• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Tin đồn và sự thật
Ngày xuất bản: 22/08/2022 1:06:00 CH
Lượt đọc: 9757

 

Tin đồn hay lời đồn là những thông tin không rõ nguồn gốc về một sự vật, sự việc nào đó được truyền từ người này sang người khác, nơi này sang nơi khác mà chưa được xác thực. Xóa bỏ tin đồn vô căn cứ là một việc khó khăn, lâu dài, cần những giải pháp đồng bộ bởi nó là thói quen, tập tính của xã hội còn lạc hậu, trọng tình hơn trọng lý, tư duy đơn giản, tùy tiện, cộng thêm sự phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng.

“Nghe đồn là” vốn là câu cửa miệng của các bà, các chị bán hàng ngoài chợ từ thời xưa, khi trình độ dân trí còn thấp, công nghệ thông tin chưa phát triển. Khi đó, người ta thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của nhau chủ yếu bằng những thông tin không kiểm chứng thông qua con đường truyền miệng.

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, trình độ dân trí đã cao hơn rất nhiều, thế mà tin đồn vẫn còn tồn tại, thậm chí còn phát triển mạnh hơn trước. Giờ đây, tin đồn được phát tán nhanh hơn, rộng hơn, hấp dẫn hơn nhờ mạng xã hội và điện thoại cầm tay. Tuy nhiên, bản chất của tin đồn là không kiểm chứng vẫn như ngày xưa và vẫn đang làm cho nhiều người ngộ nhận. Hàng ngày, dù ở cơ quan, hay quanh bàn trà, quán nước, chúng ta đều có thể nghe thấy các tin đồn đại loại: Ông A được lên chức này nọ phải lót tay mấy tỷ; bà X vừa ký hợp đồng với bên B đã nhận hoa hồng một căn hộ chung cư cao cấp; anh Y mới được phong danh hiệu cao quý đã phải bán đi một ô tô hạng sang; chị R muốn thoát tội đã phải lo lót mấy ngàn đô… Rồi chuyện nhân sự, chuyện ngôn tình, chuyện vụ án được kể với những nhân vật có thật, tình tiết, lời nói rõ ràng như được thuật từ người trong cuộc. Nhiều tin đồn nghe lâm li bi đát đến nỗi người bị đồn có nghe được cũng không nhận ra đó là chuyện của mình nữa.

Thời gian qua, cơ quan điều tra đã xử lý nhiều đối tượng tung tin đồn thất thiệt. Ảnh: Internet.

Đáng buồn thay, nhiều người dù biết là tin đồn vô căn cứ, vẫn hăng hái lên mạng bình luận, thêm thắt, cắt gọt và chia sẻ để câu view, câu like, để chứng tỏ mình là người thạo tin và hy vọng trở thành người nổi tiếng. Các thế lực thù địch cũng triệt để lợi dụng hiện tượng này để chống Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam. Dựa trên những câu chuyện có thật, vụ án đã được truy tố, vụ việc đã xử lý, chúng thay đổi các tình tiết, nhân vật và gán cho những cán bộ, đảng viên ngay thẳng, trung thực làm cho họ trở nên tầm thường, xấu xa trong mắt người dân. Tệ hại hơn, những tin đồn kiểu này sẽ dẫn đến sự quy kết rằng không có cán bộ nào trong sạch, tử tế; đã là cán bộ là tham nhũng, tiêu cực, từ đó làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự thật là, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh”, số cán bộ, đảng viên trong sáng, tích cực vẫn chiếm đa số. Có như vậy, đất nước mới ổn định và phát triển, mới có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Xóa bỏ tin đồn vô căn cứ là một việc khó khăn, lâu dài, cần những giải pháp đồng bộ bởi nó là thói quen, tập tính của xã hội còn lạc hậu, trọng tình hơn trọng lý, tư duy đơn giản, tùy tiện, cộng thêm sự phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng. Tuy nhiên, mỗi người khi nghe thấy tin đồn thay vì tin ngay hãy đặt lại câu hỏi: Bạn nghe thông tin ấy ở đâu? Có bằng chứng gì không? Nếu có thời gian chỉ cần thực hiện một vài thao tác kiểm chứng trên internet là ngay lập tức có thể bước đầu nhận diện đó là thông tin có thật hay là chỉ một tin đồn vô căn cứ mà thôi.

Ngọc Vĩnh