• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI - NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CON NGƯỜI VIỆT NAM.
Ngày xuất bản: 08/11/2022 10:29:00 SA
Lượt đọc: 8362

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Quan điểm trên của Bác cho thấy, văn hóa đã ra đời cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội loài người; văn hóa là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần do cá nhân và cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, phục vụ sự tồn tại và phát triển của con người. Vấn đề văn hóa, con người giữ vai trò cơ bản, quan trọng, được thể hiện ở nhiều nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Thứ nhất, nhận thức mới của Đảng về xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Quá trình nhận thức về xây dựng hệ giá trị đã được Đảng ta nêu ra từ Đại hội VIII và liên tục được khẳng định, tiếp nối, bổ sung và hoàn thiện từng bước. Đến Đại hội XIII, Đảng ta nâng lên một nấc thang mới là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhận thức của Đảng về xây dựng hệ giá trị ở các cấp độ khác nhau đã có sự khu biệt rõ ràng và đã chú ý mối liên hệ biện chứng giữa hệ giá trị của các cấp độ này.

Thứ hai, làm rõ quan điểm xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã khẳng định: “Quan hệ giữa vǎn hóa và kinh tế, chính trị...vǎn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, vǎn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Kế thừa những quan điểm đó, từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, tư duy lý luận của Đảng về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế[1]. Tuy nhiên trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII chưa chỉ ra cụ thể văn hóa trong chính trị và kinh tế là như thế nào.

Đến Văn kiện Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh và làm rõ nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế cụ thể là bao gồm những nội dung gì: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh[2].  Văn hóa lãnh đạo, quản lý của người cán bộ lãnh đạo là hệ thống những giá trị, chuẩn mực tạo nên phong cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý, có tầm ảnh hưởng lớn đến nhận thức và hành động của tổ chức, nhân dân. Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý cũng chính là xây dựng Đảng, để “Đảng là đạo đức, là văn minh”, để Đảng thực sự “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thứ ba, Phát triển con người toàn diện gắn kết chặt chẽ hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, đồng thời có tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tự phê bình và phê bình những hạn chế của con người Việt Nam.

 Giáo dục toàn diện để phát triển con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ luôn là tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội”[3]. Đến Đại hội lần thứ X trong văn kiện Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế”.

Đặc biệt, quan điểm của Đảng về xây dựng con người phát triển toàn diện được thể hiện sâu sắc trong Văn kiện Đại hội XII, trong đó khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển, là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước”.

Tuy nhiên trong tất cả các văn kiện của Đảng đã đề ra chiến lược xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, đã xác định giáo dục con người Việt Nam toàn diện trên 5 mặt theo định hướng của Đại hội XII bao gồm: Đạo đức; nhân cách; lối sống; trí tuệ; năng lực làm việc. Tuy nhiên phải đến văn kiện Đại hội XIII của Đảng vấn đề chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người mới được nhấn mạnh. Đây là một nội dung mới, thể hiện nhận thức của Đảng ngày càng sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của việc giáo dục, bồi dưỡng nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần. Trong vấn đề phát triển con người, văn kiện XIII đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục và bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, coi đây là đối tượng quyết định tương lai của đất nước.

Đồng thời, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của Đảng đặt vấn đề khắc phục những hạn chế trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời với việc giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đại hội XIII với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, lần đầu tiên đã nêu yêu cầu: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”. Phải chăng đó là tâm lý tiểu nông, là tính ỷ lại, dựa dẫm, tính đố kỵ, thiếu kỹ năng hợp tác, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật... Các mặt hạn chế của con người Việt Nam cần phải được nhận biết, được phê bình, tự phê bình nghiêm khắc, cần phải được sửa chữa, khắc phục để cho dân giàu, nước mạnh.

Có thể thấy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định những quan điểm, chủ trương rất mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực; xác định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho công tác lãnh đạo, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam... Phát huy vai trò của văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

                                          

       Họ và tên: Đặng Ngọc Bích

                                                   Khoa: Xây dựng Đảng

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lân thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.128

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lân thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.144