Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung và tổ chức cơ sở đảng nói riêng là một trong những tư tưởng cơ bản, quan trọng, xuyên suốt và nhất quán trong hệ thống tư tưởng của Người, có ý nghĩa quyết định quá trình xây dựng, phát triển và thắng lợi của Đảng ta suốt hơn 95 năm qua. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác xây dựng Đảng; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức cơ sở đảng càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được nghiên cứu, quán triệt và vận dụng một cách sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng.
Là người tổ chức, sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng mácxít chân chính, đội tiền phong của giai cấp công nhân; một Đảng Cộng sản vững mạnh, có đủ khả năng lãnh đạo và đưa cách mạng đến thành công. Đây chính là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Để xây dựng Đảng vững mạnh, Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề cốt yếu là Đảng phải có hệ thống tổ chức chặt chẽ và vững mạnh từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, việc xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao là yếu tố quan trọng nhất để Đảng vững mạnh. Người chỉ rõ, tổ chức đảng ở cơ sở là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là “dây chuyền” để Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, đưa đường lối của Đảng vào nhân dân, nâng cao nhận thức chính trị, định hướng suy nghĩ và hành động của nhân dân theo đường lối, quan điểm của Đảng, làm tăng uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhân dân. Vì thế, Người khẳng định: “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh”[1], “Đảng mạnh là do chi bộ tốt”[2].
Trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, Hồ Chí Minh cho rằng, công tác xây dựng chi bộ tốt, xây dựng chi bộ mạnh là vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa quyết định. Theo Người, hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng là chi bộ, nơi trực tiếp quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; trực tiếp phát triển đảng, quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên; trực tiếp tổ chức vận động quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân... Trong bài Chi bộ ở nông thôn, đăng trên Báo Nhân dân, ngày 19/2/1957, Người viết: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt”[3]. Đặc biệt, trong bài Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt, đăng trên Báo Nhân dân, ngày 31/10/1963, Người nhấn mạnh: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”[4]. Năm 1964, Người viết bài báo So sánh, đăng trên Báo Nhân dân, số 3881, chỉ rõ: “chi bộ là người trực tiếp lãnh đạo quần chúng để thực hiện đường lối và chính sách của Đảng ta. Chi bộ tốt thì mọi việc đều tiến bộ. Chi bộ kém thì gặp nhiều khó khăn”[5]. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, chi bộ có vai trò hết sức quan trọng, là “nền tảng”, “nền móng”, là “gốc rễ”, là “hạt nhân” của Đảng và tổ chức cơ sở đảng. Chi bộ tốt, chi bộ vững mạnh thì tổ chức cơ sở đảng tốt và vững mạnh, Đảng vững mạnh. Vì thế, xây dựng tổ chức cơ sở đảng nói riêng và xây dựng Đảng nói chung phải bắt đầu trước hết từ xây dựng chi bộ.
Để xây dựng chi bộ tốt, chi bộ mạnh làm cơ sở cho việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng ở cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những yếu tố quyết định sức mạnh của chi bộ, của tổ chức cơ sở đảng là thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Bởi vì, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng là phương thức tồn tại của Đảng, bảo đảm cho Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất về ý chí và hành động. Vì thế, mọi tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, như: Nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; kỷ luật tự giác nghiêm minh và liên hệ mật thiết với nhân dân.
Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Bởi, sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng.
Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, muốn đoàn kết tốt thì phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, bởi đây là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Người nhấn mạnh: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Cho nên đảng viên và cán bộ cần phải nâng cao giác ngộ tư tưởng ngăn ngừa tự đại tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình, vui vẻ tiếp thu lời phê bình của người khác”[6]. Tuy nhiên, Người cũng nhắc nhở, để phê bình và tự phê bình hiệu quả phải trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, thẳng thắn và chân thành.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, cấp ủy tốt.
Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ, cấp ủy các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ, cấp ủy nòng cốt của Đảng ở cấp cơ sở. Theo Hồ Chí Minh “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”[7]. Vì thế, theo Người: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”[8]. Cho nên, nhiều lần Người nhấn mạnh cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định.
Từ vị trí, vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ cán bộ, cấp ủy, nhất là cán bộ cấp, cấp ủy cấp cơ sở, Hồ Chí Minh khẳng định, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng chi bộ phải lấy cán bộ làm gốc. Người chỉ rõ: Việc nước lấy Đoàn thể làm cốt cán. Việc Đoàn thể lấy cán bộ làm cốt cán, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người cũng luôn nhấn mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là “khâu then chốt” trong công tác xây dựng Đảng.
Hồ Chí Minh cũng nêu lên những tiêu chí của người cán bộ tốt để cán bộ phấn đấu, rèn luyện. Theo Người, cán bộ là “công bộc” của nhân dân; cán bộ phải có đủ cả đức và tài, phải “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong đó, đạo đức là “gốc”, là “nền tảng”, đạo đức quyết định thành công của cán bộ, giúp cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đạo đức của cán bộ là đạo đức cách mạng, thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; ở lòng trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân và với chế độ xã hội chủ nghĩa; ở trình độ giác ngộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đức của cán bộ còn được thể hiện ở sự trong sáng, trung thực, không cơ hội, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gắn bó với Nhân dân, luôn khiêm tốn, giản dị, cầu thị; luôn có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra, theo Người phẩm chất năng lực, nhất là năng lực tổ chức và lãnh đạo của người cán bộ cũng hết sức quan trọng và cần thiết để người cán bộ có đủ uy tin và năng lực quán triệt và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức giao cho. Hồ Chí Minh chính là người đã khởi xướng cuộc vận động xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” và trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, duy trì, đẩy mạnh phong trào này trong toàn Đảng cho đến phút cuối đời. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn, muốn Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có đủ năng lực lãnh đạo, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ phải “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc...”[9]. Để làm được điều đó: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,... phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[10]. Có như vậy, đội ngũ cán bộ, cấp ủy mới có đủ uy tín và năng lực là đầu tàu dẫn dắt đội ngũ đảng viên trong tổ chức đảng và chi bộ, quần chúng nhân dân ở cơ sở thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Ba là, xây dựng đội ngũ đảng viên tốt
Cùng với việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, cấp ủy các cấp, Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của tổ chức cơ sở đảng. Theo Người: đảng viên là nền tảng của tổ chức Đảng, là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành, đảng viên là người thay mặt Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì thế, Người khẳng định: Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt, Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu… Như vậy, theo Hồ Chí Minh, đội ngũ đảng viên có vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ. Vì thế, công tác xây dựng Đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng cần quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên tốt.
Để xây dựng đội ngũ đảng viên tốt, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn đảng viên tốt thì chi bộ phải thường xuyên giáo dục mỗi đồng chí. Nhiệm vụ của đảng viên là gì? Tư cách của đảng viên là thế nào? Đồng thời giúp đỡ đảng viên hằng ngày tự kiểm điểm mình. Đặc biệt, muốn xây dựng chi bộ “bốn tốt” thì phải bồi dưỡng lập trường vô sản cho đảng viên. Muốn có lập trường vô sản vững chắc, thì đảng viên phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải có lý luận cách mạng.
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ kém, “Ở những chi bộ ấy có những đảng viên không gương mẫu, nội bộ thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng. Chẳng những không làm đúng mà có nơi, có lúc còn làm trái ngược đường lối, chính sách của Đảng. Tệ hơn nữa là trong những chi bộ ấy có một số đảng viên và cán bộ, có cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh nặng”[11]. Để tránh tình trạng có đảng viên kém, chi bộ kém, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thường xuyên chỉnh đốn chi bộ, phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức cơ sở đảng là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng của Người về xây dựng Đảng, là cơ sở nền tảng cho mọi thắng lợi của công tác xây dựng Đảng ngay từ khi Đảng mới ra đời cho đến nay. Những chỉ dẫn vô cùng quan trọng của Người về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong tình hình hiện nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra. Đặc biệt, những chỉ dẫn đó của Người còn là cơ sở khoa học quan trọng cho việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
ThS. Hà Minh Hoàn
Trưởng khoa Xây dựng Đảng
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.13, tr.29
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.15, tr.113
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, t.10, tr.504
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, t.14, tr.193
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, t.14, tr.416
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.9, tr.521
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.5, tr.309
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.5, tr.68
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.15, tr.611
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.15, tr.611
Tin khác