Liên quan đến thông tin Bộ Nội vụ yêu cầu Bộ Y tế phải thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại 8 đơn vị thuộc bộ này, theo đó yêu cầu giảm nhiều tổng cục, vụ, cục thuộc Bộ khiến nhiều người "ngỡ ngàng"! Lý do là ngành y tế ở địa phương đã thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tương ứng từ khá lâu. Đến nay đã chứng minh được hiệu quả của việc sắp xếp này, trong khi ở trung ương vẫn... giữ nguyên.
Trên thực tế nhiều bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Tài chính... đã làm rất tốt việc tinh gọn bộ máy, nhất là cấp trung ương thì một số bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đơn cử như ngành y tế, ở các địa phương đã thực hiện việc sáp nhập, tổ chức lại nhiều đơn vị, có nơi 7 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sáp nhập thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế. Trung tâm này dù mới thành lập, với mô hình khá mới mẽ nhưng đã khẳng định tính hiệu quả trong thực tế hoạt động, nhất là thể hiện rất rõ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Trong khi đó, ở trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Y tế lại gần như vẫn... giữ nguyên là không hợp lý, dù với bất cứ nguyên nhân gì. Vì vậy, ngay khi Bộ này trình dự thảo ban hành quy chế tổ chức, hoạt động là lập tức bị Bộ Nội vụ "tuýt còi", cảnh báo.
Trở lại vấn đề tổ chức bộ máy, theo nguyên tắc và mô hình quản lý nhà nước hiện nay, với mô hình được ví là "chóp nón" thì ở địa phương, nhất là cấp cơ sở đang thực hiện khối lượng công việc chuyên môn, nghiệp vụ và sự vụ lớn nhất. Hơn nữa cấp địa phương, cơ sở là cấp gần dân nhất, là nơi trực tiếp tiếp xúc, giải quyết nhu cầu công việc hàng ngày của người dân. Chẳng hạn, y tế là phải trực, khám chữa bệnh 24/24 trực tiếp cho người dân nên rất cần nguồn lực, nhân lực.
Qua vụ việc này, cũng cho thấy không chỉ ở Bộ Y tế mà nhiều địa phương, đơn vị đã bộc lộ sự bất cập trong quản lý, điều hành cũng như việc thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, tuân thủ quy định pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế. Minh chứng là một số cơ quan, đơn vị, thậm chí ở cấp trung ương vẫn chưa thật sự nghiêm túc, nêu gương trong việc tinh giảm bộ máy, biên chế.
Nhân vụ một số bộ, ngành bị "tuýt còi", mổ xẻ về chậm trễ trong việc sắp xếp bộ máy, lãng phí nguồn nhân lực cho thấy nhiều cơ quan cấp trên lại chưa thật sự nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, quy định pháp luật bằng các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Mặc dù, ở cấp địa phương, cơ sở là cấp có khối lượng công việc nhiều nhất, giải quyết nhiều vấn đề hàng ngày cũng như chịu áp lực va chạm, phức tạp nhất...
Vì vậy, để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thật sự phát huy hiệu quả thì các cơ quan ở trung ương phải đi đầu, nêu gương. Theo đó, cơ quan ở trung ương cần chấp hành nghiêm, triệt để các quy định về tinh giọn bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt phải triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định, hướng dẫn do chính mình đưa ra. Điều này, vừa góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy, biên chế và đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành hoạt động của bộ máy nhà nước.