Đó là nhận định của TS. Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) - Singapore.

Theo TS. Lê Hồng Hiệp, sự quyết liệt của Chính phủ trong việc tiến hành chiến dịch “ngoại giao vắc-xin” và thực hiện tiêm chủng đã xoay chuyển tình hình, giúp Việt Nam sớm thoát ra khỏi “vòng vây” của dịch bệnh và trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực mở cửa lại nền kinh tế. Bên cạnh đó là sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông - đặc biệt là làm đường cao tốc, hay thu hút đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, sự linh hoạt và hiệu quả về ngoại giao, theo như ông Hiệp mô tả, là nhân tố giúp gia tăng hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam và phù hợp với định hướng trở thành một “cường quốc hạng trung”. Đặc biệt, thành bại của tiến trình này còn đòi hỏi hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa và các giải pháp nhằm loại trừ các hành vi kinh doanh “độc hại”.

tit 1.jpg

Ông có nhận xét gì về chiến lược ngoại giao với các nước lớn trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua?

Đối ngoại có thể coi là một điểm sáng nổi bật trong gần ba năm qua, với điểm nhấn là việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật và Hàn Quốc lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời tiếp tục củng cố quan hệ với Trung Quốc, thể hiện qua chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2022 và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 12 vừa qua. Điều này cho thấy sự nâng cao về vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, đồng thời giúp chúng ta giữ được sự cân bằng và tự chủ chiến lược trong quan hệ với các nước lớn.

Có được kết quả này là nhờ sự nguyên tắc, kiên trì về chiến lược đi kèm với sự khôn ngoan, khéo léo về sách lược và thực thi chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tất cả những thành quả này càng nổi bật hơn nữa nếu chúng ta đặt chúng trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn, biến động và nhiều bất định thời gian qua.

Như ông vừa nói, điểm sáng ngoại giao cho thấy sự tự chủ, đồng thời nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Theo ông, điều này có tác động ra sao đến nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần?

Việc duy trì và nâng cấp quan hệ với các cường quốc, đối tác chủ chốt thời gian qua là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã thành công trong việc phát triển quan hệ về chiều sâu theo hướng thực chất và hiệu quả hơn với các nước này.

Đáng chú ý, bên cạnh các lợi ích chiến lược, Việt Nam cũng đã thu được các lợi ích kinh tế không nhỏ từ các mối quan hệ này; đơn cử như việc đón nhận thêm nhiều nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ các nước, bao gồm cả trong các lĩnh vực then chốt như chất bán dẫn, pin xe điện hay hàng điện tử công nghệ cao. 

anh 2.jpg

Còn tại các tổ chức đa phương, Việt Nam tiếp tục thể hiện và nâng cao vai trò của mình tại các diễn đàn của ASEAN và Liên Hợp Quốc. Việc được mời tham gia một số hội nghị của nhóm G7 và G20 cho thấy uy tín và vai trò của Việt Nam được các nước lớn công nhận. Chúng ta cũng đã đẩy mạnh việc đóng góp cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Những điều này giúp gia tăng hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam và phù hợp với định hướng trở thành một “cường quốc hạng trung” hay “quốc gia tầm trung” (middle power) của chúng ta trong thời gian tới.

 

tit 2.jpg

Gần đây, Chính phủ liên tục kêu gọi, ưu tiên và thúc đẩy phát triển và đầu tư về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đơn cử là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển và người dân có thu nhập cao vào năm 2045, chắc chắn Việt Nam không thể duy trì mô hình tăng trưởng cũ dựa trên các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và tài nguyên, hay phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Thay vào đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực của các doanh nghiệp nội địa, đồng thời thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dựa trên đổi mới – sáng tạo. Ngoài các ngành như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, còn có các ngành khác như điện tử, xe điện, năng lượng xanh, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới…

Thời gian qua, Chính phủ đã có những biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực này, nổi bật là việc thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), hay ban hành các chính sách, biện pháp thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo....

Các doanh nghiệp như FPT, Viettel, VinFast… cũng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong các lĩnh vực như thiết kế chip, phát triển công nghệ 5G hay xe điện…

Mặc dù cần nỗ lực hơn nữa, đòi hỏi sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hơn nữa, nhưng với sự đồng hành của các cơ quan nhà nước có tầm nhìn cùng các doanh nghiệp, doanh nhân nhiều khát vọng, hi vọng trong thời gian tới Việt Nam có thể đạt được những đột phá trong các lĩnh vực này để có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trở thành nền kinh tế thu nhập cao như mục tiêu đề ra. 

anh-3.jpg

Theo đánh giá của ông, đến nay, chuyển đổi số có thể tạo ra nền tảng giúp Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh chóng hậu đại dịch Covid-19?

Chuyển đổi số, với tư cách là một trụ cột không chỉ về phát triển kinh tế mà còn về quản trị quốc gia, đã được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ trong gần ba năm qua. Các biện pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư điện tử, bỏ hộ khẩu giấy, tích hợp các giấy tờ nhận dạng cá nhân, tăng cường chính phủ điện tử, số hóa công tác thuế và hải quan… góp phần tiết giảm thời gian, chi phí trong khi tăng sự tiện lợi, hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù còn đâu đó những trục trặc, nhưng về dài hạn, chắc chắn đây sẽ là những công cụ hiệu quả và thiết yếu giúp Chính phủ nâng cao năng lực hành chính - quản trị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển, vận hành một xã hội hiện đại.

Về chuyển đổi số kinh tế, các lĩnh vực như thương mại điện tử, ngân hàng số và fintech, dịch vụ đám mây, phát triển các trung tâm dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, áp dụng hóa đơn điện tử, số hóa quản trị doanh nghiệp… đã có nhiều bước tiến trong ba năm qua. Điều này thể hiện qua quy mô thị trường kinh tế số gia tăng cũng như thành công của các doanh nghiệp đi đầu trong thị trường chuyển đổi số như FPT, Viettel, VNPT….

Tất cả những điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp mà còn đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. 

tit 3.jpg

Theo ông, ngoài những điểm sáng kể trên, đâu là điều đáng chú ý trong cách điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ trong 1.000 ngày vừa qua?

Như đã đề cập ở trên, “quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, và hiệu quả” có thể được coi là những từ khóa miêu tả cách Chính phủ điều hành chính sách vĩ mô và đối phó với các thách thức trong và ngoài nước trong 1.000 ngày qua.

Đi kèm với quyết liệt trong chiến dịch “ngoại giao vắc-xin”, giải ngân đầu tư công, thu hút FDI… là sự linh hoạt, sáng tạo trong cách xử lý các khó khăn của Chính phủ. Đơn cử, khi nhận thấy các chính sách thắt chặt thị trường bất động sản và trái phiếu chính phủ có khả năng gây ra hệ quả tiêu cực, Chính phủ đã có các điều chỉnh kịp thời như nới lỏng hay trì hoãn thi hành một số quy định.

Điều này giúp nền kinh tế không bị tác động quá tiêu cực, lấy lại động lực tăng trưởng, trong khi vẫn đảm bảo các thị trường này sẽ trở nên lành mạnh, bền vững hơn trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn những khó khăn, thách thức đòi hỏi sự hành động tích cực và hiệu quả hơn nữa của tập thể Chính phủ. Ví dụ, việc thúc đẩy đầu tư công, hay nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Ngoài ra, các thách thức đối với việc quản lý thị trường chứng khoán và hệ thống tài chính - ngân hàng, điển hình qua đại án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để lành mạnh hóa nền kinh tế.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng thời gian qua Chính phủ đã có những bước đi phù hợp để từng bước hóa giải hoặc kiềm chế các thách thức này, thông qua cả các biện pháp chính sách lẫn hành động thực tiễn.  

anh-4.jpg

Với tình hình hiện tại, ông dự báo ra sao về bối cảnh kinh tế Việt Nam sắp tới? Những điều quan trọng nhất mà Chính phủ trong 2 năm nhiệm kỳ tiếp theo sẽ cần phải làm là gì, và tinh thần cần có là gì?

Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với nhiều thách thức nội sinh lẫn ngoại sinh. Việc chúng ta không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 là một lời nhắc nhở về những khó khăn và điểm yếu mà Việt Nam cần nỗ lực khắc phục.

Hy vọng trong 2 năm cuối nhiệm kỳ, các thách thức sẽ từng bước giảm bớt và Chính phủ có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Điều này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo, vốn là một giai đoạn bản lề quyết định liệu Việt Nam có thể thực hiện được tham vọng trở thành nền kinh tế phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 hay không.

Tôi duy trì sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới. Điều này không chỉ xuất phát từ tiềm năng, nội lực của nền kinh tế, từ quyết tâm của lãnh đạo quốc gia, mà còn từ bối cảnh quốc tế đang có xu hướng thuận lợi giúp Việt Nam bứt phá thời gian tới. Nhưng các triển vọng tích cực này có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào cách Chính phủ, các bộ, ngành, cũng như các chính quyền địa phương lẫn cộng đồng doanh nghiệp và người dân hành động trong thời gian tới. 

anh-5.jpg

Về phía Chính phủ, tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục hành động quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, và hiệu quả như thời gian qua. Việc chống tham nhũng và loại trừ các hành vi kinh doanh độc hại, chộp giật, phi pháp… cần được tiếp tục.

Bên cạnh đó, các cải cách hành chính, thể chế, tiền lương, thu hút nhân tài… cần được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị ở mức cao nhất để tạo dựng một bộ máy quản trị nhà nước hiệu quả, dẫn dắt một nhà nước kiến tạo phát triển với các chính sách có tầm nhìn.

Các đột phá về hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng ở Hà Nội và TP.HCM cần được đẩy mạnh, có thể bằng các cơ chế đặc biệt, để rút ngắn thời gian phát triển một hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại cho các đầu tàu kinh tế quốc gia này.

Cuối cùng, về đối ngoại, tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì các chiến lược ngoại giao cân bằng, thực dụng và hiệu quả để nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, vừa giúp đất nước có được môi trường phát triển thuận lợi, vừa thu hút hiệu quả các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

(Theo CafeF/Nhịp sống thị trường)