• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
THỰC HIỆN TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG
Ngày xuất bản: 13/12/2023 9:42:00 SA
Lượt đọc: 2481

 

 Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng trong học thuyết về Đảng kiểu mới của V.L.Lênin, được Chủ tịch Hồ Chí Minh,  vận dụng sáng tạo vào thực tiễn nước ta để xây dựng, rèn luyện Đảng ta xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Người đã chỉ rõ: "Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm, tiến bộ không ngừng"[1].

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người thường xuyên giáo dục cán bộ đảng viên nhận thức và biết vận dụng đúng đắn nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự bản thân kiểm điểm lại xem cái làm được và cái chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục sửa chữa những khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm. Nhưng chúng ta không sợ sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Bác ví tự phê bình và phê bình chính là thang thuốc hay nhất và thiết thực nhất, bởi "vì mục đích phê bình cốt là để giúp nhau sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ"[2]. "Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì Đảng ta sẽ hết bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng"[3].

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, trong đó Trung ương Đảng xác định: tiến hành tự phê bình từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đến cơ sở và coi đó là  khâu đột phá và là biện pháp có ý nghĩa then chốt bảo đảm cho các giải pháp khác thắng lợi.

Tư tưởng chỉ đạo của Đảng hiện nay là, mỗi cấp ủy và tổ chức Đảng, mỗi cán bộ và đảng viên cần tự giác liên hệ, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thật sự nghiêm túc, làm rõ ưu điểm và khuyết điểm, nhất là những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể lãnh đạo và cán bộ lãnh đạo các cấp trong công tác giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ đảng viên; trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong việc học tập tu dưỡng về tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống. Trong tự phê bình và phê bình phải có tinh thần đồng chí trong sáng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tự giác, tự nguyện và trung thực; có phê phán, có đấu tranh để xây dựng, để đoàn kết; chính vì sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà phải đấu tranh và phê phán; tất cả vì mục tiêu lý tưởng và lợi ích chung của Đảng, của dân tộc. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân,tư tưởng kèn cựa địa vị, lợi lộc…Để nâng cao chất lượng và hiệu quả tự phê bình và phê bình đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, đồng thời coi trong tự phê bình từ trên xuống và phê bình từ dưới lên.

Với tư tưởng chỉ đạo đó, những năm qua thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng đã có những chuyển biến tích cực, thông qua việc tự phê bình và phê bình: sự thống nhất về tư tưởng, chính trị trong Đảng được củng cố, ý thức chính trị của cán bộ, đảng viên được nâng lên; sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng được phê phán, cảnh tỉnh, răn đe, ý thức phòng ngừa sự tha hóa trong nội bộ Đảng theo hướng dân chủ, cởi mở được coi trọng hơn; vấn đề đoàn kết nội bộ, trước hết là trong cấp ủy có chuyển biến tích cực, những chuyển biến đó đã tạo điều kiện cho cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên như trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  đã nêu: Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng còn những hạn chế nhất định. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình chưa sâu sắc hoặc thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm trong công việc; ở một số nơi nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm: "Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiêu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao"[4]. Trong góp ý phê bình còn năng tư tưởng " dĩ hòa vi quý", khi góp ý cho cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu  cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn nể nang, né tránh, chưa dám nói thẳng. Sau kiểm điểm, nhiều nơi chậm khắc phục những thiếu sót, sai phạm, Một số cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình, chưa nhìn nhận đúng khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể…những điểm này ít nhiều đã làm hạn chế chất lượng, hiệu quả thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Từ thực tiễn trên, để thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng có hiệu quả cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Nhận thức cho đúng mục đích của tự phê bình và phê bình trong Đảng là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng nhận rõ ưu điểm để phát huy, chỉ ra khuyết điểm để sửa chữa, làm cho tổ chức đảng mạnh lên, cấp ủy mạnh lên, cá nhân mỗi đảng viên tiến bộ hơn, có lối sống và thái độ phục vụ nhân dân tốt hơn. Vì vậy, trong chỉ đạo phải tập trung, nghiêm túc, có hướng dẫn, có gợi ý, có kiểm tra, đôn đốc, giám sát trước, trong và sau kiểm điểm; mỗi cán bộ đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải trung thực, tự giác trong tự phê bình và phê bình, tranh thủ ý kiến góp ý của đồng chí, của tổ chức, của quần chúng nhân dân; tránh tư tưởng trong kiểm điểm không muốn nói rõ khuyết điểm, vì nói rõ khuyết điểm sợ mất uy tín.

Hai là, Phát huy dân chủ trong Đảng và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội trong  cơ quan và giám sát của nhân dân nơi cư trú trong góp ý phê bình cán bộ, đảng viên. Việc phát huy dân chủ trong Đảng và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan góp ý phê bình cán bộ, đảng viên phải được cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm đúng mức, người lãnh đạo phải tạo được không khí cởi mở, dân chủ, tin tưởng lẫn nhau để cho mọi cấp ủy viên, mọi đảng viên dám nói thẳng, nói thật, không né tránh. Cán bộ lãnh đạo, người được góp ý sẵn sàng tiếp thu những ý kiến góp ý đúng một cách chân thành với thái độ thực sự cầu thị, có biện pháp sửa chữa, khắc phục một cách khả thi. Tất nhiên cần chú ý ở đây là thực hiện dân chủ trong công tác tự phê bình và phê bình nhưng phải đặt trong khuôn khổ của nguyên tắc tập trung dân chủ; dân chủ phải đi đôi với kỷ cương; kỷ luật, không được lợi dụng dân chủ để phát ngôn tùy tiện, phê phán tùy tiện.

Ba là, trong kiểm điểm phải phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm và quy rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo và đề ra các biện pháp sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm một cách thiết thực, Tự phê bình cũng như phê bình phải trung thực, không nể nang, không thêm bớt

Bốn là, đề cao tính gương mẫu, tự giác của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình; thực hiện đúng lời dạy của Bác: "Cán bộ và lãnh tụ càng phải làm cho xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, càng phải làm gương cho tất cả đảng viên noi theo"[5]. Duy trì phương châm thực hiện tự phê bình và phê bình từ trên xuống, tức là lãnh đạo trước, đảng viên sau.

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt Đảng,thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên  nhận rõ ưu khuyết điểm của mình và chỉ ra ưu khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp trên tiêu chí cùng nhau sửa đổi để tốt hơn. Mỗi đảng viên tốt sẽ là cơ sở xây dựng một chi bộ tốt, các chi bộ tốt sẽ giúp đảng bộ tốt. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

                   Ths. Đặng Ngọc Bích

                      Khoa: Xây dựng Đảng

 

 



[1] Bài nói  tại Hội nghị Nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương (28/11/1959).Hồ Chí Minh. Toàn tập, t,9.,tr 552-557

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr,232

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr,239

[4] Đảng cộng sản Việt nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb CTQG-ST,H,2021,tr176