• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TĂNG CƯỜNG LỒNG GHÉP CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ.
Ngày xuất bản: 20/11/2023 9:10:00 SA
Lượt đọc: 3503

 

Hệ thống pháp luật ra đời và gắn liền với nhà nước để thực hiện một trong những chức năng quan trọng là điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội.  Pháp luật phòng, chống tham nhũng của nước ta được hình thành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ đó đến nay, pháp luật phòng, chống tham nhũng đã có những bước phát triển, hoàn thiện, ghi dấu vai trò, nhiệm vụ của mình trong từng giai đoạn đi lên của đất nước cũng như phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng trên thế giới.

Từ thời Nhà Lý, thì tội như lạm dụng của công làm của tư, của quyền, hách dịch, bòn rút của dân được luật pháp đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc, đó là: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác nạn nhũng nhiễu, tham ô thì nhận thưởng bằng hiện vật thu được”. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho quỹ triều đình. Như vậy, luật pháp không chỉ quy định về nạn nhũng nhiễu, tham ô, mà còn khuyến khích bằng phần thưởng là hiện vật đối với người tố giác nạn tham nhũng. Điều đó cũng có thể được coi là một trong những biện pháp đấu tranh với tham nhũng thời đó.

So với thời nhà Lý, hệ thống pháp luật thời nhà Trần được chi tiết, cụ thể và hoàn thiện hơn. Việc tuyển chọn quan lại được đề cao tiêu chuẩn về thanh liêm, thẳng thắn, do đó việc tư lợi, ăn đút lót bị xử nặng. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc Trần Phẩu bị tội lăng trì vì ăn đút lót 100 lạng vàng và vu cáo Quốc Chẩn làm phản.

Đến Triều Hậu Lê, việc chống như lạm dụng của công làm của tư, của quyền, hách dịch, bòn rút của dân rất được coi trọng. Trong Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, thì có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng, hình phạt nặng nhất là tử hình bằng cách chết thắt cổ, chém cổ, hoặc xử trảm bêu đầu. Đến triều Nguyễn, nổi bật là việc xây dựng và thực thi bộ luật Gia Long năm 1815. Luật Gia Long có 17 quyển quy định riêng về Luật hình đối với tội nhận hối lộ (đút lót) và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này…

Như vậy, vấn đề “tham nhũng”dưới cách gọi này hay cách gọi khác đã được quy định từ thời phong kiến và ngày càng cụ thể và số lượng các quy định ngày càng dày dặn hơn...Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời, mới là giai đoạn tiền xây dựng Đảng, tức là chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tiến tới xây dựng tổ chức đảng. Trong cuốn “Đường Kách mệnh” năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh “phải cần, kiệm, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất”. Như vậy, lòng tham muốn về vật chất ở đây cũng được hiểu nó là cội nguồn, gốc rễ của vấn đề tham nhũng.

Theo tư tưởng của Người, tham nhũng, lãng phí chính là "giặc nội xâm”, là "quốc nạn”.  Người chỉ rõ bản chất của hành vi tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận tham lam, là trộm cướp, thậm chí là tội ác. Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Hồ Chủ tịch có nói “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình…”, “Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (1/2/2013 -1/2/2023), sáng 2/2, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là cuốn sách thể hiện tư tưởng, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Tổng bí thư đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong khoảng thời gian dài với nhiều cương vị công tác.

Để đường lối, chủ trương phòng, chống tham nhũng của Đảng được nêu trong Nghị quyết sớm xâm nhập vào thực tế và phát huy hiệu quả, tính tích cực, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng; gắn với việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tuyên truyền về cuấn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh"

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhận định bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, trong đó tình hình “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như trong mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”.[1]

 Đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018 thì: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” [2] Như vậy, tham nhũng là hành vi cố ý vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định, các chuẩn mực nghề nghiệp, kỷ luật công tác… của những người làm việc cho nhà nước. Hành vi đó xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, phá vỡ những quy tắc, chuẩn mực cần thiết để bộ máy nhà nước vận hành một cách hiệu quả nhất.

Đối với công tác giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị, việc giảng dạy nội dung về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí góp phần tuyên truyền, làm rõ quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí giúp cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng đắn và tin tưởng tuyệt đối vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí của Đảng. Phải khẳng định đây là nội dung vô cùng quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua đó góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy nội dung này, người giảng viên cần phải tập trung phân tích, làm rõ những nội dung cơ bản sau:

- Chỉ ra cho người học nhận thức một cách đúng đắn về hành vi tham nhũng, tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của dân, thiệt hại ngân sách, gây rối loạn nền kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng; làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, làm cho chế độ chính trị dần suy yếu từ bên trong, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tấn công ta, dẫn đến sụp đổ nếu không kịp thời chấn chỉnh. Cần chỉ rõ, tham nhũng là căn bệnh của bộ máy quyền lực, là một trong những nguyên nhân tạo ra sự trì trệ, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

- Đánh giá đúng thực trạng của tham nhũng và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã qua và nhất quán phương châm của công tác này trong thời gian tới. Trong đó, cần nhấn mạnh những nội dung trọng tâm, cơ bản mà cuấn sách đã nêu, đó là:

Thứ nhất, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.

Thứ hai, hường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về phòng, chống 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Thứ ba, Các cấp uỷ đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí, siết chặt kỷ cương trong đảng cũng như quản lý kinh tế, xã hội.

Thư tư, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong mọi hoàn cảnh, thường xuyên tự soi, tự sửa với tinh thần “còn Đảng là còn mình” và “danh dự là điều thiêng liêng, cao quí nhất”.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.

Thứ sáu, nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng.

Thứ tám, tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch và luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử cán bộ. Đặc biệt, đối với cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cần xây dựng qui định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có ra, có vào” trở thành bình thường trong công tác cán bộ.

Trước khi kết thúc nội dung mỗi bài giảng, người giảng viên lưu ý cần kết luận, neo chốt lại vấn đề; Đảng ta đã xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; công tác phát hiện, xử lý các vụ việc; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đủ sức giáo dục, phòng ngừa, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhằm củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững./.

Th.s Dương Thị Thuý Tài - Khoa Nhà nước và pháp luật

 

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, t.1, tr.108.