• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÌM HIỂU VỀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP)
Ngày xuất bản: 01/03/2024 10:28:00 SA
Lượt đọc: 585

 

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nước ta. Trong những năm gần đây, nhằm phát huy dư địa, tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm ngành nghề nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, truyền thống địa phương, ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (tên tiếng Anh là: One commune one product, gọi tắt là chương trình OCOP). Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa ...) và gia tăng giá trị để đẩy mạnh phát triển sản xuất, liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Quá trình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố tác động. Trong bài viết, tác giả xin phép tổng hợp thành hai nhóm nhân tố: các nhân tố bên ngoài và các nhân tố bên trong ảnh hướng đến thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Thứ nhất, các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Một là, đặc điểm về địa hình, vị trí địa lý.

Điều kiện về đặc điểm địa hình của địa bàn nghiên cứu là nhân tố bên ngoài và có vai trò ảnh hưởng đến việc triển khai dự án. Nếu địa hình thuận lợi thì việc phát triển kinh tế - xã hội cũng gặp nhiều yếu tố thuận lợi. Từ đó các doanh nghiệp cũng như người sản xuất tiếp cận được với các phương thức tổ chức sản xuất tiên tiến, trình độ khoa học công nghệ hiện đại ... đồng thời, địa hình thuận lợi cũng giúp sản phẩm đến gần nơi tiêu thụ hơn.

Hai là, đặc điểm kinh tế - xã hội trên địa bàn

Trong quá trình phát triển kinh tế của từng vùng, khi triển khai một dự án nào đó cần chú trọng đến việc đánh giá đúng, đầy đủ về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đó, từ đó lập kế hoạch triển khai dự án từ vốn, nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật ... Do vậy đây chính là yếu tố bên ngoài tác động trực tiếp đến việc thực hiện chương trình OCOP.

Ba là, các chính sách của Nhà nước, các thủ tục hành chính tại địa phương.

Những văn bản chính sách nhà nước và các thủ tục hành chính tại địa phương có tác động trực tiếp tới quyền lợi của người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn, văn bản chính sách càng quy định rõ ràng, thủ tục hành chính càng nhanh gọn thì việc triển khai đề án tới các hộ nông dân, doanh nghiệp càng thuận lợi và dễ dàng hơn.

Thứ hai, các nhân tố bên trong ảnh hưởng đến thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Một là, cách thức triển khai.

Bất kỳ đề án, chương trình hay dự án nào khi thực hiện đều cần xác định rõ quá trình cách thức triển khai chương trình hay dự án đó. Từ việc lập kế hoạch cho đến lúc triển khai phải đánh giá phân tích sao cho phù hợp với mục tiêu của chương trình, đề án, phù hợp với từng địa phương qua đó tìm ra cách thức triển khai sao cho phù hợp nhất để chương trình, đề án có thể đạt hiệu quả cao nhất.

Hai là, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thực hiện đề án.

Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu đối với người làm công tác thực hiện triển khai các chương trình dự án của nhà nước với mục tiêu lâu dài phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao nắm bắt tốt nhu cầu của người dân, kỹ năng giao tiếp tốt, biết ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác là những yêu cầu cần thiết. Đây cũng là nhân tố quan trọng đến chất lượng của chương trình, đề án.

Ba là, trình độ nhận thức của chủ thể thực hiện.

Trình độ nhận thức là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc triển khai đề án. Người lao động cùng các doanh nghiệp cần có trình độ nhận thức nhất định về chính sách, thủ tục hành chính, biết áp dụng khoa học kỹ thuật thực tế tiếp nhận những tiến bộ của khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phối hợp cùng với lực lượng cán bộ chuyên môn để đạt hiệu quả tối đa cho chương trình, đề án.

Bốn là, nguồn lực tài chính.

Một yếu tố khác phải kể đến là điều kiện vật chất, tài chính vì nó góp phần hỗ trợ cho hoạt động được tốt hơn. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động triển khai các chương trình, đề án không tốt không thuận lợi thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc. Với nguồn lực về tài chính hạn hẹp thì khi triển khai đề án sẽ gặp khó khăn trong việc nghiên cứu các sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, giúp doanh nghiệp cùng các hộ sản xuất sản phẩm tiếp cận và chuyển giao các kỹ thuật sản xuất để phát triển và tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Ngoài ra với nguồn tài chính giúp xây dựng các chương trình, hội thảo, tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm, địa điểm trưng bày mô hình sản phẩm để duy trì và phát triển tốt chương trình qua đó xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh nhà.

Năm là, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản phẩm.

 Hiện nay phương thức chuyển giao khoa học công nghệ đến doanh nghiệp và hộ sản xuất được áp dụng phổ biến là tổ chức điều tra mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh để nhân rộng những mô hình này. Đồng thời, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ để phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo. Đây cũng chính là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu đến thực tiễn sản xuất. Qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất cả về chất lượng lẫn số lượng, dần dần thay đổi cách sản xuất thủ công, thiếu chuyên nghiệp của người lao động.

Sáu là, số lượng và chất lượng sản phẩm.

Trong hoạt động kinh tế, số lượng và chất lượng sản phẩm được coi là xuất phát điểm của mọi quá trình sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, bảo đảm duy trì số lượng các sản phẩm OCOP ổn định, thường xuyên và đáp ứng được số lượng lớn giúp đơn vị sản xuất chủ động khi thị trường bán lẻ trong nước và thị trường xuất khẩu yêu cầu. Bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP giúp cho đơn vị sản xuất có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ và chinh phục được khách hàng, tạo ra uy tín, danh tiếng cho đơn vị sản xuất, đó là tài sản vô hình thu hút khách hàng, tăng doanh thu, phát triển và mở rộng sản xuất. Hơn nữa, đối với xã hội thì việc tạo ra sản phẩm OCOP có chất lượng cao đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng giá trị sử dụng và lợi ích của xã hội trên một đơn vị chi phí đầu vào, giảm lượng nguyên vật liệu sử dụng, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Cho nên, nghiên cứu phát triển sản phẩm OCOP cần được chuẩn hóa quy trình để đảm bảo chất lượng tốt, ổn định khi nhân rộng sản xuất với số lượng lớn.

Việc thực hiện thành công chương trình OCOP có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nướcChính vì vậy, cần xác định đúng vị trí, vai trò của các nhân tố nêu trên trong quá trình triển khai Chương trình OCOP. Từ đó, khai thác và phát huy hiệu quả các nhân tố đó để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Lương Thị Hải Yến

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở