• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 13/11/2020 3:43:00 CH
Lượt đọc: 14422

 

Công tác giáo dục lý luận chính trị là một trong các bộ phận hợp thành của công tác tư tưởng của Đảng, có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. C. Mác đã chỉ rõ: Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng. V.I. Lênin khẳng định: Không có lý luận cách mạng thì cũng không có phong trào cách mạng và chỉ đảng nào được lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam; Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm. Như vậy, truyền bá lý luận cho cán bộ, đảng viên và quần chúng chính là quá trình “vật chất hóa” lý luận, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Hiện nay, thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch; việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại một số địa phương còn thiếu sót; việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện ở một số nơi còn chậm, kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về âm mưu, “diễn biến hòa bình”, hậu quả của các quan điểm sai trái, thù địch đối với xã hội còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành trong tuyên truyền, giáo dục và đấu tranh, phản bác còn mang tính hình thức, thụ động, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Một số cán bộ, đảng viên và người dân thông qua mạng xã hội để bày tỏ suy nghĩ tiêu cực, ý kiến cá nhân không dựa trên nền tảng của sự hiểu biết đầy đủ, nhận thức tỉnh táo và lý trí, có những bài viết, bình luận theo hướng bôi đen, tiêu cực, suy giảm niềm tin, thậm chí hùa theo luận điệu của kẻ xấu để phê phán đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947): “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muốn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ, đạo đức, phẩm chất chính trị và bản lĩnh vững vàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay, công tác giáo dục lý luận chính trị luôn giữ một vị trí, vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm của Đảng trước âm mưu của các thế lực chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những nội dung cơ bản của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên bao gồm: Nội dung và chương trình; chủ thể thực hiện; phương thức (công tác giảng dạy, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở vật chất); kết quả thực hiện giáo dục. Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của công tác giáo dục lý luận chính trị là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nước ta. Mục đích công tác giáo dục lý luận chính trị là từng bước góp phần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta hiện nay.

 Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên được học tập, bồi dưỡng về lý luận chính trị đã có tác động vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác giáo dục lý luận chính trị không chỉ góp phần nâng cao nguồn lực của xã hội mà còn là yếu tố tạo nên các thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi công tác giáo dục lý luận chính trị được tổ chức có hiệu quả, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ thấm nhuần các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngược lại, nếu công tác giáo dục lý luận chính trị không được quan tâm chỉ đạo thực hiện, hoặc thực hiện qua loa, đại khái thì sẽ không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị còn những hạn chế, khuyết điểm. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị mặc dù đã được đổi mới, nhưng vẫn còn một số bất cập. Nội dung chương trình đào tạo hiện vẫn nặng về lý thuyết, chưa phát triển các kỹ năng thực hành cho người học; một số chương nội dung chưa cập nhật, không theo kịp với thực tiễn đời sống xã hội, nên đã “lạc hậu”, nội dung chưa gắn với tính đặc thù của các đối tượng người học, chưa đáp ứng một cách toàn diện nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị hiện nay. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên các cấp phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhưng chất lượng chưa đồng đều; một số giảng viên trẻ mặc dù được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực và phương pháp sư phạm tốt, nhưng chưa có nhiều sự trải nghiệm thực tiễn, phông kiến thức thực tiễn còn hạn chế nhất định. Những tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường; sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội; những hạn chế, tiêu cực trong quản lý, điều hành chậm được khắc phục… đã và đang tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và lối sống của nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên và có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay.

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, theo tôi chúng ta cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, nhiệm vụ sau đây:

Một là: Đối với Trường Chính trị tỉnh:

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, các luận cứ khoa học để đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch chống phá. Hoạt động giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị phải gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Tiếp tục tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình lý luận chính trị trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kịp thời cập nhật những thông tin mới; tham gia xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch… của địa phương nhằm nghiên cứu tổng kết một số phong trào, mô hình điển hình tiên tiến trong các hoạt động của địa phương đưa vào phục vụ cho công tác giảng dạy lý luận chính trị.

Quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng, hội đủ các phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng; quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nguy cơ “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”.

Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm chức, các chuyên gia chuyên sâu về các lĩnh vực để tham gia giảng dạy tai các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tạo điều kiện cử giảng viên đi học nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, trang bị kiến thức chuyên sâu về lý luận chính trị; bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ, giảng viên, giúp cho giảng viên có được phương pháp và kinh nghiệm để truyền đạt các kiến thức lý luận chính trị tới người học một cách hiệu quả.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên thông qua các hoạt động thăm lớp, dự giờ, thao giảng, khảo sát ý kiến của học viên để có cơ sở đánh giá năng lực, trình độ của mỗi giảng viên và nhu cầu của người học.

Hai là: Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị:

Luôn ý thức xây dựng phẩm chất riêng của người giảng viên dạy lý luận chính trị. Luôn chủ động trong nghiên cứu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn lý luận với thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng; tâm huyết với công việc giảng dạy lý luận chính trị. Để thực hiện được yêu cầu đó, người giảng viên phải không ngừng tự học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng một cách toàn diện, đây là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm và là tiêu chuẩn quan trọng của người giảng viên lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng phong cách người giảng viên chính trị; rèn luyện kỹ năng sư phạm truyền đạt, sử dụng các phương tiện hỗ trợ trong giảng dạy, tăng cường tương tác giữa người dạy và người học, lấy người học là “trung tâm”, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp thảo luận, tranh luận, vận dụng lý luận giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực thực tế… để mỗi giờ học lý luận chính trị đều trở nên sinh động, hấp dẫn lôi cuốn người học, khắc phục lối dạy “độc thoại”,  thông tin một chiều, nặng về lý thuyết, áp đặt thụ động, xa rời thực tiễn, không phát huy được tính tích cực, sáng tạo của người học.

Ba là: Đối với người học:

Thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ chưa nhận thức đầy đủ mục đích của việc học tập lý luận chính trị. Một số học viên trong quá trình học tập, rèn luyện thể hiện tinh thần, thái độ học tập chưa cao, thậm chí còn đối phó. Từ đó, việc học tập lý luận chính trị chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong quá trình công tác, người cán bộ, đảng viên phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức lý luận vào hoạt động thực tế, gắn lý luận với thực tiễn; tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc, đồng thời khắc phục tư duy chủ quan, duy ý chí, xem nhẹ lý luận, quá đề cao thực tiễn hoặc ngược lại.

Vì thế, cần nâng cao nhận thức học tập lý luận chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên. Chính cán bộ, đảng viên phải là người nhận phải nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị và xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của chính bản thân mình. Có như thế mới chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu sâu sắc để đạt kết quả cao nhất trong học tập và thành công trong lĩnh vực mình công tác.

Bốn là: Đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp:

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của địa phương, đơn vị mình.

Chủ động xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ học tập lý luận chính trị; làm tốt công tác tư tưởng, nắm rõ các yêu cầu của việc học lý luận chính trị, từ đó lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với từng chức danh, vị trí việc làm và với yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị, để họ nhận thức được việc học lý luận chính trị là nhu cầu “tự thân”, không phải ép buộc. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cử người đi học cần linh động sắp xếp, phân công công việc hợp lý và quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên yên tâm hoàn thành tốt chương trình học tập.

Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền phải luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đông người, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, không để các thế lực lợi dụng chống phá. Đây là minh chứng sinh động nhất nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đập tan âm mưu, các luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Để tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn cuộc sống, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gắn việc học tập, giảng dạy lý luận chính trị với thực tiễn công tác hằng ngày; tích cực, chủ động đấu tranh, phê phán với các quan điểm sai trái, thù địch để làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị. Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Dương Thị Thúy Tài

Khoa Nhà nước và Pháp luật