• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
CẢI CÁCH CHẾ ĐỘ CÔNG VỤ GÓP PHẦN THỰC HIỆN THÀNH CÔNG NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 19/10/2021 2:17:00 CH
Lượt đọc: 11018

 

Cải cách công vụ, công chức là một trong những nội dung quan trọng, có vai trò quyết định đến sự thành công của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Để triển khai thực hiện Chương trình này, ngày 18/10/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số: 1557/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mục tiêu xây dựng một nền công vụ Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Tại Đề án này Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải có các quy định cụ thể về việc đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức; gắn chế độ trách nhiệm và kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ.

Đến nay, việc cải cách chế độ công vụ vẫn tiếp tục là một chủ trương đúng đắn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, thể hiện rõ nét nhất trong Nghị quyết số: 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh: Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Như vậy, có thể khẳng định rằng cải cách chế độ công vụ đã được xác định là một trong sáu nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay, và đây cũng là một trong những điểm mới so với Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn trước (được ban hành kèm theo Nghị quyết 30C/NQ-CP)

Mục tiêu của cải cách chế độ công vụ trong giai đoạn 2021-2030 được xác định rõ là: “Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước”. Trên cơ sở mục tiêu chung đó, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn cụ thể như sau: (1) Đến năm 2025, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; (2) Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: 50% - 60% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương ở Trung ương, 25% - 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, 80% số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, nhiệm vụ của cải cách chế độ công vụ trong giai đoạn 2021-2030 được Nghị quyết số 76/NQ-CP xác định bao gồm:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hai là, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm tỷ lệ người phục vụ trong từng cơ quan, nhất là khối văn phòng; xây dựng, ban hành các quy định thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Ba là, cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là việc khó, đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa thực hiện được. Song với quyết tâm cao, đến nay về cơ bản, chúng ta đã đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của Đảng, bởi điều chúng ta cần không phải giảm thuần túy về số lượng, mà phải giảm số người làm việc yếu kém gắn với các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

- Bốn là, tiếp tục mở rộng và triển khai có hiệu quả việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng và tương đương.

- Năm là, nghiên cứu, đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dẫn chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và gắn với vị trí việc làm, thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

- Sáu là, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai các văn bản pháp luật quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương; quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước; quy định về xác định tiền lương đối với sản phẩm, dịch vụ công ích.

- Bảy là, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi hoạt động theo hướng đẩy mạnh tự chủ.

- Tám là, hoàn thiện quy định về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ; xây dựng và ban hành quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

- Chín là, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm, bảo đảm không trùng lắp, tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết.

- Mười là, đổi mới cơ chế quản lý và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, bảo đảm giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện khoán kinh phí.

- Mười một là, đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài giai đoạn 2021 - 2030.

Hiện nay chúng ta đã có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, tuy nhiên để cụ thể hóa hơn nữa thì cần phải tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn để đảm bảo triển khai có hiệu quả những quy định hiện hành, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến chế độ công vụ, công chức.          

Âu Phương Thảo

Khoa Nhà nước và pháp luật