• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI
Ngày xuất bản: 27/10/2021 5:06:00 CH
Lượt đọc: 13354

          Trọng dụng nhân tài là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong tấm bia tiến sĩ đầu tiên (khoa nhâm tuất 1442), ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thể hiện sự khẳng định của các bậc tiền nhân về vai trò của nhân tài: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước càng mạnh và càng lớn lao , nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp nguyên khí”. Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển, nâng lên thành tư tưởng trọng dụng nhân tài trong thời đại mới. Tư tưởng này đã được thực tiễn lịch sử chứng minh là đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ từ khi Người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà một nhà nước vừa non trẻ lại phải đương đầu với thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Bác đã kêu gọi nhân dân cả nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Nhiệm vụ đó đặt ra yêu cầu cần kíp phải có nhân tài để giúp nước, giúp dân. Bác đã viết nhiều tác phẩm đề cập đến việc trọng dụng nhân tài. Cụ thể là ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu quốc. Người chỉ rõ: “Nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được nhấn mạnh trong bài viết “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu quốc số 411 ra ngày 20-11-1946. Trong bài viết Người khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.  Hai văn bản trên đã khẳng định quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của nhân tài và tầm quan trọng của việc trọng dụng những người có tài, có đức trong sự nghiệp kiến thiết đất nước thể hiện một cách chân thành tư tưởng trọng dụng nhân tài, “Chiêu hiền đãi sỹ” vốn là bản chất cao cả của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhận thức được tầm quan trọng của nhân tài, Hồ Chí Minh cũng đặt ra vấn đề sử dụng nhân tài như thế nào cho hiệu quả là một vấn đề quan trọng đối với nhà lãnh đạo, nếu làm không tốt sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trong  tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc”, “nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”. Người phê phán: “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người”, “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng”. Người chỉ ra tác dụng to lớn của việc bố trí, sử dụng, trọng dụng đúng nhân tài, “phải biết dụng nhân như dụng mộc”, “phải biết tùy tài mà dùng người sẽ thành công”, “lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hóa thành tài to. Lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. Đó chính là nghệ thuật sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến cứu quốc.

Trong tư tưởng trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh để xây dựng một chế độ mới còn có điểm tiến bộ đó là: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy". Tiêu chuẩn đánh giá nhân tài theo Người phải căn cứ vào hiệu quả công việc, không nên vì những yêu cầu quá cứng nhắc mà bỏ phí nhân tài. Tư tưởng này đã được Người vận dụng trong thực tiễn quản lý đất nước, Người đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức xuất thân từ những địa vị xã hội khác nhau nhưng họ đều là những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam tiêu biểu là việc Hồ Chí Minh mời các nhà cựu nho ra giúp nước. Người mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, giao cho cụ giữ chức Phó Chủ tịch nước; những người trước đây làm quan cho chế độ phong kiến như Vũ Đình Hòe, sau Cách mạng tháng Tám cũng được mời ra giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục,… Đặc biệt, xuất phát từ tình đoàn kết dân tộc, Người xác định: Việt kiều là bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó chắc chắn có những nhân tài. Điểm nổi bật của những nhân tài này là có khả năng và điều kiện tiếp thu những thành tựu khoa học hiện đại. Chính vì thế, trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước, Người còn kêu gọi Việt kiều, nếu có tài, có lòng yêu nước thì hãy trở về, chung vai cùng nhân dân xây dựng đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi đó của Người, đã có rất nhiều người con xa quê trở về giúp nước, trong số đó có: Kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau được Bác đổi tên thành  Trần Đại Nghĩa) – người đã nghiên cứu và chế tạo thành công súng Bazoka, bác sĩ Trần Hữu Tước, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đức Thảo,… Những người này đã trở thành những người con ưu tú của dân tộc và đã có những đóng góp to lớn cho đất nước. Có thể nói, nhờ biết phát hiện, trọng dụng những người có tài năng, đức độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, trong một thời gian ngắn phải đối phó với vô vàn khó khăn về văn hóa - xã hội và nạn thù trong, giặc ngoài, đã xây dựng và ban hành được hệ thống thể chế, kiến tạo được bộ máy, quy tụ và tập hợp được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Đó là kết quả cụ thể minh chứng cho tài năng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng, kháng chiến kiến quốc.  Trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và TTHCM về trọng dụng nhân tài nói riêng giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Người đó là sự phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước của mỗi con người Việt Nam chúng ta tạo thành sức mạnh mà không kẻ thù, súng ống nào có thể thắng nổi.

Phát hiện nhân tài đã khó nhưng việc khó hơn là làm thế nào để đức tài của họ được phát huy cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Hồ Chí Minh cũng nêu lên việc cần phải có chế độ đãi ngộ đối với nhân tài. Người cho rằng, nên có những hình thức khen thưởng đối với những người có thành tích. Chẳng hạn, khi nghe trên báo chí, truyền thanh ai có thành công trong lĩnh vực gì, Người đều gửi thư chúc mừng, động viên. Hay đối với cụ già, em nhỏ có chiến công thì ngoài động viên về tinh thần, Người còn dành những phần quà nhỏ gửi đến họ. Đãi ngộ nhân tài trong quan niệm của Hồ Chí Minh còn là việc tạo điều kiện cho nhân tài học tập, nghiên cứu. Do đó, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Người vẫn tạo mọi điều kiện cho họ được đi học tập ở nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm thu hút sử dụng nhân tài HCM còn chú trọng đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho họ. Bởi theo Người tài đức phải song toànCũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

 Bên cạnh đó người còn có tầm nhìn chiến lược cho phát triển nhân tài đất nước đó là bồi dưỡng thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Trong Thư gửi các học sinh tháng 9/1945 (Hồ Chí Minh toàn tập (1995), tập 4, tr.32), Người viết: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu. Chính vì thế, trong Di chúc, Người nhắc nhở toàn Đảng: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi người đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đạo tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.

Trong thời đại ngày nay, thời đại mà khoa học và kỹ thuật phát triển vô cùng nhanh chóng, thì việc trọng dụng và đào tạo nhân tài không chỉ là yêu cầu trước mắt mà chính là yếu tố quyết định đến sự phát triển và rút ngắn khoảng cách lạc hậu của nước ta với thế giới. Thực hiện tư tưởng  Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài Đảng và Nhà nước ta đã ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn đối với nhân tài và đội ngũ trí thức, quan tâm tới công việc và đời sống của họ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nghị quyết Đại hội XIII đã đưa ra nhiều quan điểm mới trong thu hút và trọng dụng nhân tài một cách toàn diện, được thể hiện cụ thể từ chủ trương đến giải pháp. trong quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết được Đại hội XIII thông qua nhấn mạnh phát huy sức mạnh tổng hợp của con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, "Có cơ chế để đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài" để tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030 Nghị quyết cũng xác định: "Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài" theo Nghị quyết thì đây chính là mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”…Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài vào công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới hiện nay Đảng và Nhà nước ta đã và đang đạt được nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Cùng với sự phát triển của đất nước, hiện nay đội ngũ này đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới; để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người; đồng thời, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.  

 

Thạc sĩ: Trần Thị Du

Khoa Lý luận cơ sở.