• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐÔI NÉT VỀ VIỆC QUÁN TRIỆT TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 20/04/2022 9:39:00 SA
Lượt đọc: 9102

 

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác cán bộ. Vì, theo Người, cán bộ là gốc của mọi công việc. Cán bộ tốt công việc sẽ trôi chảy. Người còn liên hệ một cách rất giản dị: "Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức lỗ vốn".

     Nguồn cán bộ tốt không thể tự nhiên có được. Muốn có cán bộ tốt nhất thiết tổ chức, đoàn thể, nhà trường phải làm tốt công tác đào tạo cán bộ mà theo cách nói của Hồ Chí Minh là huấn luyện cán bộ. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp huấn luyện cho nước Việt Nam một đội ngũ cán bộ xuất sắc lãnh đạo cách mạng Việt Nam liên tiếp giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác.

    Trường chính trị tỉnh là nơi trực tiếp đào tạo đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Đây là đội ngũ cán bộ rất đông đảo và trải rộng khắp mọi miền đất nước. Họ là những người trực tiếp lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho những chủ trương, đường lối, chính sách đó trở thành hiện thực cuộc sống. Vì vậy, trường chính trị tỉnh phải làm thật tốt công tác huấn luyện đội ngũ cán bộ này. Và, để làm tốt công tác huấn luyện, trường chính trị tỉnh cần quán triệt và thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ và đó là cả một hệ thống quan điểm rất phong phú. Trong phạm vi bài viết xin đề cập một số quan điểm cơ bản liên quan đến nhiệm vụ đào tạo của trường chính trị tỉnh và có thể liên quan đến các cơ sở đào tạo cán bộ khác, trong giai đoạn hiện nay.

 Thứ nhất, để công tác huấn luyện tốt, người huấn luyện phải có đủ các tố chất  huấn luyện. Hồ Chí Minh nói: "Không phải ai cũng huấn luyện được. Người huấn luyện phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc". Và do đó người làm nhiệm vụ huấn luyện phải tích cực học tập không ngừng. Phải theo lời V.I Lê nin dạy: học, học nữa, học mãi để thu nhận tri thức trên mọi mặt.

     Thực hiện tinh thần đó, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cũng như nhiều cơ sở đào tạo cán bộ khác rất quan tâm đến chất lượng của đội ngũ giáo viên, đã đào tạo được nhiều giáo viên đạt trình độ chuyên môn cao hơn so với trước, có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị để làm tốt công tác huấn luyện. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công tác đào tạo cán bộ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước thì việc nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ giáo viên còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều.

     Thứ hai, trong công tác đào tạo cán bộ phải coi trọng cả hai mặt: "huấn" và  "luyện". Hồ Chí Minh cắt nghĩa: "huấn" là dạy dỗ, "luyện" là rèn dũa, tập luyện để không những làm cho hết những vết xấu xa trong đầu óc, mà phải thuần thục công việc trong thực tế công tác.

     Người chỉ rõ: việc dạy dỗ nâng cao tri thức lý luận là rất quan trọng. Tri thức lý luận sẽ giúp chúng ta định được mục tiêu, phương hướng, phương pháp làm việc, nhờ đó làm việc đạt hiệu quả cao. "Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp".

     Đi liền với "huấn" là "luyện".  "Luyện" nhằm làm cho người cán bộ thông suốt tư tưởng cách mạng để luôn trung thành với cách mạng. "Luyện" để trong cuộc sống người cán bộ luôn mang tư tưởng mình vì mọi người để mọi người vì mình, tạo ra sự đồng thuận giữa đồng chí, anh em giúp nhau vươn tới. Và theo một nghĩa nữa rất quan trọng "luyện" tức là tập luyện, là thực hành, là bắt tay vào làm để thuần thục đối với mọi công việc được giao, từ đó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dân gian Việt Nam có câu: "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm" là rất chí lý. Chỉ có làm mới hiểu rõ sự việc, mới nhớ lâu, làm nhiều mới có được sự thuần thục, đạt tới kỹ năng, kỹ xảo trong công việc.      

     Gần đây, khi bàn về phương pháp dạy học tích cực, đã có người nêu vấn đề: trong thực tế có một loại hình dạy học mà khi bước vào dạy thì thầy giỏi hơn trò rất nhiều, nhưng kết thúc khoá học thì trò trở nên giỏi hơn thầy. Trò có khả năng đạt danh hiệu quốc gia, quốc tế trong các kỳ thi, còn thầy không đạt hoặc rất ít đạt được những danh hiệu ấy. Đó là loại hình huấn luyện thể thao. Điểm riêng biệt của huấn luyện thể thao là thầy kết hợp giữa dạy lý thuyết với thực hành, trong đó thời gian thực hành lớn hơn thời gian học lý thuyết nhiều lần, và kết quả đem lại là trò không những nắm vững lý thuyết mà còn rất thuần thục các thao tác, đến mức giỏi hơn thầy. Trong giảng dạy lý luận chính trị chúng ta không thể áp dụng vấn đề đó một cách máy móc. Tuy nhiên, vấn đề ấy cũng khiến chúng ta nên liên hệ xem lại cách giảng dạy của chúng ta…

      Trong chương trình trung cấp chính trị, có phần lý luận cơ bản, tức các môn thuộc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Những môn học đó chưa gắn với thực hành cụ thể. Còn những môn học khác, ngoài phần lý luận còn gắn với thực hành rất nhiều. Trường Chính trị tỉnh cần chú trong hơn nữa đến việc luyện kỹ năng thực hành (thường nói là cầm tay chỉ việc) để thông qua đó người học nắm vững lý thuyết đồng thời còn thực hành giỏi. Cán bộ cấp cơ sở vừa là người lãnh đạo quần chúng nhân dân, vừa cùng quần chúng nhân dân thực hành mọi nhiệm vụ ở cơ sở, nên sự thuần thục trong công việc là đòi hỏi rất cơ bản.

     Thứ ba, đào tạo nên chú trọng vào chất lượng, không nên chỉ vì số lượng.

     Hồ Chí Minh căn dặn: huấn luyện "Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều". "Không mở lớp quá đông. Không mở lớp lung tung. Mở lớp nào cho ra lớp ấy".  Đây là điều rất có ý nghĩa trong đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo cán bộ cấp cơ sở.  Thiết nghĩ, trong một xã, chúng ta đào tạo cho tất cả 19 hoặc 20 chức danh cán bộ có trình độ trung cấp chính trị hoặc trung cấp pháp lý là rất quý. Nhưng với điều kiện chất lượng đào tạo phải đảm bảo tốt. Ngược lại, với số lượng đào tạo đông mà chất lượng đào tạo thấp thì lại là sự lãng phí. Vì số đông ấy vẫn không đủ khả năng định ra chủ trương, giải pháp đúng để phát triển kinh tế văn hoá, xã hội cho địa phương, thúc đẩy phong trào của địa phương phát triển. Còn như, trong điều kiện hiện tại, một xã chỉ đào tạo 5 đến 7 người, nhưng đào tạo công phu, chất lượng đào tạo tốt, người học thực sự nắm vững tri thức lý luận và năng lực thực hành thì họ vẫn có khả năng định ra được chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội cho địa phương, thúc đẩy phong trào địa phương phát triển. Dân gian Việt Nam có câu: "Quý hồ tinh, bất cứ hồ đa ". Còn V.I Lênin,  cũng trên ý nghĩa của vấn đề này, khi nói về tổ chức bộ máy Nhà nước, ông đã viết tác phẩm: "Thà ít mà tốt", trong đó Lênin nêu rõ: Phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan Nhà nước. Lựa chọn cán bộ phải theo phương châm " Thà ít mà tốt". Ít về số lượng nhưng chất lượng phải cao.

    Nói như vậy không phải xem nhẹ số lượng, mà muốn nói phải đảm bảo hài hoà giữa 2 mặt số lượng và chất lượng. Thực tế công tác đào tạo của chúng ta đang thiên về số lượng nhiều hơn chất lượng. Tình trạng số lượng trong mỗi lớp học chính trị quá đông, có khi tới trăm người là một thực tế. Bởi vậy, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: huấn luyện "Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều". "Không mở lớp quá đông. Không mở lớp lung tung. Mở lớp nào cho ra lớp ấy".

     Thứ tư, "Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học cho học viên".

     Đối với mỗi con người, trong cuộc đời thường bị nhiều lẽ chi phối nên thời gian được đến lớp, đến trường học tập không có nhiều, do đó tri thức thu nhận được ở trường còn rất hạn chế. Muốn có tri thức dồi dào, phong phú phải theo con đường tự học. Hồ Chí Minh không những nhắc nhở chúng ta phải tự học tập, mà bản thân Người là tấm gương tiêu biểu nhất về tinh thần và năng lực tự học tập. Với tinh thần và năng lực đó, Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được tinh hoa văn hoá phương Đông, văn hoá phương Tây, đã trở thành lãnh tụ vĩ đại nhất của dân tộc việt Nam và là danh nhân văn hoá thế giới.

     Không riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lịch sử đã có nhiều người do tự học tập không ngừng mà trở thành tài giỏi. Vì vậy, để có đội ngũ cán bộ tốt (bao gồm cả phẩm chất và năng lực), nhà trường cần trang bị cho học viên phương pháp và tinh thần tự học tập để luôn có tri thức mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng ở mỗi thời kỳ.

     Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ rất phong phú. Trên đây là một số vấn đề cơ bản trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ đào tạo của trường chính trị tỉnh và một số cơ sở đào tạo cán bộ khác. Chúng ta cần nghiên cứu, xem xét, quán triệt và thực hiện để công tác đào tạo cán bộ ngày càng đạt kết quả tốt hơn./.

Ths: Nguyễn Quý Dũng

Khoa Xây dựng Đảng