• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG TÁC PHẨM “NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN” TRONG XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 29/11/2023 3:57:00 CH
Lượt đọc: 2631

 

Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào đầu năm 1969, đăng trên Báo Nhân dân nhân dịp toàn Đảng, toàn dân ta chuẩn bị kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1969). Đây là bài viết sau cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Dù rất ngắn gọn, nhưng luận điểm được Người đề cập trong bài viết này mang tính tổng kết thực tiễn; bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức nói riêng. 

Sự nghiệp đổi mới ở nước ta do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa đất nước ta, dân tộc ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đa số cán bộ, đảng viên đã tích cực rèn luyện phẩm chất, năng lực, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, trước những tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó có mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, mặt trái của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế,... dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân thực dụng, vị kỷ, thiếu tính tiền phong, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Chính vì vậy, việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; phân tích những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa vai trò, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; rèn luyện đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh là một vấn đề cấp thiết hiện nay.

1. Nội dung chủ yếu của tác phẩm

Đầu năm 1969, nhân dịp toàn Đảng, toàn dân ta chuẩn bị kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, lần kỷ niệm đầu tiên sau mấy năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xem đó là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tác phẩm nêu lên ba vấn đề lớn sau đây:

+ Một là: Khẳng định vai trò lãnh đạo và thành tích của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

+ Hai là: Nêu lên tình hình và thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng lúc bấy giờ có những ưu điểm trên mọi mặt chiến đấu và sản xuất, trong mọi hoạt động hàng ngày. Rất nhiều cán bộ đảng viên tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang. Thành tích và ưu điểm nói trên đã được nhân dân và Đảng thừa nhận, ghi nhớ và tự hào...

Nội dung tập trung nhất là tác phẩm nhấn mạnh những khuyết điểm của một số ít cán bộ đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Khuyết điểm nặng nhất là “họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân”. Một căn bệnh nguy hiểm như một thứ vi trùng lây lan và đẻ ra nhiều chứng bệnh khác, nhiều khuyết điểm khác.

+ Ba là: Trách nhiệm của Đảng cầm quyền là tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối chính sách; thực hiện nghiêm túc phê bình và tự phê bình trong Đảng, phải tổ chức cho quần chúng phê bình cán bộ đảng viên. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ; kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh.

Nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên là: phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước; phải kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân; nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết tính tổ chức và tính kỷ luật... trong đó đề cập đến nhiệm vụ học tập, rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ. Đó cũng là cách chữa trị tốt nhất đối với các loại bệnh nói trên1.

2. Nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.

Trong 93 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên nhiều kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, chúng ta cần phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”2.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện tốt nội dung “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có mấy điểm đáng chú ý sau đây:

Một là, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức; về tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đây là hai mặt của xây dựng đạo đức cách mạng, có mối quan hệ biện chứng, gắn bó lẫn nhau: Muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải nâng cao đạo đức cách mạng và có đạo đức cách mạng sẽ ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ được chủ nghĩa cá nhân. Phải thấy rõ tác hại khôn lường của chủ nghĩa cá nhân, nhất là đối với các cơ quan Trung ương, nơi giữ vai trò quan trọng trong tham mưu chiến lược về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Trung ương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sẽ tham mưu nên những chính sách công bằng, không thiên vị; nếu bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” thì sẽ đề ra những chính sách méo mó, biến dạng, thậm chí hướng lái, gây nên hậu quả khôn lường cho đất nước. Đồng thời, tập trung cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng thành các bộ quy tắc ứng xử, đạo đức công sở, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị, có giá trị hướng dẫn thực hành đạo đức trong công tác và sinh hoạt hằng ngày.

Hai là, phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính thuyết phục của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là bản chất, mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng và nhiệm vụ đảng viên, góp phần nâng cao bản lĩnh, lập trường, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tạo ra khả năng đề kháng trước mọi nguy cơ, nhất là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ba là, đề cao kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo. Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân chỉ đạt hiệu quả khi định hình những biện pháp tổng hợp cùng bổ sung cho nhau, tùy hoàn cảnh mà từng biện pháp có thể đặt trật tự trước - sau, cao - thấp khác nhau. Trước những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn biến phức tạp, thì phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật để sàng lọc những thành phần thoái hóa, biến chất; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, có tác dụng hỗ trợ cho công tác giáo dục đạo đức cách mạng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tự kiểm tra, tự giám sát gắn với nâng cao trách nhiệm ủy ban kiểm tra các cấp. Phải khắc phục tình trạng người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị chỉ lo công việc chuyên môn, “khoán trắng” công tác đảng cho một vài cán bộ, cho cấp phó, không nắm vững nguyên tắc, quy định, quy chế, đến khi sai phạm, vấp ngã thì đã muộn.

Nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực, phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, kiên trì. Trước tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, hơn lúc nào hết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về đạo đức, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân càng phải được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, đúng với vị trí và tầm quan trọng của nó.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên trong cả nước cần thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, có thái độ quyết tâm hơn trong đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng ta xứng đáng “là đạo đức”, “là văn minh”, đủ sức chèo lái, đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo tâm nguyện của Người./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, 6, 11.

2. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

 

Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật