• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TRUYỀN THỐNG PHỤ NỮ VIỆT NAM “ ANH HÙNG, BẤT KHUẤT, TRUNG HẬU, ĐẢM ĐANG” TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 18/10/2023 10:25:00 SA
Lượt đọc: 3659

 

Truyền thống "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" của phụ nữ Việt Nam được khởi nguồn từ thời Bà Trưng, Bà Triệu - những người phụ nữ đầu tiên đã vùng lên cùng toàn dân đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm 40 sau Công nguyên đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, đánh đuổi quân Đông Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước, mở đầu thời kỳ đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc. Bà Triệu Thị Trinh lãnh đạo khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Ngô năm 248 với câu nói nổi tiếng:"Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người".

Trong lịch sử thời phong kiến nước ta, phụ nữ còn có khả năng tham gia chính sự như: Thái hậu Dương Vân Nga (thế kỷ X) đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia đình, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê, góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc, chiến thắng quân Tống xâm lược; Nguyên phi Ỷ Lan (thế kỷ XI) – 2 lần làm Nhiếp chính, giữ hậu phương vững chắc để Vua Lý Thánh Tông yên tâm đánh giặc; Bà Lý Thị Châu (Bà chúa Kho) vào thế kỷ XIII đã chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho lương, lo việc hậu cần cho binh sỹ, để chồng yên tâm ra trận mạc… Hình ảnh kiên cường, bất khuất của Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong phong trào nông dân Tây Sơn thế kỷ 17 và tiếp theo là bà Ba Cai Vàng, bà Ba Đề Thám, cô Bắc, cô Giang (khởi nghĩa Yên Bái) trong phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX tiếp tục khẳng định truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc của phụ nữ Việt Nam.

Trong cao trào cách mạng 1930- 1931, phụ nữ Việt Nam đã tiếp tục tiên phong đi đầu và sẵn sàng xông lên đối mặt với kẻ thù trong các cuộc mít tinh, biểu tình đấu tranh chống đế quốc - phong kiến. Trong cuộc biểu tình vây phá huyện đường ngày 30/8/1930 của gần 3.000 nông dân Nam Đàn, các bà, các chị như: Tổng Phương (ở Nam Hồng), Sáu Thân (ở Nam Phong), Phạm Thị Ba (ở Nam Vân), bà Tuy (ở Nam Thượng)… Bà Bùi Thị Di (Nam Diên) đã cầm cờ tiến thẳng vào huyện đường cùng với các đại diện khác đưa yêu sách và dùng lời lẽ đấu tranh kiên quyết buộc tri huyện Lê Khắc Tưởng phải ký vào bản yêu sách ghi trên lá cờ của quần chúng nhân dân và cam kết không nhũng nhiễu nhân dân Nam Đàn nữa… Tại nhiều địa phương, phong trào phụ nữ phát triển mạnh mẽ cùng với phong trào cách mạng sôi nổi, phụ nữ đã tập hợp thành tổ chức với các tên gọi như: "Hội Phụ nữ giải phóng", "Phụ nữ Hiệp Hội". Trong cao trào cách mạng, nhiều phụ nữ đã trưởng thành như chị Nguyễn Thị Thập tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, chị Nguyễn Thị Hiếu là Tỉnh ủy viên Thái Bình…

Ở thời kỳ vận động dân chủ 1936- 1939, phụ nữ tham gia đấu tranh công khai,tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê-nin và chủ trương, đường lối đấu tranh cách mạng và công tác vận động phụ nữ của Đảng. Quần chúng phụ nữ được tập hợp trong những tổ chức phù hợp với ngành nghề và điều kiện sinh hoạt, trong đó "Hội Phụ nữ dân chủ" và "Hội Phụ nữ giải phóng" làm nòng cốt vận động, tập hợp các tầng lớp phụ nữ đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ và hòa bình. Trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945), "Hội Phụ nữ phản đế", "Đoàn Phụ nữ cứu quốc" động viên phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, tham gia các đội vũ trang tuyên truyền. Qua đấu tranh cách mạng, lực lượng phụ nữ đã từng bước trưởng thành, góp phần quan trọng trong Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập trên cơ sở các tổ chức phụ nữ tiền thân và sau đó gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của phụ nữ quốc tế cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong giai đoạn này 2 tổ chức phụ nữ cùng song song tồn tại và hoạt động đến năm 1950, trước tình hình mới, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hợp nhất thành một tổ chức, tạo nên sức mạnh đoàn kết các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng vừa được thành lập đã phải đối phó với tình thế khó khăn, "thù trong, giặc ngoài".  Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã tích cực tuyên truyền và thực hiện cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; hăng hái hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực đóng góp trong "Tuần lễ vàng" và tham gia phong trào "Bình dân học vụ", diệt giặc đói; gia nhập lực lượng dân quân tự vệ, tích cực tham gia đấu tranh với nhiều hình thức làm thất bại âm mưu bạo loạn, giữ vững thành quả cách mạng.

Hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.  Ở vùng hậu phương, phụ nữ là lực lượng chủ yếu trong lao động sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân và đáp ứng nhu cầu "Hậu cần tại chỗ" phục vụ quân đội, góp phần chi viện tiền tuyến đánh thắng giặc Pháp. Trong vùng địch tạm chiếm, phụ nữ là lực lượng đấu tranh quan trọng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng, tạo mọi điều kiện ủng hộ cuộc kháng chiến. Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã góp phần to lớn vào thắng lợi Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ngày 7/5/1954.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Nam - nơi tuyến đầu của Tổ quốc, phụ nữ luôn là lực lượng đấu tranh hăng hái, dũng cảm và sáng tạo. Suốt 21 năm chiến đấu gian khổ, chị em đã vận dụng nhiều phương châm như đấu tranh hợp pháp, bất hợp pháp, xây dựng cơ sở trong lòng địch, bám đất bám dân, kiên cường chiến đấu. Đội quân tóc dài, các đội nữ du kích, nữ tự vệ, nữ biệt động luôn là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược. Còn tại hậu phương lớn miền Bắc, phụ nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào "Ba đảm đang" bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, chi việc cao nhất sức người sức của cho tiền tuyến. Hàng vạn chị em đã tình nguyện tham gia TNXP, các đoàn dân công hoả tuyến. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chị em có mặt nhiều hơn trong lực lượng dân quân trực tiếp chiến đấu, góp phần đáng kể vào thành tích bắn rơi 4000 máy bay địch góp phần làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không" giữa bầu trời Hà Nội. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập thống nhất, thực hiện xây dựng CNXH. Cùng với nhân dân, phụ nữ cả nước tích cực tham gia thực hiện những nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của Cách mạng Việt Nam sau khi thống nhất đất nước năm 1976, Hội nghị hợp nhất tổ chức phụ nữ 2 miền Nam - Bắc đã quyết định thống nhất 2 tổ chức  phụ  nữ  ở  2  miền thành  Hội  Liên  hiệp  Phụ  nữ  Việt  Nam  và  lấy  ngày 20/10/1930 là Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, từ năm 1989, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước hưởng ứng hai cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" và "Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học". Chị em đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ trong lao động sản xuất, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực tham gia trong các lĩnh vực xã hội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và đổi mới đất nước.

Đối với lĩnh vực kinh tế những năm qua, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước, các doanh nhân nữ là những người nắm bắt rất nhanh các cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sáng tạo trong kinh doanh. Họ là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đến nay, những tấm gương về các doanh nhân nữ thành công trên thương trường và tạo lập được những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam không chỉ ra khu vực mà trên toàn thế giới có thể kể đến những cái tên như: Mai Kiều Liên - Vinamilk, Nữ doanh nhân Thái Hương - TH True milk, Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air…

Trên lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhiều người được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây.

Tại Đại hội XIII của Đảng đã công bố danh sách cử Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Trong số 19 ủy viên nữ trong Ban chấp hành Trung ương thì có 18 nữ ủy viên chính thức và 01 ủy viên dự khuyết; đặc biệt, có 01 đồng chí nữ hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong số 499 đại biểu Quốc hội trúng cử khoá XV có 30% là nữ giới (tương đương 151 người), việc đảm bảo tỷ lệ nữ khá cao trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc phụ nữ tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và các vấn đề xã hội.

Hiện nay đất nước ta đã bước sang trang mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp nối truyền thống vẻ vang của "Đội quân tóc dài", “Ba đảm đang”, tiếp nối truyền thống Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang, phụ nữ Việt Nam đã và đang tiếp tục viết tiếp những thành tích vẻ vang vào trang vàng của lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, là người phụ nữ có trí tuệ, năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu, làm chủ khoa học kỹ thuật, phấn đấu tất cả vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ… xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ ”.

Ths.  Nguyễn Quý Dũng

Khoa Xây dựng Đảng