• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN
Ngày xuất bản: 22/09/2020 3:13:00 CH
Lượt đọc: 18049

         Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[1]. Người gọi giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là “người huấn luyện” cán bộ. Trong tư tưởng của Người, nhiệm vụ của người giảng viên là giảng dạy làm thế nào để học viên hiểu, vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng, quan điểm của Đảng để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng, cho công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình giảng dạy ngoài trang bị lý luận chính trị, người giảng viên phải biết gắn lý luận với thực tiễn, bám sát tình hình thực tiễn để người học hiểu và nắm chắc lý luận, biết vận dụng lý luận vào thực tiễn công việc. Có thể thấy trong bất cứ thời điểm nào, chất lượng giảng viên là yếu tố quan trọng nhất đối với chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

            Trong những năm qua việc nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều đổi mới đáng kể, tích cực. Đội ngũ giảng viên các trường chính trị tỉnh tăng lên về số lượng và chất lượng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu nhất định của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế. Tại Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ rõ: một số giảng viên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn còn nhiều bất cập với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Do đó, việc chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay đang là vấn đề bức thiết đặt ra. Ngày 17/05/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 587/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 (gọi tắt là Đề án 587). Thực hiện Đề án 587 cũng đồng thời với thực hiện nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên hướng đến thực hiện mục tiêu giảng viên của trường chính trị chuẩn. Mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên trong hệ thống Trường Đảng nói chung là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế”[2].

Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thường xuyên cử giảng viên đi học tập, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Hiện nay tổng số giảng viên nhà trường là 37 đồng chí. Về trình độ 37/37 giảng viên có trình độ đại học (chiếm 100%), trong đó có 29 đồng chí có bằng thạc sĩ (chiếm 78,4%), 27 đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị (chiếm 72,9%).

Hiện nay, đội ngũ giảng viên của trường đang đảm nhiệm giảng dạy chương trình TCLLCT-HC; chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng; bồi dưỡng công tác Đảng, đoàn thể... Cùng với công tác giảng dạy, hàng năm, các giảng viên còn tham gia nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu lịch sử đảng bộ địa phương, tài liệu bồi dưỡng theo phân công phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu của Trường. Hàng năm, thông qua các đợt nghiên cứu thực tế, các giảng viên còn tham gia vào công tác đánh giá, tổng kết thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở. Hơn nữa, đây cũng là đội ngũ tích cực nhất trong nhà trường tham gia viế tin, bài cho Bản tin Lý luận và Thực tiễn, Cổng thông tin điện tử nhà trường và các cơ quan báo chí khác của Trung ương và địa phương...

Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ giảng viên của nhà trường cũng đang đứng trước một số khó khăn như chưa đủ số lượng giảng viên theo yêu cầu của một trường chính trị đạt chuẩn; chất lượng giảng dạy, kiến thức thực tiễn còn hạn chế. Một số giảng viên chưa quan tâm nhiều đến công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế hay tham gia viết bài cho Bản tin và Cổng thông tin nhà trường. Chất lượng một số công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo nghiên cứu thực tế chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường Chính trị tỉnh Yên Bái nhằm đáp ứng yêu cầu trường chuẩn theo tôi cần tập trung vào các vấn đề sau:

            Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, lãnh đạo các khoa chuyên môn về yêu cầu cấp thiết phải đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng giảng dạy.

Thứ hai, tăng cường hoạt động lãnh đạo, quản lý của Ban giám hiệu về chuyên môn đối với các khoa chuyên môn.

            Thứ ba, tiếp tục chọn cử và tạo điều kiện để giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ.

            Thứ tư, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Hàng năm, tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế, trao đổi học tập kinh nghiệp về công tác giảng dạy, tổ chức quản lý của các trường chính trị tỉnh trong cả nước.

            Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là công việc lâu dài và cần thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Thiết nghĩ, việc thực hiện đầy đủ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu đưa Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nói chung, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trở thành trung tâm chất lượng cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các ngành, địa phương trong tỉnh nói riêng.

Th.s Tạ Thị Hảo

Khoa Xây dựng Đảng