• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN TRONG DI CHÚC CUA HỒ CHÍ MINH
Ngày xuất bản: 27/10/2021 5:07:00 CH
Lượt đọc: 12179

            Di chúc của Hồ Chí Minh là một tác phẩm vô giá, trở thành “Bảo vật quốc gia”, được viết trong một thời gian dài, từ năm 1965 đến năm 1969. Di chúc chứa đựng một phức hợp các giá trị phổ quát, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội: Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đạo đức, quan hệ và nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia dân tộc, đạt đến chiều sâu văn hoá, nhân văn. Với những nội dung Người đề cập đều chứa đựng một tư tưởng nhân văn nổi bật. Bởi theo quan niệm của UNESCO, nếu văn hoá mang bản chất nhân bản, là một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần phản ánh trình độ người của các quan hệ xã hội thì Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng các giá trị văn hoá sâu sắc làm nên chủ nghĩa nhân văn hành động.

Thứ nhất, đấu tranh giải phóng con người, khỏi mọi áp bức bóc lột và đau khổ, để phát triển toàn điện.

Hồ Chí Minh suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Theo Người độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là điều kiện tiên quyết bảo đảm quyền con người.

 Quyền con người là một giá trị nhân loại, đồng thời gắn liền với quyền thiêng liêng của một dân tộc. Giành độc lập, tự do, đem lại ấm no, hạnh phúc, là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến cuối đời. Người khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Nước có độc lập, dân mới được hạnh phúc. Phải độc lập, thống nhất bằng mọi giá và điều đó chắc chắn phải thành hiện thực, thể hiện rất rõ trong bản Di chúc của Người về mưu cầu, ba giải phóng : giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, phát triển toàn diện con người khỏi áp bức nô lệ đó là nội dung cốt lõi trong tư tưởng nhân văn trong Di chúc Hồ Chí Minh.

Thứ hai, chăm lo lợi ích cho tất cả mọi giai cấp tầng lớp không phân biệt thành phần giai cấp

 Trong Di chúc, tư tưởng nhân văn xuyên suốt từ dòng đầu tiên cho đến dòng cuối cùng của bản Di chúc với nội hàm rất rộng và rất sâu sắc, đó là niềm tin vào bản chất tốt đẹp, sức mạnh vĩ đại của con người, của nhân dân; là sự quan tâm, chăm lo cho con người, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống, khoan thư sức dân (nhất là nông dân), việc làm, học tập, thông qua bảy loại chính sách xã hội đối với bảy loại con người cụ thể: Thương binh; liệt sỹ; gia đình thương binh, liệt sỹ; những người trẻ tuổi đã tham gia kháng chiến; phụ nữ; các nạn nhân của chế độ cũ; nông dân. Các chính sách xã hội được Hồ Chí Minh nêu ra với nhiều nội dung chi tiết, cụ thể nhằm làm cho con người có đủ các điều kiện được khẳng định, phát huy hết năng lực của mình trong công cuộc kiến thiết, bảo vệ Tổ quốc.

Đối với phụ nữ, với nông dân, với nhân dân lao động, Người đánh giá cao vai trò của họ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và căn dặn Đảng, Chính phủ phải có những chính sách cụ thể để các đối tượng này, ngày càng phát huy vai trò to lớn của họ trong công cuộc xây dựng CNXH. Với phụ nữ, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”. Với nông dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nông dân ta đã góp sức người, sức của, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Khi giành thắng lợi cần có chính sách cụ thể “Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp… để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.  Với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sỹ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng thắm đượm sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Thứ  ba, quan tâm, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng

Tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự quan tâm đến việc bồi dưỡng đạo đức và tài năng của các thế hệ thanh niên, lớp người kế tục sự  nghiệp cách mạng, làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bác yêu cầu chúng ta sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc biệt là chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Trong Di chúc Bác viết: "Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc".

Thứ tư, lòng khoan dung và tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân.

Lòng khoan dung độ lượng và tình yêu vô hạn đối với con người. Kính trọng, tin tưởng vào sức mạnh và trí sáng tạo to lớn của con người và nhân dân. Người trù tính khi hòa bình lập lại, công việc đầu tiên của Đảng, Nhà nước là phải quan tâm đến công việc đối với con người, không bỏ sót một ai. Hồ Chí Minh căn dặn Đảng, Nhà nước ta một mặt quan tâm đến những người có công với cách mạng, mặt khác, cần chú ý đến những kẻ yếu thế trong xã hội. Nên vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như cờ bạc, buôn lậu.., để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện. Tin tưởng ở những phẩm chất tốt đẹp của con người, Hồ Chí Minh khẳng định trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới này không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của Nhân dân. Người viết Di chúc trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang diễn ra gay go, quyết liệt, nhưng Người luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà.

Thứ năm, chăm lo xây dựng đoàn kết trong Đảng và đoàn kết quốc tế.

Nét độc đáo trong tư tưởng nhân văn được thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự quan của Người về Đảng và phong trào công nhân quốc tế. Theo Người, "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng". Đảng phải thật sự đoàn kết, thực hành nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, trong Đảng "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau"; mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bản Di chúc: "Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em". Biết rằng không thể tiếp tục làm vị "thiên sứ cách mạng", vì vậy trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: "Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình" chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả.

Học tập và làm theo tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Bác.

 Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta cần nhận thức sâu sắc tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Cần phải phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chăm lo đời sống cho nhân dân Nhà nước cần có các chính sách quan tâm đến đời sống nhân dân như: Hỗ trợ vay vốn, khuyến khích đầu t­ư, tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu chính đáng; làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết tốt các chế độ chính sách với người có công với cách mạng, với con em các gia đình th­ương binh, liệt sĩ để tiếp tục thực hiện tư tưởng nhân văn của Người trong Di chúc.

Thực hiện Di chúc của Ng­ười, dư­ới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta tiếp tục, xây dựng đ­ường lối đối ngoại đoàn kết, rộng mở trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, góp phần quan trọng xây dựng tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân, giữ gìn và củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời, tăng cường xây dựng và phát triển các quan hệ quốc tế trong tình hình mới, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng, đời sống của nhân dân đã được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Ánh sáng của tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi sáng con đường đi đến xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của nhân dân ta. Chúng ta nguyện suốt đời học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Người.   

Đối với mỗi cán bộ đảng viên cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đồng thời, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chấn hưng và phát triển bền vững đất nước thực hiện hóa tư tưởng nhân văn trong Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ: Trần Thị Du

Khoa Lý luận cơ sở.