• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUAN ĐIỂM TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẤT ĐAI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 31/10/2022 3:28:00 CH
Lượt đọc: 8422

 

Đất đai có nguồn gốc từ tự nhiên, cùng với thời gian thì con người xuất hiện và tác động vào đất đai, cải tạo và biến đất đai từ sản phẩm của tự nhiên lại mang trong mình sức lao động của con người, tức cũng là sản phẩm của của xã hội. Đất đai là một tài nguyên thiên nhiên vo cùng quý giá của mỗi quốc gia và nó cũng là yếu tố mang tính quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và các sinh vật khác trên trái đất. Các Mác viết: “Đất đai là tài sản mãi mãi với loài người, là điều kiện để sinh tồn, là điều kiện không thể thiếu được để sản xuất, là tư liệu sản xuất cơ bản trong nông, lâm nghiệp”. Bởi vậy, nếu không có đất đai thì không có bất kỳ một ngành sản xuất nào, con người không thể tiến hành sản xuất ra của cải vật chất để duy trì cuộc sống và duy trì nòi giống đến ngày nay. Trải qua một quá trình lịch sử lâu dài con người chiếm hữu đất đai biến đất đai từ một sản vật tự nhiên thành một tài sản của cộng đồng, của một quốc gia.

Đất đai là là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn nội lực, nguồn vốn to lớn của đất nước, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng; có ý nghĩa kinh tế, xã hội sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Rõ ràng, đất đai không chỉ có những vai trò quan trọng như đã nêu trên mà nó còn có ý nghĩa về mặt chính trị. Tài sản quý giá ấy phải bảo vệ bằng cả xương máu và vốn đất đai mà một quốc gia có được thể hiện sức mạnh của quốc gia đó, ranh giới quốc gia thể hiện chủ quyền của một quốc gia. Đất đai còn là nguồn của cải, quyền sử dụng đất đai là nguyên liệu của thị trường nhà đất, nó là tài sản đảm bảo sự an toàn về tài chính, có thể chuyển nhượng qua các thế hệ...

Để bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến hoạt động quản lý nhà nước đối với đất đai, thể hiện ở việc ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai và tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước. Do đó, trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Tài nguyên đất được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn; an ninh lương thực được bảo đảm; đất cho sản xuất, phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh được phân bổ hợp lý hơn; thị trường bất động sản mở rộng, các giao dịch chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất không ngừng tăng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; gắn kết công tác quy hoạch, kế hoạch với khai thác sử dụng đất, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; việc phân cấp, phân quyền được coi trọng, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều hạn chế, bất cập đã bộc lộ như: Sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả, trong đó có một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nông trường; tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; tình trạng suy giảm chất lượng, ô nhiễm, thoái hóa đất, xâm thực diễn biến phức tạp; quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập; chưa thực sự có sự thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, chưa thực sự công khai, minh bạch và dựa trên cơ chế thị trường; tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, chậm được xử lý, giải quyết, gây bức xúc xã hội; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững…

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Do vậy, trong thời gian tới để đảm bảo phát huy vai trò quan trọng của đất đai cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về đất đai ở Việt Nam cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quan điểm sau:

Thứ nhất, quản lý nhà nước về đất đai phải quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý nhà nước đối với đất đai. Đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng bậc nhất để phát triển kinh tế của đất. Vì vậy trong các văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối về quản lý nhà nước đối với đất đai. Đặc biệt Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Đổi mới các chính sách quản lý đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất. Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ giới hạn đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Công khai minh bạch quản lý và sử dụng đất công”. Đây là quan điểm mang tính định hướng, chỉ đạo quan trọng xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm (2021-2030) của Đảng về vấn đề quản lý đất đai, vì trong quá trình quản lý nhà nước về đất đai phải luôn quán triệt quan điểm này, phải xem đây là “kim chỉ nam” định hướng cho công tác quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, quản lý nhà nước đối với đất đai phải bảo vệ được đất đai một loại tài nguyên quý của quốc gia, tài sản đặc biệt quan trọng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Đất đai có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, cũng như trong sản xuất. Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn ghi nhận tầm quan trọng của đất đai và khẳng định đất đai ở Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Trong quản lý nhà nước đối với đất đai, Nhà nước vừa với tư cách là chủ thể quyền lực công, vừa với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu. Nhà nước quản lý đất đai là thực hiện nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng của mình với Nhân dân. Mọi hoạt động quản lý nhà nước đối với đất đai, mọi lợi ích mang lại đều vì Nhân dân. Mọi hành vi gây nguy hại cho đất đai, mọi hành vi trục lợi cho bản thân, gia đình mình mà ảnh hưởng đến lợi ích đem lại cho Nhân dân đều phải bị xử lý nghiêm khắc không có ngoại lệ. Trong quản lý nhà nước đối với đất đai, tất cả các chủ thể có liên quan đều phải quán triệt quan điểm trên. Nhà nước không công nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ ba, trong quản lý nhà nước đối với đất đai phải xác định quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa đặc biệt. Xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của đất đai, nên ở nước ta pháp luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, trong sử dụng đất đai phục vụ đời sống, phục vụ sản xuất lại cần sự tích tụ đất đai từ người sử dụng này sang người sử dụng khác. Trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, quyền sử dụng đất gắn liền với thị trường bất động sản. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định quyền sử dụng đất thuộc về người sử dụng và người sử dụng đất có nhiều quyền đối với thửa đất họ được sử dụng hợp pháp và quyền sử dụng đất hiện nay được xem là loại hàng hóa đặc biệt. Đây là một trong những quan điểm xuyên suốt quá trình quản lý nhà nước đối với đất đai, vì vậy các cơ quan nhà nước, các cán bộ công chức trong quá trình quản lý đất đai phải luôn luôn quán triệt quan điểm này.

Thứ tư, quản lý nhà nước đối với đất đai phải bảo đảm hội nhập quốc tế và thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển, hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, quyền sử dụng đất có vai trò rất quan trọng. Nếu Nhà nước có giải pháp tốt, khơi dậy được tiềm năng của quyền sử dụng đất, thì quyền sử dụng đất sẽ vừa là yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào với Việt Nam, vừa là nguồn vốn to lớn của đất nước. Quản lý nhà nước đối với đất đai phải tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án kinh doanh.

Hoàng Khắc Cương

Khoa Nhà nước và Pháp luật