• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Đổi mới và nâng cao hiệu quả các phương pháp quản lý nhà nước
Ngày xuất bản: 14/09/2017 5:00:00 CH
Lượt đọc: 25911

 Quản lý Nhà nước (QLNN) hiểu theo nghĩa rộng là sự tác động có tổ chức, có định hướng của các cơ quan Nhà nước đối với hành vi hoạt động của con người và các quá trình xã hội bằng quyền lực Nhà nước làm cho các  hoạt động của Nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội vận động, phát triển theo một trật tự nhất định nhằm thực hiện mục tiêu QLNN.

Trong hoạt động của mình, các cơ quan hành chính Nhà nước sử dụng nhiều phương pháp tác động lên chủ thể khác trong các quan hệ quản lý, nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý cũng như hiệu lực, hiệu quả QLNN. Phương pháp quản lý Nhà nước là tổng hợp các biện pháp, cách thức mà Nhà nước sử dụng để tác động lên chủ thể khác trong quan hệ phát sinh QLNN nhằm bảo đảm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cơ quan hoặc thủ trưởng trong các cơ quan Nhà nước.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả phương pháp QLNN, là làm cho các phương pháp QLNN phù hợp hơn với đời sống, quản lý vì đời sống, quản lý có sự vận động không ngừng do sự phát triển của các quan hệ xã hội…

1. Nâng cao cách thức tổ chức trong QLNN:

Ở cơ sở, hệ thống chính trị ngày càng được hoàn thiện, các thiết chế ngày càng được củng cố và phong phú với tính dân chủ càng được coi trọng. Để thu hút đông đảo sự tham gia của các đối tượng quản lý cần có các quy định của cơ quan Nhà nước phù hợp, sự tác động ngày càng mang tính khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho phát triển. Thông qua sự tham gia của các tổ chức giúp cho QLNN ngày càng hiệu lực, hiệu quả thu hút đông đảo các đối tượng quản lý.

Chính quyền cơ sở dựa vào các văn bản của QLNN để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định, quy chế phù hợp với địa phương thu hút nhân dân tham gia các hình thức phù hợp thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tránh các biểu hiện gò ép, bắt buộc, đưa ra các quy định vi phạm pháp luật dân chủ làm giảm sút uy tín cán bộ, hệ thống chính trị ở cơ sở. Từ thực tế cơ sở, đổi mới các hình thức tổ chức phù hợp để thu hút các đối tượng tham gia, ví dụ: hoạt động tuyên truyền kỹ năng của các hội nghề nghiệp như khuyến nông, cây trồng..là một sáng tạo của việc phát triển, đổi mới tổ chức cho phù hợp. Qua đó việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoạt động quản lý của chính quyền cơ sở được thuận lợi cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

2. Đối với phương pháp giáo dục thuyết phục, động viên tư tưởng:

Đây là phương pháp tác động về tinh thần và tư tưởng đối với con người để họ có sự nhận thức tác động lên hành vi. Phương pháp này giúp nhận biết thế nào là tốt, là điều thiện, việc nào là xấu, bị xã hội lên án, chê trách…Phương pháp giáo dục tư tưởng lấy giáo dục thuyết phục làm chính trước khi áp dụng các phương pháp khác như: mệnh lệnh, hành chính, cưỡng chế…Trước đây, ở phương pháp này chủ yếu là giáo dục đạo đức XHCN kêu gọi tính tự giác, tự nguyện của cá nhân, cộng đồng. Để đổi mới và nâng cao hiệu quả của phương pháp này, hiện nay cần chú ý ưu tiên giáo dục ý thức “Sống và làm việc theo PHÁP LUẬT” và đây chính là một trong những nội dung về đổi mới nội dung phương pháp QLNN ở cơ sở. Muốn vậy, chính quyền cơ sở cần có những cách làm, hình thức, biện pháp, giải pháp cụ thể để mỗi người dân, tổ chức ngoài ý thức chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh còn có một quan niệm nếu sống và chấp hành các quy định chung của cộng đồng là chính sống vì mình. Đây là một sự đổi mới trong phương pháp QLNN ở địa phương và đó cũng chính là nhận thức – hành động của chính quyền cơ sở, của các công chức và công dân. Việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật chính là những biểu hiện của hành vi đạo đức của mỗi công dân đối với xã hội, bản thân mỗi quy định của pháp luật đã chứa đựng hành vi đạo đức được Nhà nước xây dựng thành luật pháp để xã hội tuân theo. Để nội dung này được xã hội đồng thuận thực hiện pháp luật phải được xây dựng thật khoa học, có tính khả thi và mang tính lâu dài. Nếu thường xuyên sửa đổi theo kiểu “chắp vá” sẽ làm cho việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật ở cơ sở gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật phải kết hợp với việc giáo dục các chuẩn mực xã hội với những hình thức phù hợp và thường xuyên trong cộng đồng. Đồng thời ở cơ sở cần có những hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng cơ sở do có những đặc điểm riêng về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng…

Trong nội dung đổi mới và nâng cao hiệu quả của phương pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục trong QLNN, còn có nội dung bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa, cộng đồng địa phương. Kinh nghiệm cho thấy ở địa phương cơ sở nào, cộng đồng nào lưu giữ bảo tồn được truyền thống, bảo lưu và phát triển được những giá trị văn hóa thì ở nơi đó việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có nhiều lợi thế như: chương trình Nông thôn mới, chương trình 135, chương trình 30a…

Phong trào khuyến học ở cơ sở cũng góp phần làm phong phú cho nội dung đổi mới, nâng cao hiệu quả phương pháp QLNN. Thực tế cho thấy, nơi nào dân trí phát triển, có tỷ lệ người được phổ cập giáo dục cao thì nơi đó việc QLNN của chính quyền cơ sở có nhiều thuận lợi. Điều đó cho thấy để các phương pháp QLNN có hiệu quả, con đường thoát nghèo, thoát khổ ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số là phải phát triển giáo dục với mọi hình thức phù hợp.

3. Đối với phương pháp kinh tế

Đây cũng là một cách tác động thúc đẩy trong hoạt động QLNN trên địa bàn, lấy lợi ích vật chất làm động lực thúc đẩy con người hành động, làm cho con người năng động sáng tạo tìm kiếm những biện pháp nâng cao kết quả làm việc để có thu nhập cao hơn, khuyến khích tinh thần làm việc tập thể bằng cách gắn kết quả với trách nhiệm. Sử dụng phương pháp kinh tế để tác động đến lợi ích của người dân, cán bộ, công chức trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải kết hợp hài hòa ba lợi ích: người dân, tập thể và Nhà nước. Đòi hỏi chính quyền cơ sở phải vận dụng đúng các quy định của pháp luật khi thực hiện hình thức “xã hội hóa” của các chương trình kinh tế, tránh đưa ra các quy định đóng góp tùy tiện. Việc vận dụng đúng đắn phương pháp kinh tế sẽ góp phần thay đổi bộ mặt địa phương, nếu có những biện pháp cụ thể ngăn ngừa sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường. Để sử dụng tốt phương pháp kinh tế thì cần thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân thực hiện, dân kiểm tra” để khơi dậy tính tự nguyện, lòng tự trọng của người dân trong xây dựng kinh tế ở địa phương. Trong đóng góp, vận động, thưởng, phạt… phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ, công khai để tránh lạm thu công quỹ, sự đóng góp của nhân dân. Khi vận dụng phương pháp này cần phát huy vai trò của người có kinh nghiệm, có uy tín, trưởng dòng họ để khơi dậy tính tự giác thực hiện của nhân dân địa phương. Chương trình “Dồn điền, đổi thửa” hiện nay đang thực hiện, có nơi làm tốt, có nơi để dân khiếu kiện lên tận trung ương chính là việc sử dụng phương pháp kinh tế phù hợp hay không phù hợp.

4. Đối với phương pháp hành chính

Đối với phương pháp này phải lưu ý tới việc thực hiện đúng đắn pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở khi đưa ra các mệnh lệnh hành chính để tác động lên các quan hệ xã hội ở địa phương. Vì các quyết định hành chính thể hiện ý chí của Nhà nước trong việc phải dùng sức mạnh cưỡng chế hay là sự thừa nhận từ phía Nhà nước trong các quan hệ xã hội ở địa phương. Điều đó bắt buộc phải thận trọng khi đưa ra các quyết định hành chính, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến tầm quốc gia. Để đổi mới nội dung phương pháp này, các cán bộ, công chức ở cơ sở cần có kỹ năng vận dụng các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng; pháp luật Nhà nước; nắm chắc tình hình ở địa phương để sáng suốt đưa các quyết định quản lý hiệu lực, hiệu quả. Các cán bộ, công chức của hệ thống chính trị ở cơ sở phải xuất phát từ sự hài hòa ba lợi ích, tránh tư tưởng quan liêu, cục bộ địa phương, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi đưa quyết định QLNN. Bản thân các công dân, tổ chức ở cơ sở cũng phải có nhận thức về vai trò của mình trong việc ban hành các quyết định quản lý để đóng góp ý kiến của mình trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến xây dựng. Có như vậy, mới góp phần giúp các nhà quản lý đưa ra các quyết định đúng đắn, có tính khả thi, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong sử dụng phương pháp hành chính cũng là một nội dung đổi mới trong sử dụng phương pháp hành chính.

Với các phương pháp quản lý của các khoa học khác trong QLNN như: phương pháp thống kê, phương pháp quản lý theo chất lượng, phương pháp quản lý theo mục tiêu, phương pháp quản lý theo dự án…Để đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương pháp khoa học này ở cơ sở, các chủ thể quản lý cần căn cứ vào điều kiện cụ thể, sự vận động không ngừng của sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ quản lý mà nên sử dụng phương pháp cụ thể hoặc kết hợp các phương pháp. Muốn vậy phải không ngừng nâng cao sự hiểu biết và năng lực của mình thông qua nhiều hình thức như: tự học, tự đào tạo mình; dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ…Có như vậy mới sử dụng thành thạo chuyên môn nghiệp vụ của các phương pháp trong QLNN. Đây chính là sự đổi mới và nâng cao hiệu quả nội dung các phương pháp QLNN.

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước - pháp luật