• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy phần kinh tế chính trị học Mác-Lênin chương trình Trung cấp lý luận chính trị
Ngày xuất bản: 21/10/2024 4:07:00 CH
Lượt đọc: 766

 

Lý luận là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên mang tính quy luật của các sự vật hiện tượng trong thế giới và được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù. Là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử. Lý luận giữ vai trò định hướng, soi đường, dẫn dắt, dự báo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người để nhằm đạt được kết quả cao nhất.

Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất – cảm tính, mang tính lịch sử, có mục đích của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn có vai trò đặc biệt to lớn đối với lý luận, là cơ sở, điểm xuất phát, là động lực, là mục đích đồng thời là tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của nhận thức, lý luận.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Lý luận không phải cái gì đứng im mà nó luôn luôn cần đến thực tiễn để được thực tiễn bổ sung, hoàn thiện bằng những kết luận mới trong những điều kiện và hoàn cảnh mới. Mặt khác, lý luận là kết quả của tư duy trừu tượng, được khái quát hóa thành những nguyên lý phổ biến, những quy luật. Người nói: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”[2]. Cũng theo Người, giáo dục lý luận chính trị là giáo dục chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên và quần chúng Nhân dân, nhằm thống nhất về tư tưởng, ý chí, phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của họ, hướng dẫn họ vận dụng những hiểu biết ấy vào cuộc sống. Do đó, gắn lý luận với thực tiễn trong giáo dục lý luận chính trị là nguyên tắc cơ bản.

Vì vậy, đối với giảng viên, Người căn dặn: “Các chú dạy cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho họ hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là thế nào không”[3]“Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta, để giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế…, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng của mình”[4].

Như vậy, đối với trường Đảng (nay là Trường Chính trị) và đội ngũ giảng viên, mục đích cuối cùng của giảng dạy là để học viên phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng. Vì thế, trong quá trình giảng dạy, ngoài trang bị LLCT, người giảng viên phải gắn với thực tiễn, bám sát tình hình thực tiễn để người học hiểu và nắm chắc lý luận. Vấn đề quan trọng hơn là giảng viên phải giúp cho học viên biết cách vận dụng lý luận vào thực tiễn.

Đối với người học, Người dạy: “Học lý luận không phải để nói mép…Học để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác nào đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi chuyện trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”[5].

Trong phần học kinh tế chính trị học Mác-Lênin thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị có nhiều vấn đề lý luận cần được người học nắm vững và liên hệ với thực tiễn. Đưa thực tiễn vào bài giảng phần kinh tế chính trị học thì lý luận kinh tế chính trị sẽ được chứng minh trong thực tiễn, còn thực tiễn thì được giải thích. Từ đó người học vừa tin tưởng sâu sắc vào hệ thống lý luận kinh tế chính trị mà Mác-Lênin đã xây dựng cùng với quá trình bổ sung, phát triển của Đảng ta, mặt khác hiểu hơn về tình hình thực tế và hướng tới đề ra những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quán triệt thực hiện tư tưởng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng LLCT, theo suy nghĩ của bản thân tôi, cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:

Một là, người giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên ngành, kiến thức của môn khoa học mà mình đảm nhận – đây là điều kiện cơ bản nhất để người giảng viên thực hiện thành công chức năng giáo dục của mình. Không gì nguy hiểm hơn là giảng dạy sai, từ đó lấy ví dụ minh họa thực tiễn không đúng bản chất của vấn đề, việc này còn tai hại hơn là không giảng dạy. Bên cạnh đó, giảng viên cũng phải trang bị cho mình vốn kiến thức thực tiễn phong phú để giảng dạy minh họa phù hợp từng đối tượng học viên. Việc nắm vững kiến thức chuyên ngành và vốn kiến thức thực tiễn là hai yếu tố đầu tiên bảo đảm một bài giảng có sức thuyết phục và thành công.

Hai là, các bài giảng phần kinh tế chính trị phải bám sát thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghĩa là nội dung các bài giảng trong phần kinh tế chính trị học phải được gắn với sự vận động không ngừng của những vấn đề kinh tế - xã hội mà nội dung bài giảng của chúng ta hướng tới và những vấn đề đó phải được lý giải bằng hệ thống lý luận chặt chẽ, khoa học gắn với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm hướng tới giải quyết được những đòi hỏi mà thực tiễn đặc ra.

Trong thực tế, những nội dung lý luận về kinh tế chính trị trong giáo trình mang tính ổn định tương đối, không thể thay đổi, cập nhật thường xuyên được. Vì vậy, nó chỉ đáp ứng được một số yêu cầu nội dung lý luận cơ bản về quá trình xây dựng, phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội cũng như khi tìm hiểu về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Do đó, bài giảng luôn luôn phải bám sát sự phát triển mới của kinh tế - chính trị phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và thực tiễn sinh động của kinh tế đất nước để bổ sung một cách thường xuyên, cập nhật được những vấn đề mang tính thời sự, cần thiết để làm cho nội dung bài giảng sinh động, có tính thuyết phục cao, không lạc hậu so với thực tế.

Ba làđể nâng cao hiệu quả gắn lý luận với thực tiễn giảng dạy phần kinh tế chính trị, cần chú ý việc đưa thực tiễn vào bài học sao cho hợp lý.

Tính hợp lý ở đây tức là những yếu tố thực tiễn phải là những yếu tố điển hình, nổi bật, các sự kiện phải mang tính thời sự, phải có thực, không thêm bớt. Liên hệ với thực tiễn phải sát và phù hợp với những vấn đề lý luận mà giảng viên muốn chứng minh. Mỗi vấn đề thực tiễn đưa ra, giảng viên cần phải phân tích để người học thấy được nội dung thực tiễn này gắn với vấn đề lý luận nào.

Tất nhiên, không phải nội dung lý luận nào cũng phải có liên hệ thực tế mà chỉ nội dung nào quan trọng, cần thiết hay muốn tăng thêm tính thuyết phục. Bởi lẽ nếu trong bài giảng nội dung nào cũng buộc phải liên hệ thực tiễn thì không thể đảm bảo về mặt thời gian, mặt khác nếu tập trung quá nhiều cho những vấn đề thực tiễn, bài giảng có thể biến thành buổi nói chuyện về những vấn đề thời sự và như vậy sẽ xa rời lý luận của bài học.

Bốn làđể nâng cao hiệu quả gắn lý luận và thực tiễn trong giảng dạy phần kinh tế chính trị học phải gắn với việc xây dựng tư tưởng tốt, đấu tranh phê phán những tư tưởng, quan điểm sai trái.

Mục tiêu của Trường Chính trị là đào tạo con người trước hết là để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Đó là những con người vừa hồng, vừa chuyên, vừa có năng lực trình độ chuyên môn giỏi, vừa có mục tiêu lý tưởng, phẩm chất đạo đức tốt. Do đó, trong quá trình giảng dạy kinh tế chính trị, người học không chỉ được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn kinh tế chính trị mà còn phải được bồi dưỡng xây dựng quan điểm, tư tưởng tình cảm đúng đắn theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Học viên của chương trình Trung cấp chính trị là những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở vì vậy, họ càng phải được chú trọng xây dựng về tư tưởng và phương pháp luận đi đôi với xây dựng tư tưởng tốt phải phê phán, đấu tranh với tư tưởng, quan điểm sai trái.

Trong mỗi bài giảng, ngoài các yêu cầu về kiến thức lý luận và thực tiễn cần phải đạt yêu cầu về tư tưởng. Trong đó phải xác định rõ xây dựng tư tưởng, quan điểm gì và chống tư tưởng, quan điểm gì qua mỗi nội dung truyền đạt. Do đó trong giảng dạy kinh tế chính trị, người thầy giáo phải thể hiện được tính chiến đấu cao. Muốn làm tốt điều này, người dạy phải thông qua nhiều kênh để tìm hiểu sâu tình hình tư tưởng của người học làm cơ sở cho việc phê phán, định hướng tư tưởng cho sát, bởi lẽ tư tưởng có vai trò to lớn trong việc tác động đến hành động của con người.

Năm là, vì trong phần học kinh tế chính trị có nhiều nội dung lý luận các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin với phương pháp trừu tượng hóa khoa học đã nêu ra những vấn đề mang tính chất tổng quát cao nên những kiến thức thực tiễn mà giáo viên muốn chứng minh về lý luận trong bài giảng phải cụ thể, rõ ràng không nói chung chung nhằm giúp học viên dễ dàng hơn trong so sánh, gắn kết giữa lý luận được học ở nhà trường với những việc làm cụ thể thuộc chức năng nhiệm vụ của mình trong quá trình công tác tại cơ sở.

Sáu là, để nâng cao hiệu quả gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy phần kinh tế chính trị học cần phối hợp sử dụng tốt các phương pháp giảng dạy, đặc biệt là phương pháp giảng dạy tích cực kết hợp với phương tiện hiện đại.

Bởi lẽ đây là phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực người học, kết hợp sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong giảng dạy là điều kiện thuận lợi để đưa thực tiễn vào liên hệ với lý luận.

Vì khi đưa ra một vấn đề lý luận, giảng viên có thể trao đổi với học viên. Qua thực tiễn công tác phong phú và đa dạng của học viên, nhiều vấn đề lý luận được thực tế kiểm nghiệm, khi học viên đưa ra trao đổi, lý luận kinh tế chính trị cũng sẽ được làm sáng tỏ hơn, kể cả những nội dung chưa sát thực tiễn. Thông qua các phương tiện giảng dạy, học viên sẽ khắc ghi sâu hơn những sự kiện, tư liệu thực tế từ đó nắm vững nội dung lý luận.

Tóm lại, gắn lý luận với thực tiễn là nguyên tắc của giảng dạy lý luận chính trị. Các bài giảng phần kinh tế chính trị có tính thực tiễn sẽ làm cho các nguyên lý, lý luận trừu tượng thành gần gũi, từ khó hiểu và phức tạp thành những vấn đề giản dị dễ tiếp thu từ đó tạo hứng thú cho người học, giúp họ thấy rõ ý nghĩa tích cực của việc học lý luận chính trị và vận dụng đúng những lý luận đã học vào thực tiễn nhiệm vụ một cách khoa học và đúng đắn nhất./.

Ths. Đỗ Thu Hằng

Phó trưởng khoa LLCS

 



[1]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.496

[2] Sđd, Tập 5, tr234

[3] Sđd, Tập 2, tr259

[4] Sđd, Tập 8, tr492.