• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUAN ĐIỂM VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 24/10/2023 2:56:00 CH
Lượt đọc: 3506

 

Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh – “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1]

Một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên kết quả vẻ vang đó chính là việc phát huy ý chí tự lực, tự cường, Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ “ý chí tự lực, tự cường” dân tộc,… Đây là một trong những quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới.

 “Ý chí” là sự bền bỉ, kiên trì, nỗ lực không ngừng với mục tiêu đã đề ra; là khả năng vượt qua mọi thử thách, thực hiện các hành động để có thể tạo ra được kết quả theo như mong muốn. Ý chí giúp con người phát huy được sức mạnh bên trong của mỗi cá nhân, đôi khi đến mức độ phi thường. Ý chí của một cộng đồng dân tộc dựa trên sự thống nhất về tư tưởng, có lợi ích chung, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc trong việc giành, bảo vệ nền độc lập cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước.

“Tự lực” có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác; “tự cường” có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác. Tự lực, tự cường, tự chủ là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân.

Một trong những quan điểm cơ bản được xác định tại Đại hội XIII của Đảng nhằm đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”[2].

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ một trong những quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, đã xác định: động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ “ý chí tự lực, tự cường” dân tộc,…

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã biên soạn, ban hành tài liệu chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn khóa: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Trong đó, khẳng định “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường dân tộc,…” sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn lịch sử.

Ý chí tự lực, tự cường là giá trị tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc khi biểu hiện toàn diện trên mọi phương diện của xã hội như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”[3]. Trên các lĩnh vực hoạt động ý chí tự lực, tự cường được biểu hiện hết sức rõ nét:

Tự lực, tự cường về chính trị là ý thức về sức mạnh của Đảng cầm quyền, về sức mạnh của hệ thống chính trị. Vấn đề xây dựng Đảng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đang được xác định là yêu cầu cao nhất bảo đảm cho sự ổn định và phát triển. Đồng thời, tự lực, tự cường về chính trị đòi hỏi chú trọng và phát huy vai trò sức mạnh của nhân dân, lấy dân làm gốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[4]. Dựa vào dân, đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh nhân dân là phương thức cao nhất phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc.

Tự lực, tự cường về kinh tế là ý thức về việc xây dựng nền kinh tế có nội lực đủ mạnh, có sức cạnh tranh cao, có thể chủ động và tích cực tham gia vào quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế thế giới. Tự lực, tự cường về kinh tế đặt ra yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm huy động sức mạnh phát triển kinh tế đất nước.

Tự lực, tự cường về quân sự là điều kiện để bảo đảm cho độc lập và chủ quyền quốc gia và bảo vệ nền hòa bình chung trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, ý thức về sức mạnh của quân đội trung thành, có tính kỷ luật cao. Đồng thời, ý thức về việc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại luôn đặt ra trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay.

Tự lực, tự cường về văn hóa đặt ra yêu cầu nhận thức rõ sức mạnh văn hóa trong quá trình phát triển đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa là trầm tích giá trị lịch sử của mỗi dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc ấy. Một quốc gia có nền văn hóa vừa đặc sắc tính dân tộc, vừa tiên tiến, hiện đại và có tính hội nhập cao tạo nên sức mạnh của quốc gia, dân tộc ấy. Văn hóa vừa là điều kiện, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển Việt Nam hiện nay.

Tự lực, tự cường trong giáo dục, đào tạo luôn là lĩnh vực quan trọng trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của dân tộc. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, xác định rõ triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục và đào tạo, xây dựng nền giáo dục tốt để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự  nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đang là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta, nhất là thực tiễn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã thể hiện rõ ý nghĩa của việc muốn đạt được thành tựu trong công trình xây dựng đất nước, phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân. Trong đó, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc là yếu tố đóng vai trò quyết định, chính nhờ có nó chúng ta mới nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế và cũng từ đó chúng ta mới có năng lực để biến sự giúp đỡ thành những giá trị cụ thể./.

 

Ths : Nguyễn Quý Dũng

Khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 25.

 

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I,tr.111

[3] Bộ Ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao - Một vài kỷ niệm về Bác, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 119.