• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI HỌC TẬP VÀ LÀM THEO ĐỨC “CẦN”, “KIỆM” THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Ngày xuất bản: 27/11/2023 3:39:00 CH
Lượt đọc: 3562

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Sinh thời, Người luôn chú trọng tới vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi theo Người đức là gốc, là nền tảng của mỗi con người. Người từng ví: “Cũng như sông, có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cũng như cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo; người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng sẽ không lãnh đạo nhân dân”. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư được xem là những phẩm chất đạo đức mà Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phấn đấu thực hiện thật tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đối với đội ngũ giảng viên trẻ trường chính trị Yên Bái, việc học tập và làm theo những phẩm chất đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh nói chung, đặc biệt là hai đức tính “Cần” , “Kiệm” không chỉ giúp cho mỗi người hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nhà trường giao phó  mà còn giúp hoàn thiện nhân cách mỗi người, để từ đó xứng đáng với sự nghiệp trồng người.

 “Cần”, “kiệm” là chuẩn mực đạo đức truyền thống trong quan hệ "đối với mình", được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng và phát triển phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, trở thành chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng.

Cần” theo Hồ Chí Minh có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, lao động, chiến đấu và sản xuất. Cần còn có nghĩa là việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được, cũng như dao siêng mài thì sắc bén, ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Bác dạy: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai”. Bác còn dạy: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.

Bác phân tích đối lập với cần là lười biếng: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”. Như vậy, theo Người, “người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”, trái với đạo đức cách mạng, cản trở phong trào thi đua lao động sáng tạo của cả dân tộc. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), Người phân tích: “Bệnh lười biếng là tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết, làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”. Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên (13-3-1960), bên cạnh biểu dương những việc làm tốt, Người phê bình, nhắc nhở “một số công nhân chưa thật yên tâm công tác. Kỷ luật lao động chưa chặt chẽ, còn tình trạng đi muộn về sớm, còn lãng phí sức người, sức của. Cán bộ thì tinh thần trách nhiệm còn kém...”. Người phê phán một số cán bộ, đảng viên“thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần chịu khó”; “ngại công việc khó, không ham học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật”. Hệ quả của căn bệnh này không những không giúp họ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà tác dụng nêu gương đối với cán bộ dưới quyền, nhân dân rất thấp. Bởi sức thuyết phục, lan toả ở phẩm chất cần, nói đi đôi với làm trong mỗi người cán bộ, đảng viên rất lớn, động viên, thúc đẩy nhân dân cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.               

   Vậy có thể hiểu, đối với cán bộ, đảng viên, “Cần” tức là làm đủ số thời gian nhà nước quy định, không dùng thời gian đó giải quyết việc cá nhân, trễ nải công việc cơ quan.  “Cần” là một phẩm chất của đạo đức cách mạng. Giá trị xã hội và sức lan toả của chữ cần được Hồ Chủ tịch khái quát như sau: “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”. Bằng phép tính đơn giản, chỉ cần mỗi người, mỗi ngày làm thêm 1 giờ mà ý nghĩa kinh tế của nó thật lớn lao. Người nói: “Trong 20 triệu đồng bào ta, cho 10 triệu là thanh niên và thành nhân có sức làm việc. Nếu mỗi người, mỗi ngày chỉ làm thêm một tiếng đồng hồ, thì: Mỗi tháng sẽ thêm lên 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ. Chỉ những giờ ấy đã bằng động viên 400 triệu người làm trong một ngày 9 giờ”

   Theo Bác, chữ cần không chỉ là chăm chỉ, siêng năng mà phải gắn với trí sáng tạo, phương pháp, lề lối làm việc khoa học, chủ động trong việc sắp xếp công tác hợp lý, khoa học: “Muốn cho chữ cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”. Song “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. “Chuyên” nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích”. Bác còn chỉ dẫn phương thức, cách thực hiện Cần. Người yêu cầu: “Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần”.

       Đi liền với phẩm chất  “Cần” là “Kiệm”, đây cũng  là một trong những phẩm chất phải có của một người cán bộ, đảng viên. Trong suốt thời gian lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Bác luôn nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa quan trọng của tiết kiệm trong điều kiện kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn thì “tiết kiệm là quốc sách”, “tiết kiệm là thi đua yêu nước”.  Bác đã đưa ra cách hiểu đối với khái niệm “tiết kiệm” như sau: Theo Bác, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt là để giúp tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”. Nói theo khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.

Xuất phát điểm của nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, cuộc kháng chiến còn nhiều khó khăn, gian khổ. Trong điều kiện đó, vấn đề tiết kiệm càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có tiết kiệm mới có thể giúp tích trữ vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Không chỉ dừng lại ở cách hiểu, Bác Hồ còn nhấn mạnh việc tiết kiệm ở các nội dung cụ thể: 1 - Tiết kiệm sức lao động; 2 - Tiết kiệm thời gian; 3 - Tiết kiệm tiền của; 4 - Tất cả mọi người đều phải cùng tiết kiệm.

                 “Cần” và “Kiệm” phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. “Cần” mà không “Kiệm” thì như gió vào nhà trống, như nước đổ vào cái thùng không đáy, làm chừng nào xào chừng ấy, rốt cuộc không lại hoàn không. “Kiệm” mà không “Cần” thì không tăng thêm và không phát triển được.

                Thấu hiểu  lời dạy của Bác về hai phẩm chất “Cần”, “Kiệm”, trong thời gian qua đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị Yên Bái đã học tập một cách nghiêm túc và vận dụng linh hoạt trong việc tu dưỡng rèn luyện bản thân và luôn nỗ lực cố gắng thực hiện tốt công tác chuyên môn.

Đối với phẩm chất “Cần”, trước hết được đội ngũ giảng viên trẻ trường chính trị Yên Bái vận dụng trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách nhà giáo. Để có được những phẩm chất đạo đức cách mạng như lời dạy của Bác, bản thân mỗi người giảng viên xác định rằng cần tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ  hàng ngày, hàng giờ mới có được. Bác đưa ra một lời khuyên dễ hiểu: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà có. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, như vàng càng luyện càng trong, phải là công việc thường xuyên như rửa mặt hàng ngày”. Bản thân người giảng viên phải tự nhận thức được những ưu và khuyết điểm của mình để xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng.

     Tiếp đến, chữ “Cần” của người giảng viên trẻ Trường Chính trị Yên Bái còn được thể hiện ở sự tâm huyết với nghề nghiệp, lòng tận tụy với nghề nghiệp. Do đối tượng người học của  trường chính trị đa số là đảng viên, những người đã kinh qua thực tiễn công tác, nên rất “nhạy bén” với các vấn đề chính trị - xã hội.  Họ có chính kiến, có nhận xét, thậm chí phê phán về bài giảng của giảng viên, về trình độ nhận thức, về năng lực thực tiễn của người dạy một cách rất khách quan, nghiêm khắc và sát thực. Vì vậy nên đội ngũ giảng viên của trường luôn xác định  bản thân là một nhà khoa học, luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc khoa học chuyên ngành mà mình giảng dạy, những vấn đề trong quá trình giảng dạy đặt ra cần giải quyết, đồng thời luôn là một người tự học và học tập suốt đời để theo kịp với thực tiễn  biến đổi không ngừng trên quan điểm “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục” và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người huấn luyện phải là học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình - Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất”

Cùng với việc trau dồi kiến thức chuyên môn, bản thân mỗi giảng viên trẻ  thời gian qua luôn tích cực đấu tranh với những biểu hiện lười hoạt động, lười suy nghĩ, học tập một cách thụ động máy móc.  Bản thân mỗi người đã tự xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cho bản thân mỗi tháng, mỗi quý và từng năm.

Bên cạnh đó “Cần” còn được đội ngũ giảng viên trẻ thể hiện trong việc thường xuyên cập nhật tin tức thời sự mới, những nội dung văn kiện Đại hội XII, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIIII và các Nghị quyết chuyên đề vào bài giảng của mình để bài giảng trở nên sinh động và thực tế hơn. Để nâng cao trình độ, chuyên môn, đội ngũ giảng viên trẻ của trường còn tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những giảng viên đi trước thông qua việc dự giờ các tiết giảng, tham gia sinh hoạt tổ chuyên môn để thảo luận, trao đổi những nội dung trong bài dạy, những vấn đề mà trong quá trình giảng dạy đang còn băn khoăn, trăn trở; tham gia các buổi sinh hoạt câu lạc bộ giảng viên trẻ để trao đổi về phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm giảng dạy, rồi việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng như thế nào để đem lại hiệu quả cao. Thông qua các buổi sinh hoạt đó, mỗi giảng viên sẽ đúc rút được những kinh nghiệm riêng cho bản thân mình trong quá trình soạn giảng.

Ngoài ra “Cần” còn được đội ngũ giảng viên trẻ nhà trường thể hiện ở tính nghiêm túc trong công việc, mà như Hồ Chủ tịch đã nói “làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm”, đội ngũ giảng viên trẻ của Trường luôn luôn thực hiện đúng quy định giờ giấc làm việc của nhà trường, ý thức và tự giác trong thực hiện những nội quy mà nhà trường đã quy định. Tuy đây chỉ là việc nhỏ, nhưng lại góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện đạo đức của mỗi giảng viên trẻ để xây dựng nhà trường ngày một vững mạnh.

Đối với phẩm chất  “Kiệm”, thấm nhuần những bài học ý nghĩa về đức tiết kiệm mà Bác để lại cho chúng ta, bản thân mỗi giảng viên trẻ Trường Chính trị Yên Bái thời gian qua luôn có những hành động thiết thực và đầy ý nghĩa. Với tư cách là nhà giáo, đội ngũ giảng viên xác định bản thân mình trước hết phải là một tấm gương sáng về thực hành đức tiết kiệm, mà cái phải tiết kiệm đầu tiên đó chính là: “tiết kiệm sức lao động”, đây chính là cách để tăng năng suất lao động của mỗi cá nhân. Cụ thể như đối với những công việc bình thường phải cần 10 người để hoàn thành, nhưng giờ để tiết kiệm sức lao động thì cần phải khéo léo sắp xếp, tăng khả năng lao động của cá nhân để 5 người cũng có thể hoàn thành được công việc. Số người sử dụng ít đi nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc - ấy chính là tiết kiệm. Trong thời gian qua, đội ngũ giảng viên trẻ luôn phấn đấu hết mình để tiết kiệm sức lao động thông qua việc tích cực trong công tác soạn, giảng. Hiện nay, hầu hết các giảng viên trẻ của nhà trường đều có thể giảng dạy được tất cả các bài trong một môn học, có một số người có thể đảm đương dạy được một đến hai môn học. Điều này không những tạo thuận lợi cho việc bố trí, xếp lịch cho các giảng viên.

Quán triệt việc thực hiện Luật thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí 2013. Đội ngũ giảng viên trẻ hàng ngày thực hành tiết kiệm, nâng niu, quý trọng và bảo vệ những vật dụng nhỏ nhất: từ tờ giấy, cây bút, viên phấn, nhiều hơn một chút như điện, nước và các trang thiết bị của nhà trường. Mỗi giảng viên đều hiểu rằng, tất cả những thứ đó là tiền của nhà nước, của nhân dân chi trả. Bởi thế mà tiết kiệm sẽ là phương án duy nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan. Không chỉ tiết kiệm những vật dụng nhỏ nhất hàng ngày, đội ngũ giảng viên trẻ luôn hình thành ý thức bảo quản, giữ gìn phòng làm việc, trụ sở làm việc xanh - sạch - đẹp, hàng tuần Đoàn Thanh niên kết hợp với Công Đoàn trường tổ chức nhổ cỏ, tưới vườn hoa trong khuôn viên nhà trường, tổng vệ sinh khu nhà làm việc của giảng viên. Nhờ những hoạt động này mà nhà trường đã kịp thời phát hiện và sửa chữa kịp thời những vật dụng đã xuống cấp, hư hỏng, tránh sự lãng phí trong việc phải mua mới hoàn toàn.

Với tư cách là đội ngũ nhà giáo, hoạt động chính là “lao động trí óc”, đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị Yên Bái hiểu hơn ai hết giá trị của  “thời giờ” (chính là tiền bạc), nên tiết kiệm thời giờ chính là tiết kiệm tiền bạc. Đặc biệt, mỗi thời giờ trôi qua đều không thể lấy lại được nên càng cần phải tiết kiệm hơn. Thực hành việc tiết kiện thời gian theo lời dạy của Bác, đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường 100% thực hiện đúng quy định về thời gian giảng dạy, tận dụng triệt để thời gian trên lớp để truyền đạt những kiến thức hữu ích cho học viên. Ngoài những buổi lên lớp, đội ngũ giảng viên trẻ nhà trường còn tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học được mọi người nhiệt tình hăng hái tham gia viết bài đăng báo, đăng Website, đăng nội san nhà trường để vừa củng cố kiến thức chuyên môn, vừa có điều kiện mở rộng hiểu biết kiến thức từ các chuyên ngành khác, đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Vấn đề nghiên cứu thực tế của giảng viên được triển khai sâu rộng trong nhà trường và được đội ngũ giảng viên trẻ tích cực hưởng ứng tham gia đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở để viết bài, qua đó cập nhật số liệu thực tế ở địa phương để bổ sung vào bài giảng của mình cho sinh động. 

Trong chiều sâu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng thì hai đức “Cần”, “Kiệm” có tính quyết định đến chất lượng của đội ngũ giảng viên trẻ trường chính trị Yên Bái. Nắm bắt ý nghĩa quan trọng ấy, cùng với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Bản thân mỗi giảng viên trẻ nhà trường  phải tiếp tục cố gắng hơn nữa để trở thành tấm gương tiêu biểu về đạo đức, về tư tưởng, về lề lối làm việc như lời Bác dạy. 

Ths.Đỗ Mai Thúy – Phòng QLĐT & NCKH