• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TRONG GIẢNG DẠY MÔN “NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN Ở CƠ SỞ"
Ngày xuất bản: 08/11/2022 10:32:00 SA
Lượt đọc: 8188

 

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đại hội đã thảo luận và thông qua các Văn kiện có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do vậy, việc vận dụng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy ở trường chính trị vừa là yêu cầu thiết thực của công tác đào tạo, bồi dưỡng vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Nhà trường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng đó mỗi cán bộ, giảng viên phải tự giác học tập, nghiên cứu; chủ động tiếp cận để nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm. Để từ đó, việc vận dụng những nội dung của Văn kiện mới thực sự thuyết phục, sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương đơn vị trong từng bài giảng, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên, học viên. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, uốn nắn những lệch lạc, đấu tranh làm thất bại luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Thực tế giảng dạy ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong những năm qua cho thấy, để bài giảng có tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao, mỗi giảng viên ngoài yêu cầu phải có kiến thức lý luận và thực tiễn còn phải có phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Trên cơ sở những kiến thức đã được nghiên cứu trên lớp, học viên sẽ vận dụng những kiến thức đó để  giải quyết tốt những vấn đề từ trong thực tiễn, dùng lý luận để giải quyết thực tiễn. Đây cũng là đòi hỏi cấp thiết để mỗi giảng viên phải thường xuyên rèn luyện nâng cao kiến thức thực tiễn để vận dụng vào bài giảng một cách thuyết phục.

     Môn học “Mặt trận Tổ quốc và Tổ chức Chính trị xã hội” gồm 06 chuyên đề; cung cấp cho học viên những nội dung cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và nghiệp vụ cụ thể trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Do đặc thù của môn học là định hướng tư tưởng cho cán bộ đoàn thể, vì vậy yêu cầu đặt ra cho giảng viên khi lên lớp bên cạnh những vấn đề lý luận chung, phải nâng cao tính thực tiễn trong từng bài giảng gắn với hoạt động của các tổ chức của tỉnh và từng địa phương.

Muốn bài giảng đạt hiệu quả và có được định hướng tốt cho học viên giúp họ  nhận thức và hành động đúng đắn, mỗi giảng viên khi lên lớp cần vận dụng những nội dung từ Nghị Quyết đại hội Đảng mới nhất, liên quan đến nội dung giảng dạy, đặc biệt cần lưu ý một số vấn đề sau:

 Thứ nhất: Cần nhận thức rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị. Lý luận gắn liền với thực tế là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, nguyên tắc của công tác lý luận nói chung. Bài giảng có tính thực tiễn sẽ làm cho các lý luận khó hiểu, phức tạp thành những vấn đề gần gũi, giản dị, dễ tiếp thu. Giảng viên sẽ  chủ động trang bị vốn kiến thức thực tiễn cho bản thân bằng nhiều cách thức khác nhau: Đi thực tế cơ sở (xã, phường, thị trấn…), gặp gỡ trao đổi với cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh; đến với các tổ chức công đoàn cơ sở gặp gỡ cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân; thăm quan các mô hình lao động sản xuất để có thực tiễn trực tiếp sinh động theo các chương trình đi thực tế.

Thứ hai: Giảng viên cần lựa chọn kiến thức thực tiễn phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng học viên. Ví dụ, cùng một chuyên đề của bài "Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay" nhưng giảng dạy các lớp TCLLCT hệ không tập trung không thể đồng nhất với các lớp TCLLCT hệ tập trung tại trường chủ yếu là cán bộ đoàn thể ở cơ sở, đối với đối tượng học viên tại các ban ngành của tỉnh giảng viên nên hướng nội dung công tác tuyên truyền giáo dục của Đoàn, xây dựng hình mẫu thanh niên thời đại mới có “Tâm trong – Trí sáng – Hoài bão lớn” từ đó, tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên có cơ hội thể hiện và phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo và khả năng hội nhập với quốc tế. Đối với lớp A cán bộ đoàn thể tại cơ sở, giảng viên sẽ tập trung vào các vấn đề: tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ thanh niên nghèo, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hỗ trợ thanh niên học nghề…Nắm bắt được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng. Đồng thời phải đảm bảo tính khoa học khi đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng, yếu tố thực tiễn phải có tính điển hình, tính thời sự, tính chính xác. Giảng viên thiết kế bài giảng trên Powerpoint, lựa chọn các từ khóa ngắn gọn, hình ảnh, phim ngắn, sơ đồ phù hợp… tạo ra sự sinh động trong tiết giảng và gây hứng thú cho học viên, để học viên dễ nhớ, dễ hệ thống được bài học.

 Thứ ba: Giảng viên cần phải linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực cũng như các phương tiện dạy học hiện đại, trực quan, sinh động kết hợp với các đồ dùng học tập. Bên cạnh phương pháp truyền thống là thuyết trình, trong quá trình giảng môn học này trên lớp, giảng viên có thể sử dụng các phương tích cực như phương pháp phỏng vấn nhanh, hỏi đáp, thảo luận nhóm và đặc biệt là phương pháp tình huống, giảng viên cần chuẩn bị các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn. Các phương tiện đó nhằm bổ sung và làm phong phú thêm những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên, làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Đồng thời để kỹ năng sư phạm của mình ngày càng hoàn thiện hơn, người giảng viên cũng cần tham gia thường xuyên các buổi dự giờ của các giảng viên khác trong trường, các giáo viên trường mời thỉnh giảng để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm…

Như vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị nói chung và môn học “Mặt trận Tổ quốc và Tổ chức Chính trị xã hội” nói riêng, người giảng viên phải vững kiến thức về chuyên môn, nắm chắc những nội dung của Đại hội XIII của đảng về những vấn đề liên quan tới vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có lập trường chính trị vững vàng, có tâm huyết với nghề, có kỹ năng sư phạm, … đồng thời người giảng viên phải thật sự là tấm gương mẫu mực và có tinh thần trách nhiệm cao.

Họ và tên: Đặng Ngọc Bích

                                            Khoa: Xây dựng Đảng