Ngày 27/10/2023 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (sau đây gọi là Quy định 132-QĐ/TW). Quy định 132 gồm 4 chương, 14 điều, trong đó không chỉ nêu rõ nội dung, nguyên tắc, phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án, mà còn chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
1. Sự cần thiết ban hành Quy định 132-QĐ/TW
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” hiện nay, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả sẽ tạo kẽ hở cho những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nhận thức được điều đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta rất chủ trọng đến việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung, quyền lực nhà nước nói riêng nhằm giải quyết triệt để vấn đề tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới. Nhiều văn bản quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước được ban hành như: Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ… gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW khóa XI, Chỉ thị số 05-CT/TW khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Các văn bản này đã tạo cơ sở chính trị rất quan trọng để từng bước kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị.
Thực tế, những kết quả đạt được trong đấu tranh chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực Nhà nước đã khẳng định công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn; chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thực thi bảo vệ pháp chế và quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, vẫn còn hiện tượng cá nhân vi phạm trong hoạt động thực thi công vụ; can thiệp, làm cản trở hoặc tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; thậm chí nhận lợi ích bằng vật chất và phi vật chất để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác. Nhận định về vấn đề này, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới đánh giá: “Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện”.
Do vậy, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng và chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, tố tụng, thi hành án là hết sức cần thiết để cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả thiết thực. Sự ra đời của Quy định 132-QĐ/TW là một bước tiến mới về kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Những điểm mới của Quy định 132-QĐ/TW
Về nhận thức: Quy định 132-QĐ/TW nêu rõ: kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án là việc sử dụng các cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nguyên tắc, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Về nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Quy định 132-QĐ/TW đã đề ra 6 nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án đó là: (1) bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. (2) Bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn. (3) Bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật, quy định, quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. (4) Bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. (5) Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. (6) Tuân thủ các chủ trương, quy định của Đảng và các quy định của pháp luật có liên quan.
Về nội dung kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
Theo Quy định 132-QĐ/TW nội dung kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án gồm: Một là: kiểm soát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. Hai là: kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Về phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án
Quy định 132-QĐ/TW đưa ra 5 phương thức đó là: (1) lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. (2) Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, trách nhiệm nêu gương, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và các biện pháp khác kiểm soát quyền lực, phòng ngừa vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; công tác giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; công tác tự kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. (3) Lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan này. (4) Kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kiểm sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. (5) Lãnh đạo, chỉ đạo về chủ trương xử lý các vụ án, vụ việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xem xét lại các quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Về nhận diện những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Quy định 132-QĐ/TW đã nêu rõ 28 hành vi hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Đây là cơ sở quan trọng trong việc xác định các hành vi vi phạm. Quy định 132-QĐ/TW cũng cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền gồm: trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án; trách nhiệm của thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. Đồng thời, chỉ rõ mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
Về xử lý vi phạm:
Quy định 132-QĐ/TW quy định rõ về xử lý vi phạm đối với 2 nhóm hành vi: Một là: xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực; Hai là, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó việc xử hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, Quy định 132-QĐ/TW đã nêu rõ từng trường hợp. Cụ thể như sau: Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp.
Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; thu hồi, không bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các chức danh, chức vụ trong các cơ quan, tổ chức có hoạt động khác có liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án.
Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ.
Quy định 132-QĐ/TW cho thấy sự quyết tâm, sự sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực Nhà nước nói chung, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nói riêng. Kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hướng tới xây dựng các cơ quan hoạt động tố tụng trong sạch, minh bạch, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Ths. Nguyễn Thị Mai
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
Tin khác