• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TINH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN HIỆN NAY.
Ngày xuất bản: 23/11/2020 8:28:00 SA
Lượt đọc: 18181

 

Các Trường Chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng ngoài thực hiện chức năng là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Chính quyền, Đoàn thể nhân dân cấp cơ sở về lý luận chính trị, hành chính nhà nước và một số lĩnh vực khác thì còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là nghiên cứu khoa học (NCKH). Đây là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ với nhau.

 Thực tiễn cho thấy các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên rất quan trọng và cần thiết. Đây là cơ sở để thực hiện phương pháp giảng dạy, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Đối với giảng viên, công tác giảng dạy luôn được coi trọng nhưng mới chỉ là một nửa của hoạt động chuyên môn. Vì vậy, việc NCKH lâu nay luôn được các Trường đề cao, chú trọng, đặt ra như một nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên và là một tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu để đánh giá khả năng toàn diện của giảng viên.

NCKH giúp giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng của mình. Người giảng viên tham gia NCKH vừa củng cố kiến thức chuyên môn vừa có điều kiện mở rộng hiểu biết kiến thức từ các chuyên ngành khác. Quá trình NCKH góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học của giảng viên. Khi NCKH đạt kết quả tốt, sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao vị thế và uy tín của chính bản thân giảng viên đồng thời khẳng định vị thế và uy tín của Nhà trường. Bởi vì, mỗi bài viết tham gia hội thảo được đánh giá cao, mỗi công trình NCKH ở các cấp, mỗi bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành với tên cán bộ, giảng viên gắn với tên nhà trường là một lần thương hiệu và uy tín của Nhà trường được thể hiện. Đồng thời, góp phần tổng kết kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Công tác NCKH của Trường Chính trị Tỉnh Yên Bái đã có những bước tiến triển nhất định. Hội đồng khoa học Nhà trường hằng năm đều tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học của các khoa, phòng, phát hành từ 01 đến 02 số thông tin nghiên cứu - trao đổi. Ngoài các đề tài khoa học của các khoa, phòng còn có đề tài của các nhóm giảng viên tạo sự phong phú trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các giảng viên còn tham gia biên soạn các bộ tài liệu được phân công trong các chương trình đào tạo, viết bài cho Website Nhà trường và thông tin nghiên cứu - trao đổi của Nhà trường. Các đề tài và các bài viết đều có chất lượng và có giá trị trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

Tuy vậy, công tác NCKH hiện nay của Trường vẫn còn một số hạn chế sau đây:

- Các đề tài NCKH chưa đa dạng, mang tính chất tổng quan chưa đi vào giải quyết những vấn đề thiết thực, nảy sinh từ thực tế.

- Giảng viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của NCKH, hầu hết Giảng viên đều chưa thực sự chủ động trong nghiên cứu. Đôi khi Giảng viên chỉ thực hiện NCKH một cách đối phó cho hoàn thành nhiệm vụ chứ chưa thực sự quan tâm tới chất lượng, ý nghĩa cũng như khả năng ứng dụng của kết quả nghiên cứu.

- Kinh phí cho hoạt động NCKH chưa được đầu tư thích đáng. Bên cạnh đó là chính sách khuyến khích NCKH còn thiếu tính đồng bộ và chưa tạo được động lực NCKH đối với cán bộ, Giảng viên. Có thể khẳng định rằng, nguồn thu nhập chính yếu của các Giảng viên hiện nay đến từ việc giảng dạy. Việc NCKH vừa tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi thu nhập lại ít ỏi nên hoạt động này có phần bị xem nhẹ.

- Cách đánh giá, tổ chức nghiệm thu các đề tài NCKH chưa hiệu quả. Không ít các đề tài khoa học chất lượng chưa cao vẫn được nghiệm thu và Giảng viên đó vẫn được xem là hoàn thành nhiệm vụ. Chính điều này dẫn đến tính ỷ lại, chây lười, coi thường hoạt động NCKH của một số Giảng viên.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ NCKH chưa đồng đều, chủ yếu là giảng viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong nghiên cứu nên chất lượng các đề tài nghiên cứu còn chưa cao.

- Các đề tài NCKH mới chỉ dừng lại ở cấp trường và các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, cấp Nhà nước hầu như chưa có, các bài viết cho các tạp chí chuyên ngành và có uy tín còn rất hạn chế.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động NCKH trong thời gian tới theo tôi Nhà trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất: Lãnh đạo Nhà trường cần chú trọng, quan tâm hơn nữa tới hoạt động NCKH của giảng viên, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của Trường.

Hội đồng Khoa học Nhà trường ngoài việc tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài cần đưa ra những định hướng NCKH hàng năm cho giảng viên.

Thứ hai: Tăng cường công tác quản lý về NCKH của giảng viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giảng viên NCKH, đồng thời tạo nên một cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia vào hoạt động NCKH nhiều hơn và có kết quả cao hơn giúp cho sự phát triển bền vững của hoạt động NCKH của Nhà trường xứng tầm nhiệm vụ.

Thứ ba: Thường xuyên tổ chức Hội thảo khoa học theo các chủ đề khoa học để trao đổi, học tập kinh nghiệm, cập nhật các vấn đề khoa học mới, tổ chức các cuộc thi viết về từng chủ đề khoa học.

Thứ tư: Ngoài số giờ khoa học mà giảng viên phải hoàn thành theo quy định hiện nay Nhà trường sẽ xem xét khen thưởng những giảng viên có tích cực và có các công trình nghiên cứu chất lượng.

Thứ năm: Đối với những đề tài chưa đảm bảo chất lượng Hội đồng Khoa học sẽ không nghiệm thu. Hỗ trợ về kinh phí cho các bài viết được đăng trên thông tin nghiên cứu - trao đổi của trường và các tạp chí chuyên ngành uy tín, báo địa phương, báo trung ương. Tăng mức hỗ trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường bởi vì mức hỗ trợ cho công tác NCKH hiện nay là quá thấp, chưa tạo động lực cho hoạt động NCKH.

Thứ sáu: Về phía các giảng viên cần xác định NCKH là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của giảng viên. Vì vậy, mỗi giảng viên cần nâng cao ý thức, tích cực, chủ động trong việc NCKH và tìm hiểu những đề tài mới, có ý nghĩa thiết thực, phục vụ cho công tác giảng dạy.

Nâng cao chất lượng NCKH cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

Nguyễn Thị Mai

Khoa Nhà nước và pháp luật