• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUAN ĐIỂM CỦA C.MÁC VÀ PH.ĂNGGHEN VỀ THỜI KỲ QUÁ ĐỘ - GIÁ TRỊ THỰC TIỄN ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 15/06/2021 9:43:00 SA
Lượt đọc: 21133

 

Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về thời kỳ quá độ là bộ phận quan trọng của chủ nghĩa Mác. Di sản ấy không những đang rọi sáng con đường đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mà còn đang rọi sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta vững bước trên con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sau khi Liên Xô và  Đông Âu sụp đổ, rất nhiều người đã hoài nghi tính đúng đắn của Học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; họ coi đây là sự cáo chung của toàn bộ lý luận mác xít về chủ nghĩa xã hội nói chung, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa nói riêng. Do vậy, việc nghiên cứu, bảo vệ, phát triển và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa trở thành nhu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.

Trong điều kiện lịch sử của mình, C.Mác và Ph.Ăng ghen cũng đã vạch ra những nét rất cơ bản lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội:

Thứ nhất, quan niệm về thời kỳ quá độ. Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta, C.Mác đã nêu lên định nghĩa kinh điển về thời kỳ quá độ: “giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản[1]. Luận điểm này đã thể hiện một cách cô đọng và sâu sắc nhất quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về thời kỳ quá độ. Các ông đã chỉ rõ: xã hội của thời kỳ quá độ là xã hội vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng. Đó là xã hội chưa phát triển trên những cơ sở của chính nó; thời kỳ quá độ là thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia; công cụ để thực hiện sự cải biến đó là nhà nước. Nhà nước của thời kỳ quá độ không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản; thời kỳ quá độ, do đó, là thời kỳ sinh đẻ lâu dài và đau đớn và gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, liên tục và biến đổi không ngừng.

Thứ hai, về đặc điểm của thời kỳ quá độ. C.Mác cho rằng, thời kỳ quá độ là thời kỳ nằm “giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa”. Do vậy, đặc điểm bao trùm của thời kỳ quá độ chính là xã hội quá độ bao gồm trong đó sự hiện diện những dấu vết, những bộ phận của xã hội cũ tư bản chủ nghĩa ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời, là sự xuất hiện và hình thành những nhân tố của xã hội mới cộng sản chủ nghĩa. C.Mác và Ph.Ăngghen luôn có quan điểm nhất quán trong việc phân tích những đặc điểm kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, nhất là những đặc điểm kinh tế được biểu hiện rõ nét nhất trong các quan hệ kinh tế. Đó là những quan hệ về sở hữu, về phân phối sản phẩm lao động.

Thứ ba, nội dung và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ. Nội dung và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ đã được C.Mác chỉ rõ, là cải biến xã hội tư bản chủ nghĩa từng bước, trên cơ sở đó hình thành xã hội cộng sản chủ nghĩa. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản phải dùng chế độ dân chủ của mình làm phương tiện để cải biến kinh tế, xã hội. Trước hết là sử dụng các biện pháp kinh tế, xã hội để thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất và hình thành quan hệ sản xuất mới cộng sản chủ nghĩa, củng cố vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản.

Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về thời kỳ quá độ từ khi ra đời cho đến nay, mặc dù thực tiễn có nhiều thay đổi so với thời điểm đó, nhưng tư tưởng của các ông vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là nền tảng tư tưởng và hành động cho các Đảng Cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đối với cách mạng Việt Nam những nội dung tư tưởng cơ bản về lý luận phân kỳ hình thái kinh tế - xã hội và tư tưởng về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Là cơ sở khoa học để khẳng định việc Đảng ta, Nhân dân ta lựa chọn con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn. Đảng ta xác định quá trình quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một cuộc cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng đồng thời cũng thấy rõ tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp của nó, giúp chúng ta tin tưởng vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lịch sử Việt Nam. Đồng thời chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm tư tưởng cơ hội, phản động nhằm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá ta quyết liệt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Do đó, muốn đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, lý luận chúng ta vừa phải nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phải nghiên cứu hiểu đúng, hiểu sâu những quan điểm, tư tưởng, học thuyết cơ hội sai trái đối lập. Bên cạnh đó phải học tập tinh thần phê phán và phương pháp phê phán của các nhà kinh điển, trong đó những luận điểm về thời kỳ quá độ là một mẫu mực.

Th.s Tạ Thị Hảo - Khoa Xây dựng Đảng