• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN VỀ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 21/11/2023 2:20:00 CH
Lượt đọc: 3581

 

Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 22/10/2018, Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” [1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” [2] Điều này cho thấy, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, hệ trọng, mang tính sống còn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta. Do đó, cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải được làm sáng tỏ thêm ở cả phương diện lý luận và thực tiễn.

            1. Tư tưởng V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trong đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, cụ thể là những quan điểm duy tâm, siêu hình, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại... Lênin đã căn cứ vào diễn biến mới nhất của thực tiễn cách mạng để đưa ra phương pháp đấu tranh. Lúc bấy giờ, ở nước Nga đã xuất hiện thời cơ cách mạng chín muồi. Tinh thần đấu tranh của Đảng Bônsêvíc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang dâng cao và chiếm ưu thế trong cuộc đấu tranh giành chính quyền thì đó cũng là lúc các thế lực thù địch trỗi dậy chống phá quyết liệt. Chúng phê phán việc sử dụng bạo lực cách mạng giành chính quyền, xuyên tạc quan điểm của chủ nghĩa Mác, bác bỏ vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, phủ nhận chuyên chính vô sản... Đây là tình thế vô cùng cấp bách, đòi hỏi V.I.Lênin phải tiếp tục dựa vào chủ nghĩa Mác để đánh bại những âm mưu của bọn phản động.

Bằng bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, V.I.Lênin đã dẫn ra những quan điểm của Ph.Ăngghen từ tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, đồng thời trích dẫn các luận điểm xuyên tạc, sai trái, đặt chúng cạnh nhau để từ đó so sánh và chỉ ra sự cắt xén, thêm bớt của các thế lực thù địch nhằm bóp méo, xuyên tạc chủ nghĩa Mác. Qua đó, V.I.Lênin khôi phục lại bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác; đồng thời dẫn dắt, định hướng, lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đứng lên đấu tranh giành chính quyền.

V.I.Lênin đã thể hiện tinh thần đấu tranh bền bỉ, dứt khoát và không khoan nhượng đối với kẻ thù của chủ nghĩa Mác. Người đã dựa vào chủ nghĩa Mác, dùng chính sức mạnh của chủ nghĩa Mác để bảo vệ chủ nghĩa Mác; đặc biệt là vận dụng chủ nghĩa Mác vào hiện thực sinh động của phong trào công nhân. Nhờ đó, chủ nghĩa Mác đã vượt qua được tất cả các hệ thống triết học tư sản hiện đại, thực hiện được sứ mệnh “cải tạo thế giới” và trở thành học thuyết có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thế giới đương đại.

 

 

2. Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Những quan điểm sai trái, thù địch chống phá CNXH ở nước ta tập trung ở một số nội dung:

Thứ nhất, phủ nhận và xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, thủ tiêu nền tảng tư tưởng của Đảng 

Thực hiện âm mưu xóa bỏ hệ tư tưởng XHCN ở nước ta, trước hết, các thế lực thù địch, phản động tấn công vào “trái tim” và “đầu não” của Đảng, tập trung phản kích, phủ định những giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác, coi đó là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Mũi dùi mà các thế lực thù địch lựa chọn để công kích chủ nghĩa Mác là phủ nhận bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết giá trị thặng dư. Chúng lý sự: nhà tư bản có được giá trị thặng dư chính là nhờ đầu óc sáng tạo, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhờ có vốn và tài quản lý. Chúng cho rằng, trên lĩnh vực phân phối, tư bản đối xử với công nhân rất tốt, trả tiền công cao gấp nhiều lần tiền công của các doanh nghiệp XHCN. Chúng tự huyễn hoặc: ngày nay, ở các nước tư bản chủ nghĩa, đời sống của công nhân đã khá giả, sự bần cùng hóa chỉ là số ít. Do vậy, lý luận của C.Mác cho rằng mối quan hệ giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân dựa trên mâu thuẫn đối kháng về lợi ích là không đúng. Đây là những luận điệu xảo trá, thể hiện rõ mưu đồ của các thế lực thù địch khi cố tình xuyên tạc và phủ nhận bản chất cách mạng của học thuyết Mác, do đó phải bị lên án. 

Thứ hai, công kích, bôi nhọ CNXH và phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên CNXH

Phủ nhận và xuyên tạc học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, chúng đưa ra luận điệu: mô hình chủ nghĩa cộng sản dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, xây dựng xã hội không còn bóc lột, áp bức và bất công giai cấp chỉ là sự mơ mộng hão huyền. Không khó để nhận ra, đây là luận điệu phản động, bóp méo lịch sử và hiện tại, cố tình phủ nhận những giá trị tốt đẹp của CNXH đang hiện hữu ở Việt Nam. Thế nhưng, luận điệu này cũng đã gây ra sự hoang mang, bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn và khoa học của CNXH cho không ít người. Thậm chí có những người quay giáo trở cờ, vong ơn bội nghĩa, quay lưng với lợi ích quốc gia dân tộc, nối giáo cho giặc, phụ họa với các luận điệu thù địch để công kích, bài bác CNXH, tô hồng chủ nghĩa tư bản.

Đi lên CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn, thể hiện khát vọng của Đảng và nhân dân ta. Vậy nhưng, hiện nay vẫn có những giọng điệu lạc lõng của các thế lực thù địch, phản động, vô lý đòi Đảng ta, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn để đi theo con đường khác, vì chúng cho rằng: đi lên CNXH là con đường sai lầm, “là đưa dân tộc vào chỗ chết”. 

Chúng đưa ra những luận điệu hết sức hàm hồ: kiên định con đường đi lên CNXH, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lạc nhịp, lỗi thời, là không phù hợp với quy luật và xu thế phát triển chung của lịch sử, cần sửa chữa và loại bỏ. Thủ đoạn mà chúng thường dùng là xuyên tạc bản chất nền tảng tư tưởng của Đảng, thông tin sai sự thật, mập mờ đánh lận con đen về tình hình đất nước rồi tung lên các nền tảng mạng xã hội và một số website, tờ báo nước ngoài có tư tưởng chống phá Việt Nam. Đây là biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh đã được V.I.Lênin cảnh báo từ rất sớm: Đặc điểm của chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể hiểu được.

   Tính chất cơ hội hữu khuynh trong luận điệu của các thế lực thù địch còn bộc lộ ở chỗ cố tình lợi dụng sự kiện Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tan rã để phản bác, phủ nhận con đường CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. 

Thứ ba, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước và xuyên tạc đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước

Chúng phủ nhận mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN, mặc nhiên cho rằng kinh tế thị trường chỉ là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Với nhận thức lệch lạc và ấu trĩ, chúng lý sự: Kinh tế thị trường, các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau như nước với lửa. Có như vậy thì nền kinh tế đất nước mới phát triển nhanh được. Những luận điệu cơ hội, phản động này thực chất là nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào con đường phát triển kinh tế mà Đảng ta đã lựa chọn. khuyên chúng ta nên bỏ định hướng XHCN, phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa như các nước phương Những kẻ có tư tưởng ấu trĩ đó có lẽ không phải không biết rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam khi lựa chọn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã phải trải qua biết bao trăn trở. Đó là cả một hành trình thay đổi để thích nghi bắt nguồn từ chính đòi hỏi và mệnh lệnh của cuộc sống.

Chúng xuyên tạc rằng: Việt Nam xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử, không thể bình đẳng, do đó sẽ không thể có kinh tế thị trường thật sự; việc lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là bóp nghẹt kinh tế tư nhân và không có tự do cạnh tranh; Đảng Cộng sản nói một đằng làm một nẻo, định hướng con đường XHCN nhưng lại chủ trương phát triển kinh tế tư nhân. Đó đều là những luận điệu thâm độc, đưa ra nhằm định hướng người dân từ bỏ mục tiêu CNXH.

Chúng cố tình phủ nhận thực tế là từ sau đổi mới đến nay, Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế thị trường, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển kinh tế nhiều thành phần, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có quyền bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo đúng các quy định của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực; không phân biệt đối xử hay hạn chế khả năng cạnh tranh của thành phần kinh tế tư nhân. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”[3] Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP, 30% vào ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động(3). Những thay đổi trong chủ trương, chính sách đã tạo ra những động lực to lớn cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta. Đảng ta đã nhận thức rất đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển, kinh tế tư nhân là một trong số các thành phần kinh tế bình đẳng, cùng cạnh tranh lành mạnh theo đúng các quy định của pháp luật. Rõ ràng, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay không tồn tại sự phân biệt đối xử, kỳ thị hay ngăn trở kinh tế tư nhân như luận điệu mang tính xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, phản động.

3. Một số giải pháp vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin

Trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, trước tiên phải tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới là học thuyết khoa học nhất, cách mạng nhất, hướng tới mục tiêu giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể các dân tộc bị áp bức trên thế giới, xây dựng một chế độ xã hội mà quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin còn thể hiện ở chỗ, đây là học thuyết mở, không rập khuôn máy móc mà đòi hỏi phải luôn bổ sung, phát triển để phù hợp với những diễn biến mới nhất của thực tiễn. Do đó, mọi toan tính biến chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành một học thuyết giáo điều, tầm thường là trái với tinh thần biện chứng vốn có của nó. Đây là cơ sở quan trọng để đập tan luận điệu cho rằng sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở nên lỗi thời, không còn là hệ thống lý luận dẫn đường cho nhân loại tiến bộ.

Thứ hai, bảo đảm mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã sớm khẳng định, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Bởi chỉ có CNXH mới đem lại độc lập cho dân tộc; hạnh phúc, ấm no cho nhân dân và hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. CNXH là sự lựa chọn đúng đắn của nhân loại tiến bộ, của lịch sử Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến lên CNXH là sự lựa chọn phù hợp với quy luật của lịch sử và điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc ta. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, sau khi giành được độc lập dân tộc, chúng ta đã bắt tay vào việc xây dựng chế độ xã hội mới để bảo đảm cho nhân dân được thụ hưởng những thành quả của cách mạng, thực sự trở thành những người làm chủ đất nước.

Thứ ba, đổi mới hình thức và phương pháp đấu tranh, đặc biệt phải dựa vào nhân dân

Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng và là những tình huống buộc phải hành động ngay, không do dự, không chần chừ, không thỏa hiệp. Trong quá trình đấu tranh, chúng ta phải thật sáng suốt, bình tĩnh để nhận diện kẻ thù, phân tích kỹ, chính xác thái độ và hành động của chúng để phát hiện những điểm sai trái, phản động, từ đó đề ra những biện pháp đấu tranh phù hợp.

Đổi mới các hình thức đấu tranh phải kiên quyết, kiên trì, toàn diện, triệt để trên mọi lĩnh vực và mọi phương diện, không khoan nhượng, không thỏa hiệp nhưng cũng không nóng vội, chủ quan, sớm thỏa mãn với những thành công trước mắt; đặc biệt là phải dựa vào sức mạnh của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”

Thứ tư, kiên quyết khắc phục những sai lầm và khuyết điểm để củng cố niềm tin của nhân dân vào CNXH

Đất nước ta xây dựng CNXH trong hoàn cảnh xuất phát điểm thấp. Kinh tế kiệt quệ do hậu quả nặng nề của chiến tranh; còn nhiều tàn tích của xã hội cũ; trình độ dân trí phần đông là thấp... nên chưa thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Những điều này làm cho quá trình xây dựng CNXH ở nước ta khó tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại. Các thế lực thù địch lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm mà chúng ta mắc phải để chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH. Do đó, cần kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót để củng cố uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân, qua đó đánh bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch.

Để CNXH sớm trở thành hiện thực, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ những tiềm lực về vật chất và kỹ thuật, chúng ta cần mạnh mẽ và quyết liệt trong đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch. Nghiên cứu những di sản tư tưởng mà V.I.Lênin để lại về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin; từ đó định hướng những nội dung và phương pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả. Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng này, mỗi cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong trong việc quán triệt, vận dụng và phát triển tư tưởng của V.I.Lênin vào thực tiễn đấu tranh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ CNXH.

Th.s Dương Thị Thúy Tài - Khoa Nhà nước và pháp luật

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", ngày 25/10/2018

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 183.