Để quy tụ và cụ thể những chuẩn mực đạo đức giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện có hiệu quả, cần khái quát ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá, ở mấy điểm chính sau: Trung thành với lý tưởng; Liêm chính trong công việc; Gương mẫu trước Nhân dân; Kiệm cần trong lối sống; Kỷ cương luôn coi trọng; Đoàn kết thật chân thành.
Đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường dạy. Có nhiều cách tiếp cận để xác định chuẩn mực đạo đức của người cách mạng - người cán bộ, đảng viên, trong đó cách tiếp cận cơ bản, cốt lõi nhất là căn cứ vào vị trí, vai trò, trách nhiệm người cán bộ, đảng viên đối với Đảng, với dân, với nước. Đó là sự hy sinh phấn đấu vô điều kiện cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân. Điểm chung của đạo đức người cán bộ, đảng viên là vậy, thường xuyên phải tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững, thể hiện trong công tác, đời sống và mọi mối quan hệ hằng ngày. Để quy tụ và cụ thể những chuẩn mực đạo đức giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện có hiệu quả, cần khái quát ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá, ở mấy điểm chính sau: Trung thành với lý tưởng; Liêm chính trong công việc; Gương mẫu trước Nhân dân; Kiệm cần trong lối sống; Kỷ cương luôn coi trọng; Đoàn kết thật chân thành.
Có thể coi đó là những nội dung cơ bản, cốt lõi về chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên ở mọi giai đoạn cách mạng. Trong mỗi chúng ta, có được những phẩm chất đó, mới xứng danh là cán bộ, đảng viên. Ngược lại, nếu không có được những phẩm chất đó một cách thực chất, chỉ hình thức, hời hợt, trá hình, giả tạo,… thì không thể xứng đáng, không thể là cán bộ, đảng viên chân chính.
TRUNG THÀNH VỚI LÝ TƯỞNG
Đảng lãnh đạo cách mạng, định hướng con đường lý tưởng cho Nhân dân đi và tổ chức thực hiện thông qua hàng triệu cán bộ, đảng viên của mình. Vì thế, người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ là “thay đi cái cũ, xã hội cũ lạc hậu, xây lên cái mới, xã hội mới tốt đẹp hơn”. Lý tưởng của chúng ta đã được Bác Hồ, Đảng và Nhân dân ta lựa chọn là “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Ngay từ ngày đầu đến hôm nay, trong quá trình từng bước thực hiện lý tưởng ấy, đã có biết bao tấm gương hy sinh vô điều kiện của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đưa đất nước ta từ thân phận nô lệ, kiếp ngựa trâu, đánh đổ đế quốc xâm lược và phong kiến, giành độc lập chủ quyền dân tộc, xây dựng và phát triển không ngừng để có cơ đồ, vị thế vinh quang, sánh vai với các nước trên thế giới, đời sống Nhân dân hòa bình, dân chủ, ấm no, hạnh phúc, văn minh, tiến bộ như ngày nay, làm thỏa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Trung thành với lý tưởng” của Đảng là trung thành với lợi ích của dân tộc; trung thành với lý tưởng “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đã là cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, hoàn chỉnh về mục tiêu lý tưởng đó để không những củng cố niềm tin vững chắc cho bản thân, mà còn tuyên truyền, giáo dục, vận động đông đảo quần chúng nhân dân cùng nhận thức đúng đắn, sâu sắc, đầy đủ và làm theo. Một số cán bộ, đảng viên đã “phai nhạt lý tưởng” dẫn đến “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đã là không còn phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên; là không còn xứng đáng là cán bộ, đảng viên; thậm chí là đã đi ngược lý tưởng của Đảng, phản bội Nhân dân. Vì thế, trung thành với lý tưởng của Đảng là phẩm chất cơ bản, là nền tảng, là sức mạnh để người cán bộ, đảng viên hy sinh, phấn đấu, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
LIÊM CHÍNH TRONG CÔNG VIỆC
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ, phải “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Đặc biệt, với cán bộ, đảng viên, Người nghiêm khắc yêu cầu phải thực sự liêm chính trong thực hành công việc, bất cứ to hay nhỏ; lớn hay bé. Cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhân dân giao nắm giữ những nhiệm vụ là để phục vụ Nhân dân, tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bòn rút, trục lợi cá nhân bằng mọi thủ đoạn tinh vi, trắng trợn, liên kết bè nhóm khuất tất hòng che mắt Nhân dân, làm giàu bất chính. Bác Hồ cũng từng chỉ rõ tiền của đó là mồ hôi, nước mắt, sức lực của Nhân dân. Bác gọi những người tham nhũng “chiếm công vi tư” là một thứ “giặc” - giặc nội xâm. Thứ giặc này nằm ngay trong chúng ta, phá chúng ta từ bên trong, mà bản chất của nó chính là chủ nghĩa cá nhân, là phi đạo đức. Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Mỗi cán bộ, đảng viên muốn có được đạo đức cách mạng trong sáng, thực sự, xứng đáng, phải thường xuyên cảnh giác, rèn luyện, tự chống lại những ham muốn cá nhân chủ nghĩa, phải liêm chính, ngay thẳng, minh bạch trong mọi công việc và đời sống của mình.
GƯƠNG MẪU TRƯỚC NHÂN DÂN
Cán bộ, đảng viên là những người tiên phong, gương mẫu trước Nhân dân về mọi phương diện: tư tưởng, hành động, lối sống, sự hy sinh phấn đấu cho lợi ích chung của Đảng, của Nhân dân và dân tộc. Đảng lãnh đạo Nhân dân bằng sự gương mẫu, tiền phong của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhân dân nhìn thấy cán bộ, đảng viên miệng nói, tay làm, tiền phong gương mẫu là sẽ làm theo. Nhân dân ta có câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn gian khổ, sống chết kề bên hay lúc bình yên vinh hoa phú quý, bao giờ cũng cần sự gương mẫu tiền phong của người cán bộ, đảng viên. Đó là sự gương mẫu hy sinh phấn đấu vì Đảng quang vinh, vì dân giàu, nước mạnh, văn minh hạnh phúc, trong đó có niềm vinh dự của chính mình. Đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là “miệng nói, tay làm”, “nói ít làm nhiều”, đã nói thì làm, làm cho bằng được, làm có hiệu quả, vì lợi ích chung. Nhân dân rất kính trọng, khâm phục, tin tưởng, đi theo những cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu trước Nhân dân, trước Đảng trong mọi công việc, trong cuộc sống hằng ngày.
KIỆM, CẦN TRONG LỐI SỐNG
Đây là sự đồng nhất trong phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Người cán bộ, đảng viên phải thực sự là người lao động cần cù, sáng tạo trong lĩnh vực mà mình đảm nhiệm, đóng góp hết mình cho Nhân dân, cho đất nước. Tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của, cần mẫn học tập, không ngừng trau dồi tri thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lao động sáng tạo, tạo ra những thành quả vật chất, tinh thần thiết thực, hữu ích cho đất nước, cho xã hội, đó chính là những phẩm chất quý báu của người cán bộ, đảng viên.
Bác Hồ chỉ rõ, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là hướng rèn luyện, là phương châm hành động, là phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh, tiết kiệm là yêu cầu cần thiết, là đức tính, là khoa học trong công tác của người cán bộ, đảng viên. Nếu làm ra của cải mà không tiết kiệm, không chi dùng đúng việc, phung phí thì khác nào như “gió vào nhà trống”. Tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, thấy việc cần mà không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Trước mỗi công việc, cần cân nhắc, tính toán cẩn thận, xem xét hiệu quả, cân đối toàn diện, nhìn nhận trước mắt, lâu dài, tránh tình trạng “vung tay quá trán”, hình thức, gây lãng phí tiền của của Nhân dân. Gần đây, có những hiện tượng lãng phí ghê gớm về tiền của, sức lao động, tài nguyên, nhất là tài nguyên đất đai,… do hàng loạt dự án “treo”, công trình dở dang, đầu tư không hiệu quả, chất lượng kém… rất đáng báo động. Tình trạng này là hệ quả xấu của tâm lý nhiệm kỳ, của sự vô trách nhiệm, xa rời, buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý, là sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Trong rất nhiều lĩnh vực khác, nếu cán bộ, đảng viên thiếu đạo đức cách mạng, buông lỏng, lơ là với vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, không thực sự cần kiệm, đều gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội, đất nước, làm mất lòng tin của Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín, thanh danh của Đảng.
KỶ CƯƠNG LUÔN COI TRỌNG
Là cán bộ, đảng viên, không những phải gương mẫu tuân thủ pháp luật, mà phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, điều lệ, nghị quyết của Đảng. Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là thực hiện nghiêm, chủ động, sáng tạo, có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; mọi quy định của cộng đồng từ việc nhỏ đến việc lớn. Sự gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm sẽ tạo thành nếp sống nghiêm túc, luôn tuân thủ kỷ luật kỷ cương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo nên phẩm chất đạo đức của người cách mạng.
Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng là bảo vệ Đảng, là nguyên tắc, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên không mắc sai lầm, không xa rời Đảng, không bị kẻ xấu lôi kéo, có đủ bản lĩnh đấu tranh, bác bỏ mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng vững chắc.
ĐOÀN KẾT THẬT CHÂN THÀNH
Đoàn kết là sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của Đảng và Nhân dân ta trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, là bài học vô cùng quý giá của Đảng. Bao giờ, ở đâu, lĩnh vực nào cũng cần có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân để tạo ra sức mạnh. Đoàn kết về tư tưởng, hành động, tổ chức gắn kết mọi cán bộ, đảng viên trên cơ sở vì lợi ích chung, lâu dài.
Sự đoàn kết của cán bộ, đảng viên, nâng tầm là đạo đức cao quý của Đảng, là yêu cầu của Nhân dân, của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Người nhấn mạnh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công! Để trở thành phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, sự đoàn kết như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta yêu cầu, phải thực sự vì lợi ích chung; phải thật sự chân thành, trung thực, gạt bỏ mọi mưu đồ, lợi ích, thủ đoạn cá nhân được che đậy bằng “đoàn kết”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy ta phải yêu thương đồng chí, không đố kỵ, ghét ghen, không dùng quyền lực loại người tài đức, đưa con cháu, người thân, cùng cánh vào thay, kéo cả nhà làm quan…
Đoàn kết phải trên nền tảng đạo đức của người cộng sản, vì tạo nên sức mạnh, nội lực kiên cường của Đảng.
Sáu nội dung chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên là một thể thống nhất, bổ sung, liên hệ gắn bó chặt chẽ, không tách rời nhau. Đó chính là chuẩn mực, là thước đo đánh giá phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên ở bất cứ lĩnh vực nào./.
Điểm chung của đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là phải thường xuyên phải tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững, thể hiện trong công tác, đời sống và mọi mối quan hệ hằng ngày. |
PGS.TS Trần Quang Nhiếp
Theo: tuyengiao.vn
Tin khác