà trung tâm của nó là cải tiến bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước cũng như quốc tế đang cấp bách đặt ra. Gần một thế kỷ đã trôi qua nhưng những tư tưởng của V.I.Lênin về tổ chức bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa trong tác phẩm đó vẫn nguyên giá trị.

Thực tiễn qua 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam phải giải quyết nhiều mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị. Tuy nhiên, hiện nay đổi mới chính trị chưa đạt yêu cầu đặt ra, chưa thực sự tạo động lực cho đổi mới kinh tế, thậm chí có biểu hiện cản trở sự phát triển kinh tế. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là: tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp. Nếu thực hiện không tốt việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tinh giản biên chế sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, tác động xấu đến việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, thậm chí gây mất ổn định chính trị – xã hội. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cần phải dựa chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng – chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có các quan điểm trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”của V.I.Lênin.

I. Nội dung cơ bản của vấn đề cải tiến bộ máy nhà nước của Lênin trong tác phẩm "Thà ít mà tốt".

Tác phẩm "Thà ít mà tốt" được Lênin viết vào năm 1923 khi chính quyền Nhà nước Xô viết vẫn còn rất non trẻ, tác phẩm đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi của việc cải tiến bộ máy nhà nước như sau:

1. Lựa chọn con người.

Lênin nêu lên: Cần phải lựa chọn thật kỹ những con người có đủ năng lực phẩm chất vào bộ máy nhà nước - đó là điều cốt yếu nhất để có một bộ máy nhà nước thực sự là của nhân dân lao động1.

Đối với những cán bộ chủ chốt của bộ máy nhà nước: Họ thực sự phải là những người cộng sản, và những người đó cũng cần được huấn luyện về những vấn đề mục tiêu, phương pháp đào tạo cán bộ. Và muốn đạt được những mục tiêu đó Lênin nhấn mạnh: chỉ có một cách là học tập. Lênin nói: "Muốn đổi mới
bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau
đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi"2. Đó là quan điểm vừa học vừa làm, lý luận phải được thử nghiệm trong thực tiễn. Có
được những con người như vậy mới làm cho bộ máy nhà nước hoạt động tốt.

2. Xây dựng bộ máy nhà nước trên cơ sở khoa học, gọn nhẹ và tiết kiệm.

Việc trước tiên là phải phá bỏ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới về tay nhân dân. Nhiệm vụ chính của chúng ta không chỉ là phải chiến thắng bọn phản động trong nước mà còn phải thực hiện tổ chức xây dựng và quản lý, điều hành nền kinh tế.

Để tinh giản và tiết kiệm, Lênin đưa ra ý kiến kết hợp một cơ quan Đảng với một cơ quan chính quyền Xô viết. Đây là một quan điểm quan trọng của Lênin trong việc tinh giản bộ máy nhà nước Xô viết. "Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng lại không phải là một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta”3 Lênin đã khẳng định rằng sự hợp nhất là điều đảm bảo duy nhất cho một hoạt động có kết quả.

3. Cải cách nền hành chính nhà nước

Lênin đặt vấn đề về sự cải tiến bộ máy nhà nước của thời kỳ đầu nước Nga Xô viết như là việc chuyển từ con ngựa này sang cưỡi con ngựa khác. Về việc tinh giản bộ máy nhà nước Lênin nêu lên nhằm mục đích "sẽ làm tăng rất nhiều cả chất lượng của những người làm việc trong Bộ dân ủy thanh tra công
nông lẫn chất lượng của toàn bộ công tác, như thế sẽ giúp cho bộ trưởng dân ủy
và cho những ủy viên trong ban lãnh đạo tập trung được hết công sức của mình lại để tổ chức công tác và nâng cao chất lượng công tác một cách có hệ thống và liên tục, điều rất khẩn thiết đối với chính quyền công nông và đối với với chế độ
Xô viết của chúng ta”
4.

Ngoài ra Lênin còn đề nghị phải nghiên cứu để sát nhập một số viện khoa học lại với nhau nếu như hợp lý và cũng cần phải chỉ rõ tính độc lập của các viện này. Lúc này, vai trò của bộ trưởng các bộ càng vô cùng quan trọng và nặng nề. Bộ trưởng phải nắm được tình hình chung, đồng thời cũng là người am hiểu nghiệp vụ, công tác cải cách hành chính. Nhất là vấn đề bộ máy nhà nước trong đó con người đóng vai trò quan trọng - những quan chức nhà nước.

II. Vận dụng tư tưởng của Lê nin vào cải cách bộ máy nhà nước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

Tư tưởng của Lênin về xây dựng, cải cách bộ máy nhà nước cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Nó không chỉ đúng với nước Nga thời bấy giờ, mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với nhiều nước xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng nhà nước kiểu mới - nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng; niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước được khôi phục, củng cố; uy tín và vị thế của đất nước nâng cao trên trường quốc tế… Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn. Tình hình tham nhũng, lãng phí còn diễn ra rất phức tạp ở nhiều lĩnh vực. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy của Nhà nước quan liêu, tham nhũng, tha hóa làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước trình độ và năng lực chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ. Cải cách hành chính còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà.

Những vấn đề đó đang đặt ra những yêu cầu và thách thức gay gắt đối với nước ta. Nó cũng là “hòn đá thử vàng” đối với vai trò quản lý của Nhà nước trong quá trình phát triển đó. Từ thực tế đó, Nhà nước phải có sự cải cách mạnh mẽ, đồng bộ từ cơ cấu bộ máy đến thể chế, chính sách, đội ngũ cán bộ, công chức, phương thức điều hành quản lý. Đây là vấn đề mang ý nghĩa cấp bách và hệ trọng đối với Nhà nước ta hiện nay.

Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải dựa chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có các quan điểm về cải tiến bộ máy nhà nước của V.I.Lênin. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp, cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiến hành tinh giản bộ máy hành chính một cách triệt để để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị.

Trong những năm qua, công tác tinh giản bộ máy hành chính đã, đang được triển khai và đã thu được những thành tựu bước đầu, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, cần phải tiếp tục cải cách tinh gọn bộ máy hành chính với một quyết tâm chính trị cao và coi đây là công việc thường xuyên, liên tục trong những năm tới như tinh thần của V.I.Lênin là: “không ngừng tinh giảm bộ máy xô-viết và giảm bớt chi phí của nó bằng cách giảm nhẹ biên chế, cải tiến tổ chức, xóa bỏ tác phong lề mề hành chính, bệnh quan liêu và giảm bớt các khoản chi tiêu phi sản xuất”5.

2. Đối với công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ.

Để xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh thì phải thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ một cách nghiêm túc, khách quan, khoa học, thông qua những tiêu chuẩn rõ ràng; phải tuyển được người giỏi nhất và có tài năng thực sự, đáp ứng tốt yêu cầu, vị trí công việc; phải nêu cao nguyên tắc “Thà ít mà tốt” trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức; phải tuyển người có khả năng làm việc hiệu quả; phải tránh xảy ra tình trạng thừa nhân sự nhưng thiếu người làm được việc. Khắc phục những tiêu cực trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ ở một số cơ quan, tổ chức, địa phương như hiện nay.

Tuyển dụng cán bộ cần phải tiêu chuẩn hóa cán bộ, theo đó, mỗi lĩnh vực đòi hỏi một nhóm tiêu chuẩn, tiêu chí tương xứng và phù hợp với nó. Để lựa chọn cán bộ làm trụ cột cho bộ máy cần phân loại, xây dựng theo tiêu chí, yêu cầu cụ thể và tỉ mỉ trên cơ sở khoa học đối với mỗi vị trí chức danh của cán bộ. Trong công tác tuyển dụng cần dân chủ hóa, công khai hóa từ tiêu chuẩn, yêu cầu đến quy chế, hình thức tuyển dụng; bảo đảm quyền bình đẳng của người dự tuyển và quyền dân chủ của các thành viên trong Hội đồng tuyển dụng

3. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Để khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”,  không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức thì cần thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ này. Theo đó, cần bồi dưỡng nâng cao nhận thức về mục tiêu, lý tưởng, lòng trung thành; rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tình yêu thương con người, sống khiêm tốn giản dị, nói đi đôi với làm; giáo dục đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, công chức.

4. Việc triển khai thực hiện cải cách bộ máy nhà nước cần tiến hành một cách kiên trì, lâu dài và đồng bộ, toàn diện.

Việt Nam đã tiến hành cải cách bộ máy nhà nước nhà nước từ ngay những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước và tiến cải cách liên tục, kéo dài đến nay và tiếp tục trong thời gian tới. Cải cách bộ máy nhà nước đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, kiên trì của của cả hệ thống chính trị và cả toàn dân. Trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy. Bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, của cơ quan chủ trì tham mưu trong công tác điều phối chung, tổng hợp, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách bộ máy trên từng lĩnh vực.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”6. Đây là công việc không hề đơn giản nên phải kiên trì, chủ động, sáng tạo để từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Tài liệu tham khảo

1. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.443.

2. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.444.

3. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.452.

4. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.438.

5. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.359.

6. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

 

Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật