• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Áp dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề trong giảng dạy lý luận chính trị
Ngày xuất bản: 14/12/2017 12:19:00 CH
Lượt đọc: 32291

Năm 2017 trường Chính trị tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy” với mục tiêu nâng cao chất lượng bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với đối tượng giảng dạy, các bộ môn và nội dung chương trình. Để đạt được mục tiêu đó, đội ngũ giảng viên nhà trường đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt đã sử dụng các phương pháp dạy học tích cực làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa. Từ đó nâng cao uy tín của giảng viên và vị thế của nhà trường.

Nói đến phương pháp dạy học tích cực là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Có thể kể tên các phương pháp giảng dạy tích cực như: phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp đóng vai, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp thực hành, phương pháp Cémina, phương pháp hội thảo,… Trong phạm vi bài viết xin được  đề cập đến một số nội dung cần quan tâm khi sử dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề.

Thế nào là phương pháp dạy học nêu vấn đề?

Phương pháp dạy học nêu vấn đề được hiểu là quá trình dạy - học được tổ chức bằng cách tạo ra tình huống có vấn đề và triển khai quá trình giải quyết tình huống có vấn đề đó nhằm tạo ra ở người học nhu cầu tự phát hiện và giải quyết các nhiệm vụ học tập để tiếp thu tri thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành tư tưởng, thái độ.

Phương pháp dạy học nêu vấn đề có các đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, tình huống có vấn đề là yếu tố quan trọng nhất của phương pháp dạy học nêu vấn đề. Tình huống có vấn đề là tình huống giảng viên đặt ra cho người học, là những bài toán nhận thức chứa đựng mâu thuẫn giữa tri thức đã biết với tri thức phải tìm. Đây là động lực, nhân tố kích thích xuất hiện ở người học nhu cầu tìm kiếm thông tin và sử dụng các thao tác của tư duy để tìm lời giải thỏa đáng.

Thứ hai, người học tự tìm kiếm thông tin để giải quyết vấn đề dưới sự dẫn dắt, định hướng của người thầy.

Thứ ba, quy trình sử dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề là một trình tự gồm nhiều giai đoạn từ khâu khởi đầu đến khâu kết thúc của quá trình dạy học. Do đó, việc phân chia các giai đoạn trong quá trình sử dụng phương pháp này cần đảm bảo tính hệ thống, tính khoa học và phù hợp với các quy luật của quá trình nhận thức. Quy trình này gồm các giai đoạn cơ bản sau:

Với những đặc điểm trên, có thể thấy phương pháp dạy học nêu vấn đề là nêu vấn đề để đem ra nghiên cứu thảo luận. Đây là một trong những phương pháp dạy học được đánh giá là có hiệu quả cao, làm tăng cường độ làm việc của cả giảng viên và học viên trong suốt quá trình lên lớp. Với phương pháp này buộc người học phải tự sưu tầm tài liệu, phát huy khả năng phân tích, so sánh, phê bình đánh giá các thông tin để đi đến tổng hợp cho mình một nhận định đối với vấn đề cần giải quyết. Mặt khác phương pháp này cũng đòi hỏi người giảng viên khi giảng dạy phải có năng lực sư phạm, có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt phải biết vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực nhận thức của học viên.

Thực tiễn vận dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã thu được những kết quả nhất định, tạo ra môi trường học tập sôi nổi, lôi cuốn học viên vào bài giảng và tạo sự hưng phấn cho giảng viên khi lên lớp. Vì vậy mà chất lượng bài giảng càng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề bất cập trong việc áp dụng phương pháp này đó là chỉ phát huy được tính sáng tạo, ham tìm tòi của một bộ phận học viên chăm học. Đối với những học viên trầm tính hoặc lười nhác sẽ thụ động, ỷ lại vào kết quả của các thành viên khác trong lớp mà không phát huy được tính tích cực cũng như năng lực của mình. Giảng viên phải định hướng đúng hướng đi cho mỗi vấn đề nếu không sẽ dẫn đến sự lặp lại không cần thiết hoặc đi vào vòng luẩn quẩn…

Do vậy, để áp dụng hiệu quả phương pháp dạy học nêu vấn đề cần lưu ý một số nội dung sau:

- Yêu cầu đối với giảng viên:

Một là, giảng viên phải luôn luôn chú trọng tự nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, ngoài chuyên ngành của mình phải có phông kiến thức rộng, thường xuyên cập nhật thông tin, tin tức thời sự trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của đất nước và trên thế giới để theo kịp, nắm bắt xu hướng vận động của thực tiễn của thế giới, của đất nước.

Hai là, giảng viên phải nắm được đối tượng học viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, từ đó chủ động có kế hoạch cho từng bài giảng, lựa chọn được tình huống có vấn đề phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu.

Ba là, giảng viên cần tạo không khí học tập dân chủ, có hình thức đánh giá, khen thưởng phù hợp để khích lệ học viên tìm tòi, khám phá, hình thành nhu cầu chủ động muốn được tham gia vào bài giảng của giảng viên.

- Yêu cầu đối với học viên: phải có thái độ học tập đúng đắn, siêng năng, tích cực, ham học hỏi hiểu biết, mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình và góp ý trên tinh thần xây dựng với các ý tưởng của học viên khác.

Tóm lại, để thực hiện và phát huy tối đa hiệu quả phương pháp dạy học nêu vấn đề, cả thầy và trò đều phải có sự chuẩn bị chu đáo phù hợp với những điều kiện cho phép của lớp học, thời gian, phương tiện kỹ thuật được trang bị...Vận dụng tốt phương pháp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay.

Lương Thị Hải Yến

Khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh