• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÁC PHẨM “DÂN VẬN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH,GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 12/10/2021 10:45:00 SA
Lượt đọc: 13832

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đến công tác dân vận. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Người đã khẳng định công tác dân vận là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận được hình thành từ tình thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đó là hệ thống những quan điểm, phương thức dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người. Những tư tưởng ấy của Hồ Chí Minh được phát triển một cách hoàn chỉnh trong tác phẩm Dân vận đăng trên Báo Sự Thật số ra ngày 15-10-1949. Tuy tác phẩm Dân vận chỉ có 573 từ, nhưng hàm chứa nhiều nội dung công việc thiết thực và cấp bách với những chỉ dẫn quý báu về cách thức tiến hành công tác dân vận; không những chỉ ra quan niệm về dân vận, mà còn nêu lên những quan điểm chỉ đạo công tác dân vận, phương thức dân vận và lực lượng làm dân vận rất cụ thể, dễ hiểu, dễ làm. Bài báo là sự kết tinh được thể hiện một cách toàn diện, hoàn chỉnh, cô đọng, khúc chiết, dễ hiểu, dễ nhớ tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề căn cốt nhất trong công tác dân vận của Đảng, như mối quan hệ giữa dân chủ và dân vận; quan điểm, nguyên tắc tiến hành công tác dân vận; trách nhiệm vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị; phương pháp vận động quần chúng và những phẩm chất cần có đối với cán bộ dân vận.

Những nội dung cơ bản trong tác phẩm “dân vận” của Bác:

Tác phẩm được  chia thành 4 phần: I- Nước ta là nước dân chủ. II - Dân vận là gì? III- Ai phụ trách dân vận? IV - Dân vận phải thế nào? với những nội dung cơ bản như sau:

- Tư tưởng “lấy dân làm gốc”

Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh được kế thừa từ truyền thống của cha ông, nhất là về vai trò, sức mạnh của Nhân dân, như các bậc tiền nhân đã dạy. Kế thừa tư tưởng “trọng dân”, “thân dân” theo truyền thống của dân tộc, đồng thời Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, nên Người đặc biệt đánh giá cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”; “Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân"; “Dân là gốc của nước”; “Dân là quý nhất, là quan trọng nhất”. Trong tác phẩm "Dân vận", Người khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”… và “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh “Lấy dân làm gốc”, để Nhân dân hăng hái tham gia, ủng hộ sự nghiệp cách mạng thì phải phát huy dân chủ, tức là để “dân làm chủ” và “làm lợi cho dân”. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ". Người nhấn mạnh: “Nếu không có Nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta... Kinh nghiệm trong nước và các nước đã cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Gốc rễ của tư tưởng “lấy dân làm gốc” còn là vấn đề quan hệ máu thịt, gắn bó giữa Đảng với dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Đó là bài học xương máu của các đảng chính trị nói chung, nếu phạm vào sai lầm vừa xa dân, vừa che giấu khuyết điểm. Vì vậy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đánh giá kết quả công tác, thực hiện phê bình và tự phê bình, kịp thời nhận ra khuyết điểm để sửa chữa sai lầm.

Để phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, trong tác phẩm "Dân vận", Người khẳng định: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh v.v..) đều phải phụ trách dân vận”.

- “Dân vận khéo” là phải biết phát huy dân chủ

Hồ Chí Minh khẳng định, phát huy dân chủ không có nghĩa là: “Không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân... Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ Nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”. Theo Người, trong quan hệ với Nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác dân vận phải sâu sát, tìm hiểu kỹ càng: “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân”. Để có thể: “Nói dân tin, ở dân quý, làm dân theo”, người cán bộ dân vận phải khiêm tốn học hỏi Nhân dân, thành thực lắng nghe sự góp ý, phê bình của Nhân dân.

Trong tác phẩm "Dân vận", để trả lời câu hỏi “Dân vận là gì?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ rõ: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Với Hồ Chí Minh, không bao giờ Người coi mình đứng cao hơn Nhân dân mà chỉ tâm niệm suốt đời là người phục vụ trung thành và tận tụy của Nhân dân, “Như một người lính vâng mệnh quốc dân ra trước trận”. Đối với Nhân dân, từ các vị nhân sĩ trí thức đến bà con lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mẫu mực, là tượng đài tỏa ra ánh sáng của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế luôn thấy ở Người sự gần gũi, ấm áp tình thương và sự bao dung, nếp sống giản dị và đức tính khiêm nhường, một sự giản dị thật vĩ đại, bởi vì Người đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho Nhân dân; đặc biệt là lời căn dặn của Người với cán bộ, đảng viên trong bản Di chúc thiêng liêng: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân".

- Cán bộ dân vận phải nêu gương từ lời nói, đến hành động

Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phải luôn thấu triệt tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh: “Đảng cầm quyền, nhưng Nhân dân là chủ, quyền là do Nhân dân ủy nhiệm, nên phải dốc lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”.

Thực hiện phương pháp nêu gương trong công tác dân vận, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, không gì thuyết phục hơn là bằng hành động thực tiễn, bằng việc làm cụ thể. Người nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". Người là tấm gương mẫu mực trong việc khởi xướng, gương mẫu thực hiện phong trào “Hũ gạo cứu đói” (năm 1945). Người đề xuất và tự mình mỗi tuần nhịn ăn một bữa, góp phần gạo vào hũ gạo cứu đói, được Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, trở thành phong trào rộng lớn trong cả nước. Nêu gương bằng hành động để thuyết phục Nhân dân nghĩa là người cán bộ phải đi đầu, xông pha vào những nơi ác liệt nhất, gánh vác những công việc khó khăn nhất; giải quyết mọi công việc, từ vận động, tập hợp lực lượng, đến chỉ đạo triển khai thực thi nhiệm vụ. Nêu gương bằng hành động là “Nói đi đôi với làm”, cán bộ cấp trên gương mẫu, trách nhiệm cao trước cấp dưới và quần chúng; kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng; kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám hành động, hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đàng, làm một nẻo”, thậm chí thụ động, ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm.

Hồ Chí Minh khẳng định, dùng phương pháp “nêu gương” để vận động Nhân dân đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng phải nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình. Người quán triệt: "Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân". Theo Người, để thực hành nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn coi trọng rèn luyện tác phong lãnh đạo, tác phong công tác; sâu sát thực tiễn, gần gũi Nhân dân, thực hành dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn. Người cán bộ dân vận phải có tác phong:...“Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc” như Người chỉ rõ trong tác phẩm "Dân vận".

Vận dụng những tư tưởng lớn trong tác phẩm vào công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn hiện nay:

Nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, những năm qua Đảng ta luôn quan tâm, ra nhiều nghị quyết cụ thể hóa đường lối, chủ trương đối với công tác dân vận, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tiến hành, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận.

Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”; phải đặc biệt chăm lo củng cố mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân. Nghị quyết 08B của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”. Đây là sự tổng kết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về công tác vận động quần chúng của Đảng.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ công tác vận động quần chúng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành các nghị quyết về: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “về Công tác dân tộc”; về “Công tác tôn giáo”. Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã cụ thể hoá một bước quan điểm, tư tưởng Đại hội IX của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với nội dung và chất lượng mới, chỉ đạo công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định quan điểm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức Đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu”.

Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 về việc ban hành "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" một lần nữa khẳng định: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng  bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” xác định mục tiêu: Củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân”. Cụ thể hóa Nghị quyết XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận và liên quan đến công tác dân vận, điển hình là: Ban Bí thư ban hành Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm "dân là gốc", là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được củng cố, tăng cường”.

Những kết quả đạt được trong công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào những thành tựu của 35 năm đổi mới đất nước.

Những giải pháp phát huy giá trị lý luận, thực tiễn và ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tới:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ về tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động, của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.Từ đó,  bảo đảm công tác vận động các tầng lớp nhân dân ngày càng đi vào thực chất bằng những hành động thiết thực hiệu quả, tranh qua loa, đại khái, bệnh hình thức, từ đó, lấy sự hài lòng và niềm tin của Nhân dân và là thước đo kết quả công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm trọng tâm của công tác dân vận. Tiếp tục thể chế hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát,dân thụ hưởng” theo đúng tinh thần của Đại hội XIII. Coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính; lấy sự hài lòng của Nhân dân là mục tiêu hoạt động.

Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sát với thực tiễn, có tính thuyết phục cao, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện có hiệu quả, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động tương tác với người dân; ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp Nhân dân một cách phù hợp. Thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong Nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động Nhân dân nhận thức đúng, phối hợp để phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Bốn là, phát huy vai trò, tích cực trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn; hoàn thiện cơ chế để nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, dân vận, đoàn thể; kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.

Sáu là, Người làm công tác dân vận phải gắn bó với dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước và xã hội, tham gia vào quá trình hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận chỉ có thể đóng vai trò chủ động khi những người làm công tác dân vận đối thoại trực tiếp với Nhân dân, có hiểu biết sâu sắc thực tiễn, nắm được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Bác viết: "Muốn thực sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết được sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào". Cần phải dân vận trong hành động, trong cuộc sống, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, đức tính giản dị, hành động gương mẫu, là tấm gương sống của cán bộ, đảng viên.

Có thể nói, 72 năm (1949 - 2021), tác phẩm "Dân vận" vẫn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác vận động quần chúng của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên; đồng thời giải đáp những vấn đề có tính chất căn bản, cấp thiết của công tác dân vận trước yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và của cách mạng. Nghĩ về Bác, để thực hiện cho được di nguyện cuối cùng của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” thì chỉ có một con đường duy nhất là phải giữ vững được niềm tin và dựa vào Nhân dân.

                                                                                                                       Dương Thị Thúy Tài

 Khoa Nhà nước và pháp luật