• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TƯ TƯỞNG ĐOÀN KẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUA BẢN DI CHÚC LỊCH SỬ
Ngày xuất bản: 16/10/2023 10:55:00 SA
Lượt đọc: 4613

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đoàn kết , đoàn kết quốc tế. Coi đó là vấn đề có chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công của cách mạng Việt Nam. Điều này được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Người, kể từ khi Người ra đi tìm cứu nước cho đến lúc Người viết Di chúc cuối cùng để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Trong Di chúc, mặc dù không đề cập đến đoàn kết theo hệ thống những quan điểm cụ thể, nhưng khi nghiên cứu thấy Người vẫn luôn quan tâm đến vấn đề có tính chiến lược này và điều đó được thể hiện ở ba nội dung lớn đó là: Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.

1. Về đoàn kết trong Đảng

Trong Di chúc, Người dành phần “trước hết” và nhiều nhất nói về Đảng. Bởi theo Người, Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1]. Khi quan tâm đến xây dựng Đảng, Người đề cập trực tiếp và đặt lên hàng đầu đó là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nêu lên hai quan điểm lớn có ý nghĩa phương pháp luận về vấn đề đoàn kết trong Đảng.

Một là, Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của đoàn kết trong Đảng đối với mọi thắng lợi mà nhân dân ta đã giành được.

Bản Di chúc viết năm 1965 Người đề cập: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[2]. Vấn đề đoàn kết trong Đảng mà Bác căn dặn ở đây đã khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của đoàn kết đối với toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Vì theo Người, nhờ đoàn kết mà Đảng dồi dào sức chiến đấu, nhờ thống nhất mà Đảng có sức mạnh, đoàn kết là cội nguồn của thành công. Người nhiều lần khẳng định: “ “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”[3]; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[4]. Đoàn kết trong Đảng là cơ sở, là điều kiện để xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết trong Đảng, nên một lần nữa Người nhấn mạnh và yêu cầu: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Điều này cho thấy Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc hơn ai hết tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng khối đoàn kết trong Đảng.

Hai là, điều quan trọng hơn, Hồ Chí Minh đặt ra những yêu cầu và giải pháp để có được khối đoàn kết chặt chẽ trong Đảng.

Để tạo lập được khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người đòi hỏi và yêu cầu những người cộng sản và các tổ chức đảng phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, phải làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Người coi đây là “cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”; đồng thời, “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”. Đoạn viết “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” được Người viết thêm, sau khi toàn bộ bản Di chúc viết ngày 15/5/1965 đã được đánh máy. Chỉ một câu bổ sung ngắn gọn, khái quát, nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Bởi theo Người nếu không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có “tự phê bình và phê bình” đến mấy, dù được gọi là “có tinh thần đấu tranh thẳng thắn” đến mấy, hiệu quả cũng chẳng là bao.

2. Về đoàn kết toàn dân

Theo Hồ Chí Minh đoàn kết trong Đảng và đoàn kết toàn dân có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Người từng chỉ rõ: “...chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước”[5]. Vì sức mạnh của Đảng không phải chỉ ở tổ chức đảng, ở từng người đảng viên, mà quan trọng hơn là củng cố được mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Có như vậy Đảng mới có đủ năng lực và làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Người đánh giá rất cao sức mạnh của nhân dân, nhưng theo Người sức mạnh đó chỉ phát huy được khi quần chúng nhân dân được tập hợp trong một tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người cũng từng đề cập: nhờ sự đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của một đảng tiên phong mà sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ thêm, sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam không chỉ là phép tính đơn giản của sự đoàn kết trong Đảng cộng với khối đoàn kết những người ngoài Đảng, mà đó chính là sức mạnh tổng hợp của sự đoàn kết, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân. Theo Hồ Chí Minh, tương lai của đất nước, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được quyết định bởi chính sự đoàn kết trong Đảng và kết hợp với đoàn kết toàn dân. Vì lẽ đó, những dòng Di chúc cuối cùng Người viết ra với một tâm nguyện: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Về phương thức để thực hiện đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh đề cập đến hai vấn đề:

Một là, trong điều kiện Đảng cầm quyền, muốn thực hiện đoàn kết toàn toàn dân cần phải giải quyết hài hòa lợi ích giai cấp, đáp ứng lợi ích thiết thực cho nhân dân, Hồ Chí Minh gọi đó là “công việc đối với con người”.

Trong Di chúc, Người căn dặn khá cụ thể, tỉ mỉ. Đó không chỉ là việc đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ mà còn là lựa chọn những người đã trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận đưa đi đào tạo, bồi dưỡng để họ trở thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đối với những người ở hậu phương, như công nhân, thanh niên, phụ nữ thì cần phải có những chính sách phù hợp để họ ổn định cuộc sống, đồng thời, phải biết phát huy họ, để họ tiếp tục làm “cuộc chiến khổng lồ” chống lại nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng xã hội mới tốt đẹp. Còn đối với nông dân, lực lượng cách mạng đông đáo nhất, luôn trung thành với Đảng và Chính phủ, chịu nhiều khó khăn, gian khổ trong cách mạng cũng như trong kháng chiến, Người đề nghị Chính phủ, khi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng hãy “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Đây không chỉ là sự quan tâm đối với lực lượng cách mạng đông đáo nhất, mà còn giải pháp thích hợp Người đề ra nhằm tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phong trào cách mạng, biến chủ nghĩa anh hùng của người nông dân trong chiến đấu thành tinh thần phấn khởi, niềm say mê trong xây dựng đất nước khi hòa bình.

Hai là, để thực hiện đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng “không để sót một người dân nào” cần phải có lòng khoan dung, độ lượng, tin vào nhân dân, tin vào con người.

Theo Hồ Chí Minh, trong mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có những ưu, nhược điểm. Cho nên, vì lợi ích của cách mạng phải có lòng khoan dung, độ lượng, trân trọng cái phần thiện dù là nhỏ nhất ở mỗi con người mới có thể tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Người đã từng nói: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận thức rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”[6]. Vì lẽ đó, trong Di chúc Người căn dặn: “Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điểm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Đây không chỉ là những chỉ dẫn quý báu, những phương thức giúp chúng ta thực hiện đoàn kết dân tộc mà còn thể hiện sâu sắc tư tưởng bao dung, nhân văn của Hồ Chí Minh.

3. Về đoàn kết quốc tế

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng sinh động và với phong cách tư duy biện chứng đầy tính khoa học, Hồ Chí Minh đã nhận định rất rõ vai trò, mối quan hệ của cách mạng thế giới đối với cách mạng Việt Nam và mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, Người khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới[7]; sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân tiến bộ thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam; ngược lại, thắng lợi của cách mạng Việt Nam sẽ góp phần tích cực đối với sự nghiệp cách mạng thế giới. Người cũng từng đề cập: cách mạng Việt Nam muốn giành lấy thắng lợi, đòi hỏi cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phải thực hiện cho được khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nhưng, muốn giành lấy thắng lợi hoàn toàn, cách mạng Việt Nam nhất thiết phải gắn kết mật thiết với cách mạng thế giới, thực hiện trên thực tế sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nhận thức về tầm quan trọng của cách mạng thế giới nên trong Di chúc, Người dự định đến ngày chiến thắng “sẽ thay mặt nhân dân đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”.

Trước khi qua đời, điều Người băn khoăn, day dứt nhất là sự bất hòa trong phong trào cộng sản quốc tế. Người tự sự: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Đây chính là một hình thức gián tiếp, Người gửi tới những người cộng sản chân chính trên thế giới quan điểm và trách nhiệm của mình về sự đoàn kết quốc tế của những người cộng sản. Với tinh thần quốc tế trong sáng, trong Di Chúc Người không bày tỏ nhận xét đúng sai với người này, người khác hay tổ chức này, tổ chức khác, mà Người mong muốn Đảng ta phải có trách nhiệm đối với sự bất hòa ấy, Người viết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Lời nhắc nhở này của Bác không chỉ là sự thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của một vị lãnh tụ cách mạng, một chiến sĩ cộng sản quốc tế; mà còn thể hiện rõ tư tưởng của Người về nguyên tắc trong quan hệ giữa các đảng cộng sản và công nhân quốc tế để tạo nên sức mạnh chung cho cách mạng thế giới và mỗi quốc gia, dân tộc.

Nghiên cứu tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bản Di chúc lịch sử, điều chúng ta thấy có giá trị ý nghĩa nhất là Người đã rút ra bài học có tính chiến lược đối với cách mạng Việt Nam đó là: muốn cách mạng thành công nhất thiết phải có Đảng lãnh đạo với sự đoàn kết, thống nhất và đường lối đúng đắn sáng tạo; cần phải đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất, và phải dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân; đồng thời, phải có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Kế thừa, vận dụng, phát triển tư tưởng trên của Người và qua thực tiễn xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội một lần nữa Đảng ta khẳng định: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta[8]. Nghị quyết Đại hội XIII đã kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng được khẳng định từ các Đại hội trước về vị trí, vai trò và nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[9]. Tất cả điều đó là minh chứng cho những giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng đoàn kết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong bản Di chúc.

 

Ths. Hà Minh Hoàn

Trưởng khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn Tập Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,  t.2, tr.268

[2] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa – văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr. 32.

[3] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.9, tr.145.

[4] Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.349.

[5] Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.278

[6] Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr. 280-81.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn Tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., t.2, tr.301.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 65