• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ MỘT VÀI LƯU Ý ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 27/11/2023 2:28:00 CH
Lượt đọc: 2661

 

Việc giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là một nội dung cơ bản quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm thực hiện việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Thông qua giáo dục lý luận chính trị nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, niềm tin và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay. Từ đó đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện đường lối chính trị, đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Đồng thời, thông qua công tác này mà chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào quần chúng, góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Nói về vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị, chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Không có lý luận chính trị thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”[1].

Vai trò của việc giáo dục, học tập lý luận chính trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức từ rất sớm. Người chỉ rõ: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình”[2]. Bởi Hồ Chí Minh coi đối tượng học tập lý luận chính trị trước hết là cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền, của quần chúng nhân dân. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, Nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thực thi, đồng thời cũng đem tình hình của quần chúng báo cáo cho Đảng để đặt, đưa ra chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là gốc của mọi công việc, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”[3]. Do đó, Người khẳng định huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người ví “lý luận là trí khôn của Đảng. Đảng không có lý luận thì khác nào người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[4].

Chính vì vậy, theo Hồ Chí Minh, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc... học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”[5]. Học để sửa chữa tư tưởng và tin tưởng vào chủ trương, đường lối và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Học phải đi đôi với hành. Tức là học phải để vận dụng tốt vào thực tiễn cuộc sống và xây dựng đất nước. Theo Người, có rất nhiều hình thức học tập: học tập ở trường lớp, sách vở, học lẫn nhau, học ở nhân dân. Bên cạnh đó, học lý luận chính trị qua hệ thống đào tạo, bồi dưỡng của Nhà nước và qua hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân. Đối với Hồ Chí Minh, tất cả các phương pháp giáo dục như phương pháp đối thoại, phương pháp học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, phương pháp làm gương, phương pháp kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, phương pháp giáo dục phải thiết thực, chu đáo, nhằm đúng yêu cầu và coi trọng hướng dẫn tự học, chú trọng cải tạo tư tưởng... đều nhằm mục đích “nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”, nâng cao nhận thức, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Các phương pháp này vừa mang tính truyền thống, lại vừa hiện đại, vừa hệ thống, khoa học, lại vừa cụ thể, thiết thực, luôn gắn với đời sống và thời đại.

Trong giai đoạn hiện nay, những luận điệu mà các thế lực thù địch thường sử dụng để tấn công vào hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ thế kỷ XIX, nay đã lỗi thời. Xã hội xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở bộ phận quan trọng nhất. Chủ nghĩa tư bản là “sự tột cùng của lịch sử”, nghĩa là chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại vĩnh viễn. Không có tư tưởng Hồ Chí Minh và nếu có thì đó cũng là “tư tưởng cộng sản cũ rích”. Đó là một trong những chiến lược “Diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng tay sai, việc tấn công vào hệ tư tưởng và lực lượng lãnh đạo, cầm quyền Đảng, Nhà nước và xã hội, luôn là mục tiêu quan trọng nhất của chúng. Để đánh bại cuộc tấn công của các thế lực thù địch về chính trị, tư tưởng, lý luận, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào con đường xã hội chủ nghĩa, việc trang bị cho cán bộ, đảng viên lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, một lý luận sắc bén, khoa học là vô cùng cần thiết, cấp bách và hữu ích. Để việc học tập này mang lại hiệu quả thiết thực thì vai trò của người giảng viên đứng trên bục giảng rất là quan trọng, góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền, củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung. Nhằm trang bị những lý luận cơ bản làm hành trang cho cán bộ, đảng viên chủ động, vững vàng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, không hoài nghi, băn khoăn trước những thủ đoạn, hành vi xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Để đạt mục tiêu trên, đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong quá trình giảng dạy cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, lý luận gắn liền với thực tiễn.

Gắn lý luận với thực tiễn là một yêu cầu được đặt lên hàng đầu trong công tác giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nghĩa là bài giảng phải được gắn với hơi thở của cuộc sống và phải phản ánh được những đòi hỏi của thực tiễn. Trong soạn giảng cần chú ý những nội dung phản ánh được những yêu cầu cơ bản và những vấn đề kinh tế - xã hội cần được quan tâm và được lý giải bằng lý luận, những nội dung phản ánh được sự đúng đắn trong quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những vấn đề cần được hoàn thiện. Hiện nay, giáo trình, tài liệu học tập thường lạc hậu so với thực tiễn. Nó chỉ đáp ứng được những yêu cầu nội dung lý luận có tính cơ bản về quá trình xây dựng nền kinh tế đất nước. Do đó, bài giảng phải bám sát sự phát triển mới của thực tiễn đất nước, địa phương để bổ sung một cách thường xuyên, cập nhật được những vấn đề mang tính thời sự, làm cho nội dung bài giảng sinh động, có tính thuyết phục cao, không lạc hậu so với thực tế.

- Thứ hai, kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại.

Kết hợp tốt các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại với phương pháp truyền thống đối với giảng viên để tạo nên không khí sôi động, cuốn hút người học. Đây là phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực người học, kết hợp sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong giảng dạy là điều kiện thuận lợi để đưa thực tiễn vào bài giảng, để lý luận không còn là lý luận suông. Bởi lẽ khi đưa ra một vấn đề lý luận, giảng viên có thể trao đổi với học viên. Qua thực tiễn công tác phong phú và đa dạng của học viên, nhiều vấn đề lý luận được thực tế kiểm nghiệm, khi học viên trao đổi thảo luận, lý luận cũng sẽ được làm sáng tỏ hơn. Thông qua các phương tiện giảng dạy hiện đại, học viên sẽ khắc ghi sâu hơn những sự kiện, các ví dụ, dữ liệu thực tế từ đó nắm vững nội dung kiến thức lý luận.

- Thứ ba, đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Mỗi giảng viên, trong quá trình giảng dạy phải gắn việc xây dựng tư tưởng tốt, đấu tranh phê bình những tư tưởng, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, những tư tưởng xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mục tiêu của Trường Chính trị là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, đoàn thể và chính quyền các cấp để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Đó là những người cán bộ vừa có kiến thức, vừa có chuyên môn, vừa có lý luận chính trị vững vàng, vừa có phẩm chất đạo đức tốt.

Do đó, trong quá trình giảng dạy, người học không chỉ được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn mà còn phải được bồi dưỡng xây dựng quan điểm, tư tưởng, tình cảm đúng đắn theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Học viên là những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở, vì vậy, họ càng phải được chú trọng xây dựng về tư tưởng và phương pháp luận. Trong mỗi bài giảng, ngoài các yêu cầu về kiến thức và thực tiễn cần phải có yêu cầu về tư tưởng. Trong đó phải xác định rõ xây dựng tư tưởng, quan điểm gì và chống tư tưởng, quan điểm sai trái gì. Do đó trong giảng dạy, người thầy phải thể hiện được tính chiến đấu cao, vạch ra cho học viên thấy rõ những âm mưu, thủ đoạn sai trái nhằm chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch. Muốn làm tốt điều này, người dạy phải thông qua nhiều kênh để tìm hiểu sâu tình hình tư tưởng của người học, từ đó làm cơ sở cho việc định hướng tư tưởng cho người học có thái độ, lập trường tư tưởng vững vàng trước những hành vi, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

- Thứ tư, nội dung, cách thức phù hợp với từng đối tượng học viên.

Giảng viên cần nắm rõ đối tượng học viên trong quá trình giảng dạy của mình. Học viên thuộc đối tượng nào (đối tượng tập trung hay tại chức, đối tượng cấp xã, phường thị trấn hay là ban, ngành cấp huyện, tỉnh…). Cùng một chuyên đề, giảng viên giảng dạy cho cán bộ công chức cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) không thể giống với lớp đa số học viên các lớp tại chức cấp huyện, tỉnh. Nắm bắt được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng. Việc thường xuyên đi thâm nhập thực tiễn ở các địa phương, cơ sở sẽ giúp cho giảng viên cái nhìn khái quát tới đối tượng học viên và có cách truyền đạt phù hợp.

- Thứ năm, lòng đam mê và yêu nghề.

Muốn trở thành một giảng viên thực thụ, một giảng viên giỏi thì lòng đam mê và yêu nghề là không thể thiếu đối với mỗi một giảng viên, có lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất. Trên nền tảng nắm vững lý luận, bám sát thực tiễn, lòng yêu nghề sẽ thổi hồn cho bài giảng. Từ các nguyên lý, lý luận trừu tượng, sâu xa thành gần gũi, từ khó hiểu và phức tạp thành những vấn đề giản dị dễ tiếp thu, dễ nắm bắt. Từ đó giúp người học hứng thú hơn trong học tập, thấy rõ ý nghĩa tích cực của việc học lý luận chính trị. Có như thế thì quá trình giảng dạy và học tập lý luận chính trị mới đạt được kết quả khả quan, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của giáo dục mà đặc biệt là giáo dục lý luận chính trị, nhận thức được điều đó bản thân mỗi giảng viên luôn cố gắng tận tụy hết lòng, hết sức trong công tác giảng dạy của mình, góp phần chung vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh, nhằm tạo niềm tin vững chắc cho cán bộ, đảng viên vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhân dân ta./.

 

Ths. Cao Thị Huệ

Khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.298.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, t.15, tr.117.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia, H.2011, t.5, tr.280.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t2, tr268.