• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA BÀI BÁO “DÂN VẬN” ĐỐI VỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 28/10/2020 7:15:00 SA
Lượt đọc: 20041

              Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận được hình thành và phát triển từ thực tiễn hoạt động cách mạng. Sinh thời Người khẳng định: công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành, bại của cách mạng trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào. Tư tưởng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sinh động, sâu sắc trong bài báo có tiêu đề “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật, số 120, ngày 15/10/1949, với bút danh X.Y.Z. Đã hơn 70 năm trôi qua song tư tưởng và sự chỉ dẫn cụ thể của Người về công tác dân vận vẫn nguyên giá trị, bài báo “Dân vận” được xem là “cẩm nang”, là “cương lĩnh dân vận” có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần thiết của Đảng ta trong các giai đoạn cách mạng.

Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết với hình thức bài báo, với chỉ hơn 600 từ, có nội dung ngắn gọn, súc tích, bao gồm bốn mục lớn: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?

Vấn đề đầu tiên được Bác chỉ rõ cho cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc bản chất của nhà nước ta: “Nước ta là nước dân chủ”. Đó là nhà nước mà lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm đều ở nơi dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân, có dân là có tất cả. Nhờ bản chất tốt đẹp đó mà Đảng ta đã hiệu triệu được toàn dân đi theo Đảng tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thành công. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ thì phải giải quyết đồng bộ, nhất quán mối quan hệ giữa lợi ích, quyền hạn với nghĩa vụ của nhân dân như trách nhiệm kháng chiến, kiến quốc, trách nhiệm xây dựng chính quyền, xây dựng đoàn thể.

Trong tác phẩm “Dân vận”, Bác đã lý giải rất rõ ràng khái niệm “Dân vận là gì?”. Theo Bác, phải làm dân vận với tất cả mọi người, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi một con người, không để sót một ai, người nào cũng là đối tượng tranh thủ, vận động. Làm được việc đó, chính là thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Đi đôi với việc làm rõ dân vận là gì, Bác đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của dân vận là vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhà nước giao cho (đoàn thể mà Bác viết trong tác phẩm “Dân vận” là Đảng, bởi vì lúc đó Đảng chưa ra hoạt động công khai). Theo Bác để thực hành dân chủ, để vận động nhân dân thì không chỉ có tuyên truyền qua sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, chỉ thị mà phải tìm mọi cách giải thích, nói rõ lợi ích, nhiệm vụ cho dân hiểu, dân tin. Đồng thời, muốn triển khai công việc nào cũng cần phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.

Trong tác phẩm “Dân vận”, Bác chỉ rõ “Ai phụ trách dân vận?”. Đó là “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Bác nói đến cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện chính sách ấy. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác dân vận. Cùng với cán bộ chính quyền, cán bộ đảng, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội đều phải phụ trách dân vận.

Về phương pháp làm dân vận, Bác nói rõ: “Dân vận phải thế nào?” để chúng ta thực hiện cho đúng. Bác Hồ đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Sáu tiêu chí mà Bác đặt ra vừa là tiêu chuẩn cán bộ phụ trách dân vận vừa là phương pháp làm dân vận để dân vận có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận gồm cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể và ngày nay là tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị. Để thực hiện công tác dân vận thì đòi hỏi cán bộ phải có kiến thức “óc nghĩ”, phải biết nhìn xa, trông rộng, phải sâu sát cơ sở để nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, phải nói đi đôi với làm, phải luôn luôn gương mẫu cả trong lời nói và hành động, “chân đi, miệng nói, tay làm”. Bác căn dặn cán bộ phụ trách dân vận “không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” nghĩa là khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, không tôn trọng dân, không quan tâm giải quyết những bức xúc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của Nhân dân.

Kết thúc tác phẩm “Dân vận”, Bác đã đưa ra một tổng kết vô cùng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đó là một trong những nội dung rất cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: tất cả vì dân, tất cả cho dân, có dân là có tất cả. Nơi nào làm dân vận không tốt thì khó thành công, nơi nào làm dân vận tốt thì nhiệm vụ khó mấy cũng hoàn thành. Bác khẳng định: lực lượng, sức mạnh to lớn là ở nhân dân và đề cao vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận. Bác nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Tư tưởng đó xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Bác Hồ, của Đảng ta.

Hơn 70 năm đã trôi qua, bài báo “Dân vận” của Bác vẫn còn guyên giá trị với công tác dân vận hiện nay. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân, hội nhập ngày càng sâu rộng khu vực và thế giới, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế chưa được khắc phục như: nhiều bức xúc chưa được giải quyết, quyền làm chủ của Nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm; quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được thực hiện tốt tại nhiều địa phương; không ít nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa coi trọng công tác dân vận. Có nơi còn xảy ra tình trạng sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của dân… ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các thế lực thù địch bên ngoài thường xuyên lợi dụng những việc làm chưa tốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên để xúi giục, kích động quần chúng tụ tập đông người gây rối trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội một số vùng ở nước ta.

Để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sự đồng thuận xã hội trong Nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đặt ra trong giai đoạn hiện nay công tác dân vận có vai trò hết sức quan trọng. Trong thời gian tới để phát huy giá trị lý luận và thực tiễn nội dung bài báo “Dân vận” theo tôi cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là: Luôn quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác Dân vận: "dân là chủ", "dân làm chủ". Vì vậy, trong quá trình hoạt động, đội ngũ làm công tác dân vận phải làm cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội hiểu rõ và xác định được vai trò của mình trong đời sống chính trị.

Muốn phát huy tính tích cực chính trị của Nhân dân thì trước hết phải quan tâm đến lợi ích của họ. Phải lấy lợi ích thiết thân của người lao động làm cơ sở để xây dựng chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển đất nước. Khi Nhân dân đã hiểu đúng, hiểu đầy đủ thì sẽ tạo được sự tự giác trong thực hiện, đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Chính sách đúng, cơ chế phù hợp còn là yếu tố quan trọng của Nhà nước, của cơ quan chính quyền trong việc phục vụ nhân dân và phát huy sức mạnh toàn dân.

Thông qua công tác dân vận giúp người dân biết tìm ra những tương đồng chung, biết gác lại những khác biệt và hành động trên cơ sở những tương đồng chung ấy. Đó chính là cơ sở để thực hiện đại đoàn kết toàn dân, phát huy tính tích cực chính trị của nhân dân, là yếu tố cơ bản để phát huy nội lực của đất nước.

Hai là: Thực hiện tốt công tác dân vận trong việc truyền bá tư tưởng, giáo dục đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên để họ tự giác thực hiện những nhiệm vụ chính trị đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên trong tình hình tư tưởng có nhiều diễn biến phức tạp và sự bùng nổ thông tin như hiện nay thì đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền phải thường xuyên cập nhật, phân tích các thông tin và lựa chọn những thông tin có lợi cho Đảng, cho cách mạng để tuyên truyền đến quần chúng nhân dân. Đồng thời đưa ra những lập luận xác đáng để phê phán, loại bỏ các thông tin có tư tưởng xấu, nhằm bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho Đảng và các mạng nước ta.

Ba là: Người làm công tác dân vận phải gắn bó với dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước và xã hội, tham gia vào quá trình hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận chỉ có thể đóng vai trò chủ động khi những người làm công tác dân vận đối thoại trực tiếp với Nhân dân, có hiểu biết sâu sắc thực tiễn, nắm được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Bác viết: "Muốn thực sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết được sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào". Cần phải dân vận trong hành động, trong cuộc sống, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, đức tính giản dị, hành động gương mẫu, là tấm gương sống của cán bộ, đảng viên.

Có thể nói, ngay từ khi hình thành, công tác dân vận đã được dẫn đường bằng tư tưởng, lý luận đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mọi cán bộ, đảng viên được Bác luôn quan tâm, rèn giũa không chỉ bằng cẩm nang nghiệp vụ “Dân vận” mà còn bằng cả đạo đức trong sáng, tinh thần nêu gương mẫu mực của chính Người. Nghĩ về Bác, để thực hiện cho được di nguyện cuối cùng của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” thì chỉ có một con đường duy nhất là phải giữ vững được niềm tin và dựa vào nhân dân.Chỉ khi dân tin tưởng, gửi trọn niềm tin vào Đảng, vào tổ chức chính trị - xã hội, vào Nhà nước thì công tác dân vận mới thành công./.

Nguyễn Ngọc Tú

Trưởng khoa Xây dựng Đảng