• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 03/10/2023 2:06:00 CH
Lượt đọc: 4105

 

Chi bộ là tế bào của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với nhân dân, là nơi trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục, kết nạp, quản lý, phân công, kiểm tra công tác và sàng lọc đảng viên. Các hoạt động của tổ chức cơ sở đảng chủ yếu diễn ra ở chi bộ, chất lượng của tổ chức cơ sở đảng phụ thuộc vào hoạt động của chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”.

Sinh hoạt chi bộ có vai trò rất quan trọng, đảm bảo cho chi bộ và mỗi đảng viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Chi bộ trong sạch vững mạnh là chi bộ duy trì tốt việc sinh hoạt đúng định kỳ, nội dung sinh hoạt phong phú và có hình thức sinh hoạt đa đạng. Nếu mỗi cán bộ đảng viên nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ thì sự lãnh đạo của Đảng sẽ được thể hiện rõ nét. Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố rất quan trọng, quyết định kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 và Kết luận số 18-KL/TW ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Quy định số 10-QĐi/TU ngày 22/6/2018 về trách nhiệm của đảng viên trong việc chấp hành chế độ sinh hoạt đảng và thực hiện nhiệm vụ được chi bộ phân công, trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Quy định số 11-QĐi/TU ngày 22/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái về quy định tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có nội dung “Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” 

Từ thực tiễn sinh hoạt, chi bộ Khoa Xây dựng Đảng nhận thấy việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính giáo dục và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

1. Khái quát về chi bộ khoa Xây dựng Đảng

Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng là chi bộ trực thuộc Đảng ủy Trường, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ, chi bộ có chức năng lãnh đạo toàn diện công tác chính trị tư tưởng, lãnh đạo khoa thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo công tác xây dựng đảng và công tác đoàn thể.

Đến tháng 9/2023, Chi bộ có tổng số 9 đảng viên, 9/9 đảng viên đều là đảng viên chính thức, trong đó có 03 đảng viên là nam và 6 đảng viên là nữ. Chi ủy gồm có 02 đồng chí.

2. Thực trạng sinh hoạt chi bộ của khoa Xây dựng Đảng

Việc sinh hoạt chi bộ của chi bộ Khoa Xây dựng Đảng trong thời gian qua đã đi vào nền nếp, chất lượng sinh hoạt được nâng lên:

- Chi bộ thường xuyên duy trì sinh hoạt đều đặn, đúng quy định của Điều lệ Đảng, theo Hướng dẫn số 12-HD/BCHTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” Quy định số 10-QĐi/TU ngày 22/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái về trách nhiệm của đảng viên trong việc chấp hành chế độ sinh hoạt đảng và thực hiện nhiệm vụ được chi bộ phân công, trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Quy định số 11-QĐi/TU ngày 22/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái về quy định tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở; luôn nắm vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao đấu tranh tự phê bình và phê bình, thẳng thắn, chân tình đóng góp ý kiến cho đồng chí, đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, đoàn kết học tập, giúp đỡ lẫn nhau.

- Công tác chuẩn bị được chi ủy chủ động thực hiện tốt: Chọn nội dung sinh hoạt chi bộ đúng đắn, thiết thực. Chi bộ thường sinh hoạt vào ngày thứ 5 của tuần thứ hai hàng tháng và đồng thời trên ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử. Cấp uỷ Chi bộ đã hướng dẫn đầy đủ, nội dung, cách thức truy cập, sử dụng thành thạo các tính năng của phần mềm Sổ tay Đảng viên điện tử cho toàn thể đảng viên trong Chi bộ.

Chi ủy và trước hết là Bí thư chi bộ chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt chi bộ: xây dựng dự thảo Nghị quyết, trong đó, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của chi bộ trong tháng, dự kiến nhiệm vụ của tháng tiếp theo; xác định những nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận. Trước khi sinh hoạt chi bộ đồng chí Bí thư Chi bộ sẽ gửi toàn bộ thông tin nội dung sinh hoạt chi bộ qua phần mềm sổ tay đảng viên điện tử để tất cả các đảng viên cùng nghiên cứu, trao đổi, đóng góp ý kiến trước và trong khi diễn ra cuộc họp.

Chi bộ, chi ủy thông báo trước nội dung, thời gian cho đảng viên biết để chủ động bố trí thời gian dự sinh hoạt và chuẩn bị ý kiến phát biểu. Việc xây dựng nghị quyết chi bộ hàng tháng đều bám sát kế hoạch chỉ đạo của Đảng ủy và bám sát đặc điểm tình hình đơn vị, chi bộ.

- Việc triển khai các nội dung sinh hoạt chi bộ được thực hiện theo đúng trình tự, nội dung quy định.

+ Chi bộ thực hiện tốt công tác quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của cấp trên: Chi bộ đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Đảng bộ cấp trên....

+ Trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: Thông qua sinh hoạt chi bộ, Chi ủy chi bộ luôn quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từng đảng viên chủ động và mạnh dạn tự phê bình, chỉ rõ những hạn chế tồn tại và tập thể nêu cao tính phê bình xây dựng nội bộ đoàn kết thống nhất. Khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm, nói và làm trái đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, không rơi vào chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cục bộ...

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của chi bộ. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đảng viên có tư tưởng kiên định lập trường cách mạng, giữ vững phẩm chất, đạo đức; không ngừng nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng; tự giác thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; có biện pháp nắm bắt tình hình tư tưởng và kịp thời động viên, chấn chỉnh, uốn nắn để ổn định tình tình tư tưởng trong chi bộ.

Quá trình sinh hoạt tại chi bộ khoa Xây dựng Đảng luôn đảm bảo thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Hằng quý, Chi bộ đã tổ chức được sinh hoạt chuyên đề. Nội dung sinh hoạt tập trung vào các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế..; nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng đối với cán bộ, đảng viên ở Chi bộ khoa Xây dựng Đảng, Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới của đội ngũ giảng viên khoa Xây dựng Đảng… đã từng bước đem lại chất lượng và hiệu quả của buổi sinh hoạt. Đến nay, việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề đã trở thành nền nếp, nội dung và cách thức tổ chức buổi sinh hoạt được thực hiện một cách bài bản có khoa học, phù hợp với chuyên môn.

- Chi bộ luôn coi công tác kiểm tra, giám sát là một nhiệm vụ thường xuyên, có tác dụng giúp chi bộ luôn nắm chắc tình hình hoạt động, diễn biến tư tưởng của đảng viên để kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, uốn nắn kịp thời. Chi bộ chấp hành nghiêm túc chương trình kiểm tra của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy trường và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ. Ngay từ đầu năm, chi bộ đã xây dựng và ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát của chi bộ. Theo đó, thực hiện kiểm tra đối với 02 đảng viên.

Đến nay, chi bộ đã duy trì nền nếp sinh hoạt đều đặn, thời gian hợp lý. Cuối buổi sinh hoạt chi bộ, đảng viên của chi bộ đã thực hiện biểu quyết dự thảo Nghị quyết hội nghị sinh hoạt chi bộ hằng tháng và thực hiện chấm điểm kết quả buổi sinh hoạt chi bộ trực tiếp trên ứng dụng Sổ tay Đảng viên điện tử.

Chi bộ thường xuyên thực hiện đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hằng tháng, kết quả đều đạt mức tốt.

Việc kiểm tra, đánh giá thực hiện Nghị quyết của chi bộ cũng đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Từ đó đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của chi bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác sinh hoạt chi bộ khoa Xây dựng Đảng vẫn còn hạn chế: có lúc nội dung sinh hoạt đổi mới chưa nhiều, phương thức sinh hoạt chưa có nhiều đột phá. Đôi lúc có đảng viên chưa mạnh dạn bày tỏ chính kiến, quan điểm. Việc nắm bắt tư tưởng của đảng viên có lúc chưa được kịp thời.

3. Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở khoa Xây dựng Đảng

- Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ đảng viên toàn Đảng thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ. Thấy rõ tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ để sẵn sàng chuẩn bị nội dung phát biểu, đóng góp ý kiến tại các buổi sinh hoạt chi bộ.

- Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng. Thực hiện nghiêm túc và có chất lượng việc sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề gắn với nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Thời gian tới, chi bộ cần xác định, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt là yêu cầu thường xuyên của công tác xây dựng Đảng; đồng thời cũng là một trong những biện pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Thứ ba, Chi ủy chi bộ tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn vi phạm kỷ luật Đảng; kịp thời xử lý các đảng viên có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” hoặc các biểu hiện tiêu cực khác.

- Thứ tư, xây dựng và phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn thể Chi bộ, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết; phát huy nghĩa tình đồng chí, thương yêu đồng nghiệp. Mỗi cá nhân cần phải thành thật trong tự phê bình và chân thành trong phê bình nhằm giúp nhau cùng nhận ra khuyết điểm, hạn chế để khắc phục và cùng tiến bộ, hướng tới những điều tốt đẹp, cao quý hơn.

- Thứ năm, Chi ủy thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các chi bộ, đơn vị khác trong Đảng bộ, Nhà trường để cùng lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ chính trị khác được giao.

Thực hiện tốt những nội dung nêu trên trong sinh hoạt, Chi ủy và toàn thể đảng viên chi bộ khoa Xây dựng Đảng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đồng lòng để cùng nhau xây dựng chi bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh và tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023./.

Ths Tạ Thị Hảo-Khoa Xây dựng Đảng