• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Yên Bái: Nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, hướng tới xây dựng tỉnh hạnh phúc
Ngày xuất bản: 25/07/2023 8:41:00 SA
Lượt đọc: 4684

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân đã trở thành động lực, nền tảng tinh thần, giá trị cốt lõi trong mục tiêu phát triển của tỉnh, một lần nữa thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới, sáng tạo, hết sức đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển KTXH, tình hình thực tiễn của địa phương.

 

       

 

Vũ Thị Hiền Hạnh,

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

 

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái đã lựa chọn triết lý phát triển: Phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; đồng thời xác định “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh. Yên Bái cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cụ thể hóa một nội dung mới của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

 

Vậy, qua nửa nhiệm kỳ, Yên Bái đã làm gì, làm như thế nào để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đúng như mục tiêu đã đề ra.

Được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh bằng việc ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chính sách bảo đảm toàn diện, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực, gồm 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 80 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 54 nghị quyết, 32 đề án, chính sách của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tỉnh đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chính sách bảo đảm toàn diện, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực - là cơ sở quan trọng để xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái

Trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách... tỉnh luôn đặt ra mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn (bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, tỉnh đã đặc biệt quan tâm các chính sách phát triển văn hóa xã hội và công tác an sinh xã hội).

Đây là những yếu tố hết sức quan trọng để triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.

Với quan điểm không cầu toàn, cách làm chắc chắn, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hằng năm (từ năm 2021), Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, trong đó có những nội dung đã thực hiện theo tinh thần “giao chỉ tiêu, khoán sản phẩm” và “đặt hàng”, phân công cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh. Việc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

 

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân đã trở thành động lực, nền tảng tinh thần, giá trị cốt lõi trong mục tiêu phát triển của tỉnh, một lần nữa thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới, sáng tạo, hết sức đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển KTXH, tình hình thực tiễn của địa phương. Từ nội hàm của chỉ số hạnh phúc, các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc chính là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân Yên Bái về cuộc sống, về môi trường sống và tuổi thọ trung bình (3 tiêu chí của chỉ số hạnh phúc) - với 36 chỉ tiêu thành phần - là các chỉ tiêu cụ thể về điều kiện kinh tế vật chất; mối quan hệ trong gia đình và xã hội; chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp xúc với cơ quan công quyền; sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng đô thị và nông thôn; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý rác thải, nước thải; bảo vệ rừng; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân Yên Bái về cuộc sống, về môi trường sống và tuổi thọ trung bình

Tiếp cận ở góc độ 3 tiêu chí chính của chỉ số hạnh phúc, có thể thấy rất rõ:

Ở Tiêu chí 1: Nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống.

Trước hết là nâng cao sự hài lòng của người dân về các điều kiện kinh tế - vật chất.

Một trong những cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Yên Bái là đã thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm. Chú trọng nhiều giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh Yên Bái đã thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”

Tỉnh đã quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KTXH, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ hạ tầng thiết yếu. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, tạo nên mạng lưới giao thông thuận tiện, phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp, những cây cầu mới qua sông Hồng, sông Chảy và biết bao công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm... ở các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa thực sự đã trở thành những “công trình, con đường, cây cầu hạnh phúc”, đáp ứng mong ước bao đời của người dân, góp phần tạo điều kiện cho giao thông, giao thương, phục vụ cuộc sống nhân dân ngày một tốt hơn. Hạ tầng thông tin, truyền thông được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Yên Bái đã phát huy trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, vì dân và dân hưởng thụ; cùng với đó là tập trung nguồn lực, nhất là xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn mới; từ đó, diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được phát huy.Hết năm 2022, toàn tỉnh có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 66%; có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 03/09 đơn vị đạt nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đảm bảo các tiêu chỉ về nông thôn mới, những tuyến đường với các loài hoa khoe sắc thật đẹp và đầy sức sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, hình thành thêm nhiều miền quê đáng sống trên quê hương Yên Bái.

Hai là nâng cao sự hài lòng của người dân về đời sống xã hội - tinh thần.

Tỉnh đã có nhiều giải pháp quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.

Với việc triển khai nhiều giải pháp hiệu quả cùng với việc ban hành các nghị quyết, đề án, chính sách, sự nghiệp GD-ĐT Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà được nâng lên. Tỉnh Yên Bái đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố) và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (đứng thứ 18/63 tỉnh thành phố). Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 72,9%. Phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình “trường học hạnh phúc”, lớp học hạnh phúc được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, 100% trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện (năm học 2022 - 2023, đã có 289 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học hạnh phúc, chiếm 65%, vượt 15% so với chỉ tiêu), góp phần nâng cao nâng cao mức độ hài lòng của người dân về môi trường giáo dục, chất lượng dạỵ và học.

Chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, có nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, Yên Bái tiếp tục là điểm sáng về giảm nghèo của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 5,15% so với năm 2021. Từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 1300 hộ người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa,  giai đoạn 2023-2025 theo đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ 3.022 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh,  phấn đấu cơ bản xóa hết nhà tạm...

Tăng cường bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, thực hiện đúng phương châm “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hiện nay, có 85,4% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc, 39,3% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; toàn tỉnh đã xây dựng được trên 500 CLB gia đình hạnh phúc. Đặc biệt là đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá “gia đình, thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”; làm cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng mô hình “xã, phường, thị trấn hạnh phúc”, “huyện, thị xã, thành phố hạnh phúc”, hướng tới mục tiêu xây dựng “tỉnh hạnh phúc” trong thời gian tới.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Yên Bái cũng đặc biệt quan tâm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc.

Ba là, Yên Bái đã có nhiều giải pháp nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức. Kết quả công tác CCHC của tỉnh có sự tăng bậc đáng kể qua các năm. Năm 2022, chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp hạng thứ 14/63 tỉnh (tăng 10 bậc so với năm trước); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp hạng thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 05 bậc); Chỉ số Hiệu quả Quản trị Hành chính công (PAPI)  nằm trong nhóm "Trung bình cao", là năm thứ 2 năm tỉnh Yên Bái duy trì vị trí thứ 5/14 các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Chuyển đổi số đã và đang trở thành một “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó có những việc đã khẳng định được tính đúng đắn, hiệu quả, cần thiết, phù hợp, tất cả vì sự hài lòng và hạnh phúc của người dân. Trong đó phải kể đến Ứng dụng Công dân số YENBAI-S  đã và đang trở thành một kênh thông tin tương tác quan trọng giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, cải thiện mức độ hài lòng của người dân với chính quyền cũng như nâng cao thứ hạng các bộ chỉ số đánh giá về tỉnh Yên Bái. Năm 2022 ghi nhận nỗ lực vượt bậc của Yên Bái trong bảng xếp hạng DTI (Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia), xếp vị trí thứ 15/63 các tỉnh, thành tăng 12 bậc so với năm 2021).

Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, người dân được sống an toàn, hạnh phúc và phát triển.

Ở Tiêu chí 2: Nâng cao sự hài lòng của người dân về môi trường sống.

Tỉnh đã quan tâm tăng cường việc quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý nước thải, chất thải; xây dựng các điểm xử lý rác thải tập trung để đảm bảo môi trường sống cho người dân. Thường xuyên sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước sạch tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ.  

Chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp (từ các thôn, bản, tổ dân phố, trong từng đường làng, ngõ phố, trong mỗi gia đình đến mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp). Tăng cường bảo vệ môi trường rừng, cây xanh. Phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững...

 Tiêu chí 3: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân.

Trong điều kiện tỉnh miền núi nghèo, song Yên Bái rất quan tâm ưu tiên nguồn lực phục vụ phát triển sự nghiệp y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phát triển nguồn nhân lực ngành y tế... nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính sách, văn bản chỉ đạo về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo đảm mọi người dân được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Đến nay, Yên Bái có 02 Bệnh viện đa khoa, 05 bệnh viện chuyên khoa; đang xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành trung tâm khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao của khu vực Tây Bắc; toàn tỉnh đạt 10,8 bác sỹ/mười nghìn dân; 34,6 giường bệnh/10 nghìn dân; 154/173 số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 89%); nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện, người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ huyến huyện, góp phần giảm chi phí do phải chuyển tuyến và giảm tải cho tuyến sau. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt 98,2%; tuổi thọ trung bình của người dân là 73,9, trong đó, số năm sống khỏe tối thiểu đạt 66,2.

Qua nửa nhiệm kỳ, có thể khẳng định việc xây dựng chỉ số hạnh phúc là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn và nhu cầu của chính người dân Yên Bái. Từ đó đã  huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc.

Trong thời gian qua, khắp các địa phương trong tỉnh Yên Bái, từ thành thị đến nông thôn....đều sôi nổi khí thế thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng gia đình, thôn bản, tổ dân phố hạnh phúc. Khắp nơi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua vì hạnh phúc của người dân với những “sản phẩm” cụ thể, đặc trưng của tỉnh.

Điển hình như: Phong trào thi đua phòng chống dịch Covid-19, đã huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, giữ vững vùng xanh an toàn trong thời gian dài, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Các phong trào: Xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc” của Ngành GD-ĐT,  phong trào “Bác sỹ tận tâm - Bệnh nhân hạnh phúc” của ngành Y tế , phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của  Hội LHPN các cấp; với các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh với phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở, nơi làm việc “Xanh, sạch, đẹp, hạnh phúc”; các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh với các cuộc thi viết, sáng tác về chủ đề xây dựng tỉnh Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc; đặc biệt nổi bật tại các địa phương là các phong trào “dịch rào hiến đất”...“hiến đất mở đường” đã thu được rất nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và hạnh phúc cho nhân dân.

Năm 2022, tỉnh Yên Bái đã xem xét lại việc giao nhiệm vụ điều tra, xác định chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái cho Cục Thống kê tỉnh để triển khai hết sức bài bản, khoa học trên phạm vi toàn tỉnh. Phương pháp điều tra, đánh giá chỉ số hạnh phúc của Yên Bái đã được Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho ý kiến thống nhất, đồng tình cao để Cục Thống kê tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện. Có thể nói, đây là cách làm mới, đảm bảo tính chính xác do cơ quan thống kê thực hiện đối với sự hài lòng của người dân về các tiêu chí - cũng chính là thước đo chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái.

Có thể nói, hạnh phúc tuy là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể “lượng hóa” nhưng thực tế đã chứng minh: Tuy Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển KTXH, song, các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân chính là đem lại sự hài lòng của nhân dân về cuộc sống, với các yếu tố về điều kiện vật chất, tinh thần của cá nhân và gia đình; hài lòng về sự phục vụ của chính quyền địa phương, về môi trường sống xung quanh, hài lòng về tuổi thọ trung bình và có sức khỏe tốt. Qua khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh, Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đều tăng qua hằng năm (năm 2022 là 62,57%; đạt Mức 2 - Khá hạnh phúc; tăng 8,27% so với năm 2020).

Với mục tiêu năm 2023, Chỉ số hạnh phúc của người dân 63,3%, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng 15% so với năm 2020. Đồng nghĩa với việc Yên Bái phải tiếp tục quyết tâm cao độ trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, không nằm ngoài 3 tiêu chí chính và các tiêu chí thành phần của Chỉ số hạnh phúc.

Tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng chỉ số hạnh phúc đối với từng ban, sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị theo Chương trình hành động hằng năm của Tỉnh ủy; để việc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân tiếp tục trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong hoạt động của các cấp, các ngành, đối với toàn xã hội và mỗi người dân Yên Bái.

Đổi mới nội dung, phương pháp công tác tuyên truyền, tiếp tục phản ánh sâu sắc, toàn diện ý nghĩa, giá trị nhân văn của việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Yên Bái cũng sẽ tiếp tục thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rút ra những kinh nghiệm hay, bài học quý; phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội; góp phần làm cho Chỉ số hạnh phúc tiếp tục được định hình rõ nét bằng chính mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp, đáp ứng nhu cầu, khát vọng phát triển và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc Yên Bái, “tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”.