• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẤN ĐỀ HIỆU LỰC HỒI TỐ TRONG LUẬT HÌNH SỰ
Ngày xuất bản: 15/10/2019 9:16:00 SA
Lượt đọc: 23424

            Hiệu lực hồi tố là hiệu lực pháp luật của văn bản quy phạm pháp luật hình sự áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước khi văn bản ấy có hiệu lực thi hành. Hiệu lực hồi tố hay còn gọi là hiệu lực trở về của văn bản quy phạm pháp luật, theo đó đạo luật hình sự có hiệu lực hồi tố có nghĩa là đạo luật hình sự đó có hiệu lực với cả những tội phạm đã xảy ra trước khi nó có hiệu lực thi hành. Về nguyên tắc, luật hình sự Việt Nam không có hiệu lực hồi tố. Quy định này cũng được xuất phát từ nguyên tắc pháp chế “nullum crimen sine lege”, tức không có tội nếu không có luật. Theo nguyên tắc này đạo luật hình sự chỉ có hiệu lực thi hành đối với tội phạm xảy ra khi đạo luật đó có hiệu lực thi hành và trước khi khi đạo luật đó mất hiệu lực. Nếu hành vi đã được thực hiện trước khi có luật thì không thể áp dụng điều luật đó để buộc họ chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng quan điểm nói trên không đồng nhất với quan điểm “không biết luật không được miễn tội” bởi vì yếu tố không biết luật hoàn toàn không đồng nhất với yếu tố không có luật.

Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao. Đồng thời, pháp luật hình sự góp phần tích cực loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Tuy nhiên, trước khi Bộ luật Hình sự được ban hành (Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi) thì do điều kiện luật hình sự chưa hoàn chỉnh nên luật hình sự của Việt Nam lúc bấy giờ vẫn còn duy trì nguyên tắc hồi tố. Việc duy trì nguyên tắc này xuất phát từ sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội và lợi ích của công dân. Tại Việt Nam, trong pháp luật hình sự hiện hành không quy định hiệu lực hồi tố đối với điều luật mới không có lợi cho người bị áp dụng . Ngược lại, trong trường hợp áp dụng mà có lợi cho họ thì luật hình sự Việt Nam có hiệu lực hồi tố. Quy định này xuất phát từ chính vì những lý do nhân đạo khi những quy định của luật mới khoan hồng hơn so với luật cũ và sự cần thiết bảo vệ lợi ích Nhà nước của xã hội và lợi ích của công dân thì việc áp dụng hiệu lực hồi tố là cần thiết. Cụ thể tư tưởng này thể hiện trong khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định như sau:

 “2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

3. Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.

Qua đó có thể thấy, luật Hình sự Việt Nam hiện hành không thừa nhận nguyên tắc hồi tố mà chỉ cho phép vận dụng nguyên tắc này trong một số trường hợp cụ thể theo hướng có lợi cho người phạm tội. Như vậy, việc quy định và áp dụng hiệu lực hồi tố là nguyên tắc thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta và phù hợp với quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước – pháp luật