• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐỒNG BỘ GIỮA THI HÀNH KỶ LUẬT ĐẢNG, KỶ LUẬT HÀNH CHÍNH VÀ XỬ LÝ HÌNH SỰ ĐỂ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 12/06/2023 4:50:00 CH
Lượt đọc: 6062

 

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (do Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản) được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng 3-2 (1945-2023) đã tác động tích cực đến mọi người dân từ “Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”. Đây là một cuốn sách rất có giá trị vì nó đã hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư trên cương vị người đứng đầu Đảng ta và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Từ nội dung của cuốn sách chúng ta có thể trả lời được các câu hỏi lớn, bao trùm được đặt ra ngay từ đầu bài viết tổng quan của Tổng Bí thư đó là: Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn? Đặc biệt là phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới? Cuốn sách là tài liệu rất giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, có thể coi đây là cuốn “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta, là tài liệu gối đầu giường của cán bộ, đảng viên trong “tự soi, tự sửa”. Toàn bộ những giá trị lý luận và thực tiễn mà cuốn sách mang lại chính là “vũ khí” sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta; thể hiện quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta - một cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng quyết liệt, cam go.

Trong tác phẩm này, ngay tại phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, đối với nội dung “Đồng bộ giữa thi hành kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, rất nghiêm minh nhưng rất nhân văn”  tại trang 23 của cuốn sách đã nêu rõ một trong những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tham nhũng đó là: “Quá trình xử lý được tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật”. Điều này càng thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Tuy nhiên, cũng cần đối diện với hạn chế của công tác này trong thời gian qua, mà cụ thể là: “Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật” và nguyên nhân chính là từ “Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở, dễ bị lợi dụng” [1].

Từ thực tiễn phong phú của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, và một trong số những bài học đó là: “phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá”[2]; “Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó à ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”[3]. Trong phát hiện, xử lý phải phải quán triệt nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung”[4].

Khi đề cập đến vấn đề “Thi hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự”, cuốn sách dành riêng dung lượng 20 trang (từ trang 168 đến trang 187) để trích dẫn về phát biểu kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 26 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến năm 2022 để làm rõ thêm trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương – cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo; cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan chức năng; Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; công tác điều tra, truy tố, xét xử. Chẳng hạn phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ năm, ngày 09/7/2014 đề cập đến trách nhiệm của Ban Chỉ đạo đó là: “Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại một số địa phương”[5]. Để công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, hình thức, gây phiền hà cho địa phương, cơ sở, doanh nghiệp thì phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 15, ngày 21/01/2019, Tổng Bí thư đã quán triệt rõ “Ban Chỉ đạo chỉ tập trung kiểm tra những nơi, lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng và không được lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm; kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo phải đúng chức năng, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tránh hình thức”[6]. Hay phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ tám, ngày 28/9/2015, Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho Ban Nội chính Trung ương “chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý cụ thể từng trường hợp”[7].

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, phát biểu kết luận tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư nêu rõ cần phải: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính, kinh tế và hình sự các vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”[8]; “Tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc của Ban Chỉ đạo, nếu còn ý kiến khác nhau thì quán triệt và thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, những vấn đề đã được thảo luận thống nhất thì phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành thực hiện; phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; cán bộ cố ý làm trái, dính líu, bao che cho sai phạm, cản trở quá trình điều tra, xử lý thì phải kịp thời thay thế, xử lý nghiêm, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả rõ rệt”[9]; “Các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo phải mẫu mực, liêm khiết, phát hiện được vấn đề, tránh hình thức; qua kiểm tra phải tạo ra được những chuyển biến tích cực cho địa phương, cơ sở”[10].

Như vậy, có thể khẳng định rằng quan điểm nhất quán thể hiện xuyên suốt trong phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc cũng như tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, các cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư- Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn nhấn mạnh cần phải thi hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Trên cơ sở sự phát triển nhận thức, tư duy về thi hành đồng bộ kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, Đảng ta đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện thể chế; công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; cải cách hành chính đến phát hiện, xử lý, xây dựng cơ quan, đơn vị và cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Với quyết tâm chính trị cao nhất, việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên sẽ bảo đảm được “bốn không”, đó là: “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực như nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư đã đề cập.

 

Ths. Âu Phương Thảo

Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

 



[1] Nguyễn Phú Trọng (2023),  “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, H.2023, tr.56

[2] Sđd, tr.38.

[3] Sđd, tr.48.

[4] Sđd, tr.105.

[5] Sđd, tr.170.

[6] Sđd, tr.172.

[7] Sđd, tr.170.

[8] Sđd, tr.181

[9] Sđd, tr.187.