• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Vận dụng tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng tỉnh Yên Bái “hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” hiện nay
Ngày xuất bản: 01/04/2024 12:03:00 CH
Lượt đọc: 357

 

Th.s Phạm Thị Lý

Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

1. Đại đoàn kết toàn dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là một bộ phận quan trọng với hệ thống quan điểm được Người không ngừng xây dựng, hoàn thiện và truyền bá trong toàn Đảng, toàn dân.

Người luôn khẳng định “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”[1]. Một khái niệm vừa nhấn mạnh rõ thành phần, quy mô, lực lượng của khối đoàn kết vừa đặt ra yêu cầu nền tảng là đại đoàn kết toàn dân, toàn thể nhân dân Việt Nam. Khối đại đoàn kết toàn dân ấy phải được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đại đoàn kết dân tộc phải trên cơ sở lấy lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm nền tảng, kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, bộ phận và toàn cục, giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế.

Đối với cách mạng nước ta, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Đoàn kết được Nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn: “Đoàn kết là vấn đề sống còn”, “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”[2]. Người căn dặn: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”[3]. Do đó, nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải không ngừng được củng cố, tăng cường trong cả nhận thức, tư tưởng và cả trong hành động thực tiễn, trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi Đảng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất để quy tụ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng là thành viên lãnh đạo Mặt trận, Đảng Cộng sản Việt Nam là linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc. Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kiên trì và nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng. Thông qua đường lối, chính sách đúng đắn, qua công tác tuyên truyền, vận động, qua sự nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên… Đảng quy tụ sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân tộc vào mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định rất cụ thể lộ trình thực hiện để đi đến mục tiêu phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nhiệm vụ hết sức hệ trọng và không hề dễ dàng, nhiệm vụ đó chỉ có thể thành công khi quy tụ được lực lượng hùng hậu toàn dân tộc tạo nên sức mạnh đại đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giải quyết được những vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn... Chính vì vậy, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được Đại hội XIII của Đảng xác định là động lực và là nguồn lực quan trọng yêu cầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Yên Bái vận dụng tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng tỉnh Yên Bái “hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, cụ thể hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đại đoàn kết toàn dân tộc, mới đây tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa bằng “Chương trình hành động số 202-CTr/TU, ngày 31/01/2024 thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Theo đó, tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xác định mục tiêu xuyên suốt để tập hợp, đoàn kết, động viên, cổ vũ Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng thực hiện khát vọng xây dựng tỉnh Yên Bái đến năm 2050 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội; thiết thực nâng cao chất lượng sống, sự hài lòng, chỉ số hạnh phúc cho Nhân dân; bảo đảm công băng, bình đăng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước, địa phương và thụ hưởng thành quả phát triển. Xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.

Để tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của Nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội, quy tụ và phát huy sức mạnh to lớn của các tầng lớp Nhân dân, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh nhà, cần phải thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh về vị trí tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, đặc biệt chú ý tiếp tục nghiên cứu học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, khơi dậy ý trí tự cường dân tộc khát vọng phát triển của các tầng lớp nhân dân.

Ba là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bốn là, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sự sáng tạo của Nhân dân.

Sáu là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Yên Bái, thực hiện tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển quê hương đất nước.

Bảy là, tổ chức các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

Với quan điểm đúng đắn, sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng chính quyền và sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Yên Bái sẽ được xây dựng ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Yên Bái phấn đấu là tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước.

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.244

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, H.2011, Tập 6, trang 55