Dư luận hoang mang trước một bộ phận cán bộ có chức, có quyền ngày càng có nhiều hình thức tác động, hậu thuẫn, bắt tay thỏa hiệp với “sân sau” của mình để tiếp cận, chi phối các dự án kinh tế, gói thầu, hợp thức hóa việc tham nhũng, bòn rút của công. Chính bởi vậy, việc “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng (PCTN) ra khu vực ngoài nhà nước” trong Kết luận số 12-KL/TW ngày 6-4-2022 của Bộ Chính trị” về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực” là yêu cầu cấp thiết, nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Xóa sổ “sân sau”
Chống tham nhũng. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam
Không phải đến thời điểm này, vấn đề PCTN ở khu vực ngoài nhà nước mới được đề cập đến. Trước đó, Luật PCTN được Quốc hội thông qua đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, phù hợp với thực tiễn khi “vòi bạch tuộc” tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đang ngày càng len lỏi, cấu kết chặt chẽ với những đối tượng suy thoái, biến chất trong khu vực công. Nhiều doanh nghiệp muốn có được những dự án kinh tế, gói thầu thì tìm mọi cách để chạy chọt. Cơ chế xin-cho, những nguồn lợi bất chính đã thôi thúc một số cán bộ tha hóa, biến chất thao túng, chống lưng cho “sân sau” để trục lợi.
Rõ ràng, tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước làm méo mó môi trường kinh doanh, suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh; không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công cũng như toàn bộ nền kinh tế, làm do dự các nhà đầu tư bởi khó dự đoán được những chi phí không chính thức có thể phát sinh bởi phương thức kinh doanh thiếu liêm chính. Do đó, công tác PCTN sẽ không đạt hiệu quả toàn diện nếu chỉ tập trung vào khu vực công mà bỏ qua khu vực ngoài nhà nước.
Thực tiễn cho thấy, công cuộc PCTN thời gian qua đã đạt kết quả rất đáng ghi nhận, được quần chúng nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp không chỉ ở khu vực công mà ra ngoài xã hội; không chỉ dừng lại ở những người có quyền lực thoái hóa biến chất hay cán bộ, công chức thực thi công vụ mà tham nhũng, tiêu cực còn có sự tham gia chủ động, có tổ chức từ khu vực tư nhân. Việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước sẽ là hai “gọng kìm” ở cả khu vực công và tư, bảo đảm công tác PCTN được triển khai toàn diện, hiệu quả hơn, tạo môi trường phát triển bình đẳng, lành mạnh.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, răn đe để kiểm soát tham nhũng; đồng thời cũng đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh PCTN. Chủ trương từng bước mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài nhà nước là một minh chứng cụ thể cho quan điểm của Đảng về việc xem đấu tranh PCTN là sự nghiệp của toàn dân, luôn lắng nghe dân để hoạch định, điều chỉnh cơ chế, chính sách về PCTN phù hợp với thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát và mở rộng các kênh phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước thì việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong bộ máy công quyền cần phải được thực hiện đồng bộ, để không còn kẽ hở cho những người lợi dụng chức vụ, cấu kết với khu vực tư hòng trục lợi.
Một môi trường kinh doanh lành mạnh là các doanh nghiệp phải được cạnh tranh một cách bình đẳng, không cần trông cậy vào các mối quan hệ hay thế lực “chống lưng” để chiếm lợi thế. Cần nghiêm trị và loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ tha hóa, biến chất, sử dụng “sân sau” để thực hiện hành vi tham nhũng.