• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
GIẢNG VIÊN TRẺ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH ĐỂ HOÀN THÀNH MỌI NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ ĐƯỢC GIAO
Ngày xuất bản: 21/11/2023 2:21:00 CH
Lượt đọc: 2513

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng phong cách cho người cán bộ, đảng viên. Theo Người, việc rèn luyện phong cách cho đội ngũ này có vai trò to lớn để nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, cổ vũ động viên phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tạo ra đột phá trong các lĩnh vực cách mạng.Trong thời gian qua, nhờ được quán triệt một cách nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung cùng với việc thực hiện chỉ thị số 05 –CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã giúp cho đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị Yên Bái hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc học tập phong cách Hồ Chí Minh và coi đây là việc làm thường xuyên đi vào nề nếp của mỗi người. Đối với người giảng viên trẻ thì việc học tập và làm theo phong cách của Bác không chỉ giúp cho bản thân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Nhà trường giao phó  mà còn giúp hoàn thiện về nhân cách, để từ đó xứng đáng với sự nghiệp trồng người.

Theo Giáo sư, tiến sĩ Mạch Quang Thắng: Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc điểm riêng có, cái độc đáo, có tính hệ thống trở thành nề nếp ổn định được phản ánh trong toàn bộ cuộc sống của Người. Phong cách đó thể hiện cái riêng của Hồ Chí Minh nhưng lại rất gần gũi với người dân Việt Nam yêu nước, vì vậy mang tính lan tỏa tích cực tới hành động của mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước chúng ta, trở thành tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Phong cách Hồ Chí Minh có thể được xem là một chỉnh thể thống nhất bắt đầu từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến hoạt động thực tiễn (phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử) và cuối cùng là phong cách trong sinh hoạt đời thường.

Trước hết, phong cách Hồ Chí Minh là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, theo đuôi. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối giảng viên trẻ ở Trường Chính trị Yên Bái hiện nay. Theo đó, giảng viên là những người truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho học viên không phụ thuộc vào một đường mòn, lối cũ lạc hậu; phát huy được khả năng độc lập trong cách nghĩ, cách làm theo cái mới, phù hợp thực tiễn đề ra, biết khơi nguồn những cách làm mới, phương pháp giảng dạy hay, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, đạt hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, rèn luyện phong cách này đòi hỏi người giảng viên trẻ trường Chính trị luôn biết làm chủ suy nghĩ của mình trong mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, nhất là trong mối quan hệ đồng nghiệp và với học viên. Sự sáng tạo thể hiện ở chỗ biết vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù, là tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Quán triệt sâu sắc những vấn đề cơ bản về nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, nghiên cứu, tìm tòi những cái mới hợp quy luật là việc làm thường xuyên, liên tục.... Từ đó, kịp thời cập nhật vào bài giảng của mình, để định hướng cho học viên thực hiện đúng. Biết lắng nghe những đòi hỏi của thực tiễn để đáp ứng hiệu quả.

Thứ hai, phong cách làm việc dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm.

Học tập phong cách này của Bác, đội ngũ giảng viên trẻ của Nhà trường luôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ nào việc nấy trong mọi việc. Đồng thời, luôn chủ động điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu để nắm chắc thực chất của vấn đề, luôn chủ động gắn lý luận với thực tiễn, từ đó làm phong phú thêm nội dung của bài giảng.

Trong quá trình rèn luyện phong cách này, đội ngũ giảng viên trẻ luôn thực hiện tác phong dân chủ trong giảng dạy. Đối với một người giảng viên thì chất lượng bài giảng bao gồm nhiều yếu tố không chỉ có nội dung, phương pháp sư phạm, trạng thái, không gian, thời gian... mà còn phải phát huy vai trò của người học hay nói cách khác là phát huy được tính dân chủ trong quá trình giảng dạy.Vậy nên, nếu giảng viên có phong cách làm việc, giảng dạy dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm, nêu gương trên giảng đường sẽ phát huy được vai trò chủ động, tích cực của người học. Chỉ khi người dạy xây dựng được tính tích cực cho người học thì các mục tiêu giáo dục mới bảo đảm chất lượng và là cơ sở của sự sáng tạo, truyền cảm hứng cho người học.Thực hiện tốt dân chủ trong dạy và học là điều cần thiết, trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải khéo léo khơi gợi người học nhạy bén phát hiện được những vấn đề hay, những mâu thuẫn, khuyến khích học viên trình bày quan điểm của mình, bên cạnh đó kịp thời định hướng, dẫn dắt người học tránh lạc chủ đề, sai nguyên tắc… Sau mỗi buổi học cần phát huy dân chủ trong đánh giá kết quả, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm cho cả người dạy và người học để không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp, nâng cao chất lương bài giảng.

 


       Thứ ba, diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; xác định rõ chủ đề. đối tượng và mục đích cần diễn đạt.

      Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi diễn đạt cần thực hiện bốn yêu cầu: “Nói, viết cái gì? Nói viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào?”. Đây cũng chính là việc xác định mục tiêu, đối tượng, nội dung, phương pháp giảng dạy của người dạy. Điều này rất cần thiết đối với giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, thực hiện được như vậy sẽ xây dựng được phương pháp sư phạm tốt, giúp đội ngũ giảng viên trẻ cung cấp cho người nghe lượng thông tin ngắn gọn, chính xác và đầy đủ. Điều đó được thể hiện ở chỗ, việc diễn đạt ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu, nghĩa là phải viết, nói cho đúng trình độ của người nghe, người học. Điều này làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh nắm chắc nội dung. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ  có ý nghĩa,  mục đích.   

Thứ tư, ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm , linh hoạt, chân tình, có lý, có tình chứa đựng những giá trị nhân văn, yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là hệ thống hành vi ứng xử xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, thể hiện tầm vóc trí tuệ cùng tình cảm sâu sắc của Người, trong đó, nổi bật là tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử. Tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh có nguồn cội từ lịch sử tư tưởng và thực tiễn của dân tộc, mang dấu ấn thời đại và phẩm chất cá nhân cùng với quá trình tự rèn luyện, học hỏi vươn lên không ngừng của Người. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá ứng xử phương Đông, phương Tây, mà hạt nhân là mục đích vì nhân dân, dân tộc mình và nhân loại tiến bộ.

Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên trẻ Nhà trường luôn có thái độ với người học theo phương châm hòa nhã, tận tụy, gắn bó và gần gũi với học viên, xử lý những tình huống xảy ra trên lớp học một cách linh hoạt, mềm dẻo, hướng người học đến thái độ tích cực; đối với đồng nghiệp cần ứng xử khiêm nhường, luôn nêu cao tinh thần học hỏi những giảng viên đi trước và đồng nghiệp khác để hoàn thiện bản thân; đối với cấp trên cần ứng xử tế nhị, chân thành, tham mưu những sáng kiến hay trong công tác chuyên môn và trong các hoạt động khác để xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh.

            Thứ năm, rèn luyện phong cách sinh hoạt giản dị, đức độ, yêu thương con người 

Phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ một triết lý nhân sinh là lấy khiêm tốn, giản dị, đức độ, yêu thương con người làm chuẩn. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hàng ngày; đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian; không ham muốn danh lợi riêng cho mình; đó là tình thương yêu con người quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ. Là lãnh tụ của dân tộc nhưng đời sống vật chất của Người cũng như đại đa số của người dân bình thường.

Học tập và làm theo phong cách sinh hoạt của Bác sẽ làm cho mỗi giảng viên trẻ tu dưỡng, rèn luyện, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII). Để rèn luyện tốt phong cách này bản thân mỗi giảng viên trẻ phải tự xây dựng cho mình một thói quen sinh hoạt có kỷ luật chặt chẽ, sống trong sạch, giản dị, hòa đồng, gần gũi với nhân dân, xóm giềng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người  khi cần, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, đề xuất lãnh đạo giải quyết những vấn đề chính đáng cho nhân dân. Có trách nhiệm với cộng đồng, biết thương yêu, chia sẽ với những hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Cùng nhân dân ở nơi cư trú tham gia các phong trào của địa phương phát động, nhất là đóng góp chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tự điều chỉnh, sửa chữa những thói hư, tật xấu của bản thân và mạnh dạn, thẳng thắn góp ý xây dựng cho đồng nghiệp trên tinh thần đoàn kết cùng nhau tiến bộ. Không lợi dụng tự phê bình và phê bình để phê phán, nói xấu đồng chí, đồng đội mình .Trong sinh hoạt hàng ngày từ ăn, mặc, ở, đi lại phải tiết kiệm phù hợp với hoàn cảnh còn khó khăn hiện nay của đất nước.

Phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc ta; là tấm gương sáng để mỗi người có thể học tập và noi theo. Vì vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện theo phong cách của Bác có tính quyết định đến chất lượng của đội ngũ giảng viên trẻ trường chính trị Yên Bái. Nắm bắt ý nghĩa quan trọng ấy, cùng với việc thực hiện chủ đề học tập và làm theo Bác năm 2018: “xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bản thân mỗi giảng viên trẻ Nhà trường phải tiếp tục cố gắng hơn nữa để trở thành những tấm gương tiêu biểu  như lời Bác đã dạy để góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, để Trường Chính trị Yên Bái xứng đáng là địa chỉ đào tạo tin cậy, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên cho Tỉnh nhà.

Ths. Dương Thị Thúy Tài – Khoa Nhà nước và pháp luật