• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NỘI DUNG THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THEO LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NĂM 2022
Ngày xuất bản: 01/04/2024 12:04:00 CH
Lượt đọc: 409

                   

     Ths. Tạ Thị Hảo - Khoa Xây dựng Đảng

Nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu dân. Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã ban hành Luật số 10/2022/QH15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực từ 01/7/2023, trong đó có nội dung thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập - thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, về nội dung thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập Luật quy định rõ: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra.

So với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, đặc biệt qua Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có một số điểm mới:

Một là, nội dung công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị.

Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về nội dung công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết gồm 9 việc. Cụ thể: (1) chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; (2) kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của cơ quan, đơn vị; (3) kinh phí hoạt động hàng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; quyết toán kinh phí hàng năm của cơ quan, đơn vị; tài sản, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị; kết quả kiểm toán; (4) tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức; đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; các đề án, dự án và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị; (5) các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị đã được kết luận; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật; (6) kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị; (7) các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; (8) kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đưa ra lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 9 Nghị định 04/2015/NĐ-CP; (9) văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị.

 Theo quy định tại Điều 46 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai gồm 12 việc (khoản 3,4,5 là quy định mới, cụ thể: khoản 3 - Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định và các nguồn tài chính khác; tình hình thực hiện dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có); khoản 4 - Tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được giao quản lý, sử dụng; khoản 5 - Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kế hoạch, chương trình đầu tư công của cơ quan, đơn vị, vốn bố trí theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công cho từng dự án; tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; quyết toán vốn đầu tư công;) và bổ sung quy định thời gian người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai hiện nay chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đây là điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở so với các quy định trước đây trong thực hiện dân chủ ở các cơ quan, đơn vị.

Hai là, nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn, quyết định.

Nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định (Điều 49) gồm: Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị; việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; nội dung nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Về hình thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định được quy định thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là nội dung quy định mới (Điều 50) mà Nghị định số 04/2015/NĐ-CP không quy định. Như vậy, Luật đã mở rộng thêm quyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ được bàn, quyết định.

Ba là, nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến.

Nội dung này cơ bản là kế thừa Nghị định số 04/2015NĐ-CP; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bổ sung, làm rõ thêm nội dung về dự thảo quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị; Dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị (nếu có). Cập nhật thêm khoản 3,4,5,6, Điều 54 về hình thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến là điểm mới. (Cụ thể: khoản 3 - Thể hiện ý kiến qua phiếu lấy ý kiến trực tiếp hoặc dự thảo văn bản do cấp có thẩm quyền gửi; khoản 4 - Tham gia ý kiến qua hòm thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống thông tin nội bộ hoặc cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; khoản 5 - Thông qua Công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác tại cơ quan, đơn vị; khoản 6 - Các hình thức khác không trái với quy định của pháp luật và được quy định trong quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị).

Bốn là, nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát.

Tại Điều 56, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã bàn và quyết định quy định tại Điều 49 của Luật này; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của người đứng đầu, ban lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, hành vi hành chính của người thực thi công vụ, nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Luật cũng quy định có nhiều hình thức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát (Điều 57).

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở: trách nhiệm của các chủ thể gồm chính quyền địa phương cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện dân chủ tại cơ quan hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; người sử dụng lao động trong việc tổ chức và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Với đạo luật này, thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là một khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành những quy phạm pháp luật quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cơ quan, người có thẩm quyền; quyền của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức - là cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với nhiều điểm mới, là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới. Trong bối cảnh phát triển đất nước nói chung và công cuộc cải cách hành chính nhà nước nói riêng, việc phát huy và thực hành dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là điều kiện quan trọng để huy động được đông đảo nguồn lực sáng tạo trong nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội để thúc đẩy tiến trình cải cách, phát triển và hội nhập đất nước. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải sớm cụ thể hóa Luật, trên cơ sở cải cách mạnh mẽ về mặt thể chế, chính sách; sự ràng buộc và bảo đảm trách nhiệm của người đứng đầu, của chính mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị cũng như của mọi công dân để dân chủ thực sự trở thành văn hóa điều chỉnh hành vi ứng xử của con người khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội.

Đối với giảng viên khoa Xây dựng Đảng, trong mỗi bài giảng lý luận chính trị, mỗi giảng viên sẽ là những tuyên truyền viên đóng góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Từ đó đặt ra yêu cầu, giảng viên phải nắm chắc các quy định của Luật, soi rọi vào thực tiễn, trao đổi, thảo luận với học viên, đồng chí, đồng nghiệp về những vấn đề đang đặt ra, những vấn đề mới, phát sinh trong thực hiện dân chủ ở cơ sở để đề xuất giải pháp căn cơ thực thi dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới, trước hết là tại cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị dân chủ, đoàn kết, phát triển./.